Liên tiếp bê bối
Lá thư được viết trong bối cảnh Giáo hội Công giáo gần đây liên tiếp hứng chịu những đợt bê bối liên quan đến tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong giới linh mục. Vụ lạm dụng gây chấn động nhất gần đây liên quan đến hồng y Theodore McCarrick, cựu tổng giám mục Washington, người bị cáo buộc quấy rối nhiều bé trai và phải từ chức hồi tháng trước.
Ngay sau đó, một bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania hôm 14/8 công bố báo cáo gây sốc, cho thấy hơn 300 linh mục đã được các giám mục và lãnh đạo nhà thờ che giấu hành vi quấy rối tình dục trẻ em trong suốt 70 năm, khi họ thuyết phục các nạn nhân không trình báo và nhà chức trách không tiến hành điều tra.
Năm ngoái, tòa án Liverpool, Anh kết án linh mục 74 tuổi Michael Higginbottom 17 năm tù vì đã nhiều lần cưỡng hiếp một bé trai vào thