Giao lưu trực tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền

 Phó Tổng biên tập Báo PLVN - ông Trần Đức Vinh - trao đổi với các vị khách mời trước khi bắt đầu chương trình giao lưu.
Phó Tổng biên tập Báo PLVN - ông Trần Đức Vinh - trao đổi với các vị khách mời trước khi bắt đầu chương trình giao lưu.
(PLO) - Từ những vấn đề cơ bản của Tuyên ngôn nhân quyền, quyền con người là gì, đến những câu chuyện về nhân quyền rất thiết thực trong đời sống của mỗi gia đình, sẽ được các khách mời, chuyên gia của chúng tôi lý giải trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng độc giả.

70 năm trước, Liên Hợp quốc đã công bố Tuyên ngôn Quốc tế  Nhân quyền. Đây là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị, được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và tôn trọng. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đạt những  thành tích được quốc tế ghi nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Từ những vấn đề cơ bản của Tuyên ngôn nhân quyền, quyền con người là gì, đến những câu chuyện về nhân quyền rất thiết thực trong đời sống của mỗi gia đình, sẽ được các khách mời, chuyên gia của chúng tôi lý giải trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng độc giả.

Hai vị khách mời cùng tham gia chương trình của chúng tôi hôm nay là PGS.TS Đặng Dũng Chí - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

Chương trình do Báo Pháp luật Việt Nam  cùng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp tổ chức!

Phó Tổng biên tập báo PLVN - ông Trần Đức Vinh - chào mừng các vị khách mời đã tới tham gia chương trình.
 Phó Tổng biên tập báo PLVN - ông Trần Đức Vinh - chào mừng các vị khách mời đã tới tham gia chương trình.

(F5 để tiếp tục cập nhật!)

Cho tôi hỏi, ở Việt Nam hiện nay, đang gặp những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo quyền con người ?

- Xin hỏi các ông, thành tựu nổi bật của Việt Nam về bảo vệ con người trong thời gian qua?

Ông Bạch Quốc An: Khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân về các quyền của mình khi bị xâm phạm còn hạn chế như đã nêu ở phía trên.

Thứ hai là việc lạm dụng các quyền con người để có các hành vi vi phạm pháp luật đang gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ các quyền con người bị vi phạm như đã được đề cập tại câu hỏi về việc đưa các thông tin không chính xác lên các trang mạng xã hội ở trên.

Thứ ba, hạn chế về kiến thức pháp luật của các cán bộ công chức cũng là một hạn chế trong quá trình xử lý một số vụ việc cụ thể.

Thứ tư, ý thức pháp luật của cộng đồng dân cư là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền con người.

Cuối cùng là hạn chế về nguồn lực cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của việc bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.

PGS.TS Đặng Dũng Chí:   Theo tôi, thành tựu cơ bản nhất là giữ vững được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Đây là điều hết sức có ý nghĩa vì nếu không làm được điều này sẽ không thể có điều kiện hay tạo ra tiền đề để bảo vệ quyền con người. Chính hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ 2 tại Viên (Áo) coi việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện có hiệu quả quyền này.
Một thành tựu nổi bật nữa trong những năm qua đã đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế thị trường. Đây cũng là những điều kiện rất quan trọng trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Trên từng lĩnh vực cụ thể có thể kể đến những thành tựu lớn về giải quyết việc làm, về xoá đói giảm nghèo, về an sinh xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…
Những thành tựu trong bảo đảm quyền con người nói trên đã góp phần quan trọng thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới bao nhiêu năm qua.

- Tôi muốn hỏi anh An, việc sửa đổi, bổ sung ban hành pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người thực hiện như thế nào?

- Ông Bạch Quốc An: Như tôi đã vừa trả lời, Hiến pháp 2013 là sự thể hiện thay đổi lớn trong nhận thức về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Trên cơ sở Hiến pháp 2013 các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 về việc sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản về quyền con người nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013 là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Thực hiện nguyên tắc cơ bản về hạn chế quyền con người trong Hiến pháp 2013, thì các quy định về hạn chế quyền con người đã được tập trung quy định trong các luật, những quy định về hạn chế quyền con người trong các văn bản dưới luật đều đã được xem xét bãi bỏ. Đồng thời, đây cũng là một nội dung được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Hàng năm, việc rà soát các quy định của pháp luật về quyền con người luôn được bộ ngành thực hiện trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế về quyền con người để qua đó có đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.
Ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

- Xin ông cho biết đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta trong bảo vệ quyền con người?

- PGS.TS Đặng Dũng Chí:   Ngay từ khi ra đời Nhà nước Việt Nam đã quan tâm bảo đảm, bảo vệ quyền con người thể hiện tập trung trong Hiến pháp 1946. Trong thời kì đổi mới, các Đại hội Đảng đều tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán trong việc bảo đảm quyền con người; đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển; nhấn mạnh việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, Đại hội XII nhấn mạnh, cần chuyển an sinh xã hội từ lĩnh vực nhân đạo từ thiện sang quyền và Nhà nước cần bảo đảm để tất cả mọi người đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu những bước ngoặt trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, như anh An đã nói rõ ở trên.

- Một cô người mẫu, hay hoa hậu bán dâm, được báo chí tung hình ảnh, điều tra quá chi tiết về cuộc đời của cô gái này. Hoạt động của truyền thông như vậy có quá đà và vi phạm quyền con người? (Bạn đọc giấu tên)

- PGS.TS Đặng Dũng Chí:  Dưới góc nhìn nhân quyền, đây cũng được coi là hành vi xúc phạm nhân phẩm của người vi phạm pháp luật. Vì ngay cả người vi phạm pháp luật cũng cần được bảo vệ nhân quyền. Vì thế, các nhà báo và cơ quan báo chí luôn ý thức rõ điều này khi đưa tin về những vụ việc nhạy cảm nói trên.

- Có rất nhiều vu việc là cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra khách san, nhà nghỉ, bắt người bán dâm, đã dùng điện thoại quay hình, chụp ảnh người bán dâm không mặc quần áo. Hành động  của người thi hành công vụ  như vậy cần xử lý sao? (Nguyễn Hữu Ngọc - Bắc Ninh)

- PGS.TS Đặng Dũng Chí:  Chắc chắn đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với trường hợp trên có thể có nhiều cách hoàn thiện chứng cứ mà không cần thực hiện các biện pháp trên.Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để xử lý với những hành vi trên.

- Hiện tại, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhà trường như cô giáo đánh học sinh rất tàn nhẫn, gây bức xúc dư luận. Nhiều học sinh hay phụ huynh biết con mình bị vi phạm nhân quyền nhưng  khi bỏ qua, không lên tiếng. Chúng ta sẽ hỗ trợ gì cho ngành giáo dục khi xây dựng những thông tin căn bản về quyền con người? (Nguyền Huyền Thanh - Đà Nẵng)

PGS.TS Đặng Dũng Chí cho biết: Hiện nay, Viện quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
 PGS.TS Đặng Dũng Chí cho biết: Hiện nay, Viện quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí: Đáng buồn rằng tình trạng này hiện nay không phải cá biệt ở nước ta. Để khắc phục tình trạng này thì chúng ta cần phải thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của học sinh để các em tự biết bảo vệ quyền của mình; đồng thời cũng phải trang bị kiến thức, kĩ năng cần thiết cho các thầy cô giáo và nhân viên nhà trường, để có những cách xử lý thích hợp.

Hiện nay, Viện quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, nội dung quyền con người được giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Khi đưa vào thực hiện, chắc chắn sẽ khắc phục được căn bản những hành vi như bạn nêu.

-Trên facebook bây giờ người ta tha hồ nhục mạ, tung clip đánh ghen, tung thông tin bịa đặt gây ảnh hưởng đến cuộc sống người khác. Hành động như vậy cần xử lý sao? (Nguyễn Thanh Hà - Hòa Bình)

 Ông Bạch Quốc An: Đây không chỉ là một hiện tượng ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, hiện nay nhiều nước đã yêu cầu facebook hoặc các trang mạng xã hội khác phải có cách thức sàng lọc thông tin trước khi được đăng tải để tránh hiện tượng như trên.

Vì vậy tôi cho rằng Việt Nam cũng cần có yêu cầu như vậy đối với các trang mạng xã hội này.

Về mặt pháp lý khi các thông tin được đưa lên mạng xã hội mà không chính xác, bịa đặt thì người bị hại đều có thể sử dụng các quy định của pháp luật để yêu cầu các cơ quan tư pháp bảo vệ quyền của mình và yêu cầu xóa bỏ, chỉnh lý thông tin cho chính xác.

Tôi cho rằng, hiện tượng này cũng là một biểu hiện của việc vi phạm một quyền sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác. Cụ thể là việc vi phạm quyền tự do ngôn luận bằng cách cung cấp, đăng tải các thông tin bịa đặt, không chính xác đã ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác.

Vì vậy, theo tôi, việc xử lý nghiêm các hành vi này cũng là một biện pháp để bảo đảm quyền của người khác.

- Một gia đình thuộc khu vực giải tỏa mặt bằng, nhưng tới ngày quy định gia đình này vẫn chưa dọn đi (do gặp một số vấn đề ngoài ý muốn) nhưng tới ngày quy định những người trong ban giải tỏa tới và thu dọn đồ đạc của gia đình họ mang đi, như vậy có được coi là xâm phạm chỗ ở không và gia đình này không ? Bạn Huyền Trang (Cần Thơ) hỏi.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí: Ở đây cần phân biệt rõ hành vi cưỡng chế theo quy định của pháp luật hiện hành và hành vi xâm phạm chỗ ở và tài sản của công dân. Trường hợp bạn nêu ra chưa thật rõ thuộc loại nào, vì thế bạn cần căn cứ vào quy định của pháp luật để tìm ra câu trả lời phù hợp.

Nếu có câu hỏi cụ thể hơn, mời bạn gửi lại thông tin, chúng tôi sẽ trả lời riêng cho bạn.

- Một người mẹ thường xuyên kiểm tra tin nhắn điện thoại của con gái đang học lớp 9 của mình, với lí do kiểm tra để nhắc nhở kịp thời và có cách quản lý, thì có phải là vi phạm quyền riêng tư của cá nhân không.? Bạn Mai Lan (Tuyên Quang) hỏi.

Các khách mời đang trả lời trực tuyến câu hỏi bạn đọc gửi về.
 Các khách mời đang trả lời trực tuyến câu hỏi bạn đọc gửi về.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí:  Theo quy định của PLNQQT và pháp luật hiện hành của Việt Nam đây rõ ràng là sự vi phạm quyền riêng tư (dù cháu bé là con bạn). Chúng ta cần có cách tiếp cận mới, chẳng hạn nói chuyện nhiều hơn với con mình để qua đó các cháu tự nhận biết và điều chỉnh các hành vi của mình cho thích hợp.

- Tại sao, bây giờ nhiều người viết facebook bày tỏ quan điểm hay bức xúc về việc như, thu phí cầu đường quá cao, học phí cao, xăng tăng giá hay việc cán bộ hành chính xử lý thủ tục chậm, vòi vĩnh…lại bị công an mời lên làm việc. Việc cơ quan chức năng mời công dân lên làm việc như vậy có lạm dụng và xâm phạm quyền tự do ngôn luận?(Ngọc Tuấn - Nghệ An)

-  Ông Bạch Quốc An: Hiện tượng này cần xem xét đánh giá một cách chính xác. Không phải tất cả những người thể hiện quan điểm của mình trên mạng xã hội như facebook về sự kiện trong đời sống hàng ngày đều bị công an mời lên làm việc bởi số lượng người sử dụng mạng xã hội để thể hiện quan điểm là rất lớn. Tôi cho rằng chỉ những người nhân vụ việc cụ thể mà lợi dụng mạng xã hội để cố tình bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gây bất ổn về kinh tế, chính trị hoặc trật tự công cộng thì có thể được mời lên để trao đổi, làm rõ mục đích.

Như vậy, việc làm này không xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận và phù hợp với ngoại lệ được quy định tại công ước ICCPR.

- Việc xếp hạng hằng năm của nhiều tổ chức cho rằng hoạt động báo chí ở Việt Nam không có tự do, dân chủ. Ý kiến của ông về vấn đề này và uy tín của sự xếp hạng đó có đáng ghi nhận? Bạn Diệu Mai (Hải Phòng) hỏi.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí: Nhân quyền là một lĩnh vực khá phong phú, đa diện nên luôn có những nhận thức khác nhau. Việc đánh giá nhân quyền của một quốc gia cần tuân thủ pháp luật nhân quyền quốc tế, thông qua các cơ chế hiện có của LHQ và khu vực. 

Trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin... của người dân. 

Hiện nay, ở Việt Nam hệ thống truyền thông báo chí khá phong phú, đa dạng. Các cơ quan báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của các ngành, cấp, lĩnh vực và còn là diễn đàn của nhân dân. Thông qua các cơ quan báo chí, người dân có thể bày tỏ quan điểm, nguyện vọng…về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của mạng internet, người dân còn có cơ hội chia sẻ nhiều hơn nữa những sự quan tâm của mình.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí và pv báo PLVN giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc
- PGS.TS Đặng Dũng Chí và pv báo PLVN giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc

- Sự tiến bộ về nhân quyền trong những năm qua là đáng ghi nhận, nhưng thực tế là việc phổ cập, tuyền truyền về quyền con người vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân thực sự không biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm. Vậy nguyên nhân do đâu mà nhận thức của người dân về nhân quyền còn hạn chế? (Một cán bộ về hưu)

- Ông Bạch Quốc An: Về nguyên nhân của hạn chế trong nhận thức của người dân đối với vấn đề nhân quyền, theo tôi có một số nguyên nhân chính như sau: Công tác tuyên truyền về quyền con người mới được thực hiện tích cực trong thời gian gần đây. Vì vậy, nhận thức chung của người dân về quyền con người còn hạn chế.
Thứ hai, đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào các cấp học còn là nội dung mới, chưa được quan tâm thích đáng cả về nội dung và thời lượng.
Thứ ba, ý thức pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế mà cụ thể là ý thức tuân thủ pháp luật, sử dụng luật sư hoặc tư vấn pháp luật trong hoạt động hàng ngày còn chưa được quan tâm.
Cuối cùng là nguồn lực dành cho công tác phổ cập tuyên truyền về quyền con người còn chưa được đầu tư thích đáng.

Ông Bạch Quốc An đang trả lời câu hỏi của độc giả
Ông Bạch Quốc An đang trả lời câu hỏi của độc giả 

- Nhiều quốc gia như EU, Mỹ hay lợi dụng vấn đề nhân quyền đó gây sức ép với Việt Nam, ví như quyền tự do ngôn luận, báo chí,…Vậy những quy kết của họ có thật xác đáng không? Bạn Dạ Lan (Bình Định) hỏi.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí: Ở đây chúng ta cần phải phân biệt giữa một bên là sự quan tâm từ một nền tảng dân chủ, nhân quyền được xây dựng qua hàng trăm năm với một bên là sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ cho các mục tiêu chính trị.

Đối với những góp ý thiện chí thì chắc chắn sẽ được chia sẻ, còn những hoạt động vì những động cơ chính trị thì chúng ta cần phê phán.

- Hiến pháp Việt Nam 2013 có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị,? (Trương Nghĩa - Việt kiều Đức)

- Ông Bạch Quốc An: Hiến pháp năm 2013 ra đời, đánh dấu bước phát triển đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền, thể chế hóa các quyền con người tại Việt Nam, thể hiện thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế. Toàn bộ Hiến pháp năm 2013 đều cho thấy một tinh thần là tất cả vì con người, phục vụ con người, trong đó các quy định về quyền con người được tập trung tại Chương II ngay sau chương I quy định về chế độ chính trị.

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý và là tiền đề quan trọng để Quốc hội, Chính phủ,  các cơ quan khác tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quyền con người nói riêng. 

Thứ hai, Hiến pháp 2013 ra đời với nhiều quy định mới tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho việc ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, quyền công dân nói chung và các quyền dân sự, chính trị nói riêng. 

Thứ ba, đã đưa ra nguyên tắc trong việc hạn chế quyền con người và quyền công dân tại khoản 2 điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Thứ tư, lần đầu tiên Hiến pháp đã chính thức ghi nhận sứ mệnh của hệ thống Tòa án là bảo vệ quyền con người và quyền công dân tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013.

Thứ năm, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hướng: quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thứ sáu, Hiến pháp năm 2013 đã trực tiếp ghi nhận 17 nhóm quyền con người và quyền công dân trong lĩnh vực dân sự và chính trị được nêu tại công ước ICCPR.

- Ý nghĩa, vai trò của bản Tuyên ngôn nhân quyền? Bạn Hoàng Lan (Phú Thọ) hỏi.

- PGS.TS Đặng Dũng Chí:  Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (TNNQTG) thể hiện khát vọng chung của nhân loại về những gì tốt đẹp nhất cần phải có để mỗi con người được được sống như một con người. Đó cũng là nhận thức chung của loài người về sự cần thiết phải tôn trọng, bảo vệ phẩm giá của con người.  

TNNQTG đặt nền móng cho việc xây dựng xây dựng các văn kiện và các cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ các khu vực và các quốc gia; nhờ đó thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người ở mọi nơi trên thế giới. 

70 năm qua, TNNQTG tạo ra động lực to lớn, là nguồn cảm hứng cho mọi cá nhân, tổ chức xã hội và các thực thể xã hội khác đẩy mạnh mọi hoạt động của mình vì một cuộc sống tốt đẹp.

- Có các quyền dân sự và chính trị nào được đề cập đến trong ICCPR? (Hoàng Trần - Nam Định)

- Ông Bạch Quốc An:  Công ước ICCPR có quy định về 23 quyền dân sự và chính trị, cụ thể, bao gồm: Quyền tự quyết; quyền sống; Quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục; Quyền không bị nô lệ; Quyền được bảo vệ khỏi sự bắt giữ tuỳ tiện; Quyền được đối xử nhân đạo vào tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do; Quyền không bị phạt tù do không thể thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng; Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền về thủ tục khi trục xuất người nước ngoài; Quyền được xét xử công bằng; Quyền không bị áp dụng luật hồi tố trong lĩnh vực hình sự; Quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật; Quyền riêng tư; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền tự do biểu đạt; Quyền tự do hội họp hoà bình (quyền biểu tình hoà bình) ; Quyền tự do lập hội; Quyền kết hôn và thành lập gia đình và bình đẳng trong quan hệ hôn nhân; Quyền của trẻ em; Quyền được tham gia vào đời sống chính trị; Quyền bình đẳng trước pháp luật; Quyền của của người thiểu số.

Ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và PGS.TS Đặng Dũng Chí - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  Ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và PGS.TS Đặng Dũng Chí - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

- PGS- TS Nguyễn Dũng Trí cho cháu hỏi: Nguồn gốc ngày nhân quyền quốc tế? Bạn Phạm Diệu (Nam Định) hỏi. 

 - PGS.TS Đặng Dũng Chí: Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (TNNQTG) được thông qua là một sự kiện trọng đại của Liên hợp quốc (LHQ). Vì tổ chức này ra đời, như Hiến chương của nó nhấn mạnh, là nhằm mục tiêu bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới; nhưng đồng thời còn nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu - một nhiệm vụ trước kia chỉ thuộc phạm vi mỗi quốc gia. 

Để nâng cao nhận thức về nhân quyền và truyền bá mạnh mẽ giá trị của Tuyên ngôn, ngày 4/12/1950, tại phiên họp toàn thể lần thứ 317, Đại hội đồng LHQ đã ban hành Nghị quyết A/RES/423 (V) chọn ngày 10/12 hàng năm là “Ngày nhân quyền” (Human Rights Day). 

Từ đó trở đi, đã thành thông lệ, cứ đến ngày này, ở khắp nơi trên thế giới đều diễn ra các hoạt động kỷ niệm, với những hình thức phong phú, sinh động. Vài năm trở lại đây, LHQ đặt ra từng chủ đề cho mỗi năm kỷ niệm. Chẳng hạn, Ngày nhân quyền năm nay chủ đề là “Bình đẳng, công lý và nhân phẩm” (trước đó chủ đề Ngày nhân quyền của năm 2014 là “Nhân quyền 365” với hàm ý mọi ngày của năm đều là Ngày nhân quyền)... 

Kỷ niệm Ngày nhân quyền quốc tế không đơn thuần là việc mở các lễ hội long trọng, mà nhằm nhắc nhở tất cả chúng ta về giá trị thiêng liêng, cao quý của nhân quyền mà mọi người đều có quyền thụ hưởng, đều có trách nhiệm bảo vệ và không ngừng thúc đẩy nó phát triển. 

Hoạt động kỷ niệm Ngày nhân quyền ở nước ta cũng nằm trong xu hướng chung ấy.

- Ông Bạch Quốc An cho tôi hỏi khái niệm Quyền con người là gì? Bao gồm những nhóm quyền nào? (Trần Thu Hà - Thạch Thất - Hà Nội)

- Ông Bạch Quốc An: Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người đã được công bố và mỗi định nghĩa tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra nhưng thuộc tính nhất định, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Ở cấp độ quốc tế quyền con người được hiểu chung nhất là những bảo đảm pháp lý mang tính toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm (cá nhân) chống lại các hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những quyền và tự do cơ bản của con người.”

Ngoài ra quyền con người cũng có thể được hiểu là “là những sự được phép mà tất cả thành viên của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội… đều có được ngay từ khi sinh ra, đơn giản vì họ là con người.” Ở Việt Nam: Quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người, được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau và không hoàn toàn thống nhất về nội dung như đã nêu, quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận là có 04 đặc tính:

(1) Tính phổ quát: các cá nhân đều thừa hưởng những quyền như nhau, không phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do gì, chẳng hạn như chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân…; (2) Tính không thể tước bỏ: quyền con người của mỗi cá nhân không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tùy tiện; (3) Tính không thể phân chia: các quyền con người đều có giá trị quan trọng như nhau và không quyền nào được coi là có giá trị cao hơn quyền nào; (4) Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau: các quyền con người tồn tại trong mối quan hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp đây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác.

Ngược lại, sự tiến bộ trong bảo đảm một quyền cũng dẫn tới các tác động tích cực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới các quyền khác.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế phân chia các quyền con người ra thành các nhóm như sau: - Dựa trên tiêu chí lĩnh vực: các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Sự phân chia theo tiêu chí lĩnh vực chỉ mang tính tương đối do một số quyền có sự đan xen giữa tính chất dân sự và chính trị, chẳng hạn như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do hội họp hoà bình và quyền tự do lập hội. - Dựa trên tiêu chí về chủ thể nắm giữ quyền: quyền cá nhân và quyền tập thể.

- .Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đề cập đến những nội dung gì? 

- Ông Bạch Quốc An:  Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc lĩnh vực dân sự, chính trị. Quốc gia thành viên công ước sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, chẳng hạn như quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do hội họp, quyền bầu cử, quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật…. ICCPR bao gồm 6 phần, 53 điều với những nội dung cơ bản sau đây:

Lời nói đầu; Phần I gồm Điều 1 về quyền tự quyết. Phần II, từ Điều 2 đến Điều 5, quy định về nguyên tắc bảo đảm các quyền, bình đẳng, tạm đình chỉ các quyền trong tình trạng khẩn cấp và không được lạm dụng các quy định của Công ước. - Phần III, từ Điều 6 đến Điều 27, quy định về các nội dung của các quyền dân sự (quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền không bị bắt làm nô lệ… ); các quyền chính trị (quyền tự do biểu đạt, quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp hòa bình và quyền được tham gia vào đời sống chính trị) và một số quyền của trẻ em, quyền của người thiểu số.

Đây là phần chứa đựng những nội dung quan trọng nhất, trong đó bao gồm các quy định về nội hàm của các quyền dân sự và chính trị. - Phần IV, từ Điều 28 đến Điều 45, quy định về thành lập, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân quyền – cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc thi hành Công ước.

Phần V, gồm Điều 46 và Điều 47, quy định về việc giải thích Công ước không được làm phương hại đến các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và quyền của các dân tộc trong việc quyết định về tài nguyên của mình.

Phần VI, từ Điều 48 đến Điều 53, quy định về việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn, sửa đổi và hiệu lực của Công ước.

Tin cùng chuyên mục

Một phần diện tích đất của người dân thuộc diện thu hồi bị xác định là đất nông nghiệp. (Ảnh: Gia Hải).

Tiếp vụ thu hồi đất tại TP Bắc Giang: Người dân chỉ mong chính quyền địa phương "giữ lời hứa"

(PLVN) - Liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án Khu đô thị cạnh tỉnh lộ 299 và đường trục chính đô thị phía nam, nhiều người dân tại xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang mong muốn địa phương “giữ lời hứa”, xác định đúng loại đất để được đảm bảo quyền lợi.

Đọc thêm

Trưởng Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn: Nỗ lực bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, bạo hành

Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn.
(PLVN) - Trên con đường thực hiện ước mơ của mình, luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Hạnh Nguyễn luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Có những vụ án, dù đã “đóng sổ” song luật sư Hạnh vẫn là chỗ dựa tinh thần, là “người mẹ”, giúp đứa trẻ bị tổn thương “chữa lành”.

"Bạn xứng đáng được an toàn và hạnh phúc”

"Bạn xứng đáng được an toàn và hạnh phúc”
(PLVN) - Hơn 20 năm làm luật sư, cơ duyên của nghề đã đưa tôi đến với nhiều thân chủ là phụ nữ. Mỗi người có cuộc đời và hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung một nỗi đau từ sự bạo hành trong hôn nhân

Sự việc hộ dân mở lối đi thứ 2 tại Hà Nội: Huyện ủy Gia Lâm giao UBND huyện xác minh, giải quyết

Sự việc hộ dân mở lối đi thứ 2 tại Hà Nội: Huyện ủy Gia Lâm giao UBND huyện xác minh, giải quyết
(PLVN) - Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có bài phản ánh việc ông Nguyễn Xuân Hoa và Nguyễn Xuân Nho (ngụ số 4, số 6 ngách 8/74 đường Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) có đơn phản ánh về việc mới đây một cá nhân ngụ hẻm 8/64/1 Dương Đình đã đập tường phía sau nhà cũ, mở lối đi vào ngách 8/74 đường Dương Đình có dấu hiệu chưa phù hợp quy định.

UBND phường Thảo Điền (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trả lời một số phản ánh của cư dân chung cư Thảo Điền Pearl

Chung cư Thảo Điền Pearl. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)
(PLVN) - Báo PLVN vừa nhận được Văn bản 750/UBND của UBND phường Thảo Điền (Thủ Đức, TP HCM) đề ngày 18/10/2024 trả lời một số vấn đề xảy ra tại chung cư Thảo Điền Pearl (số 12 đường Quốc Hương; do Cty CP Địa ốc và Xây dựng SSG2 làm chủ đầu tư (CĐT)). Tại chung cư này, thời gian qua giữa Cty SSG2, Ban quản trị tòa nhà (BQT) và cư dân đã phát sinh một số bất đồng, mâu thuẫn cần giải quyết.

Dự án 307 tỷ đồng xây xong rồi “nằm chờ” giấy phép môi trường ở Quảng Nam: “Bác” đề nghị gia hạn

Dự án 307 tỷ đồng xây xong rồi “nằm chờ” giấy phép môi trường ở Quảng Nam: “Bác” đề nghị gia hạn
(PLVN) - Theo Bộ KH&ĐT, việc UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Núi Thành (dự án vốn vay ODA) đến năm 2025 là không có cơ sở. Tỉnh cần làm rõ nguyên nhân không hoàn thành đúng tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp thực hiện.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.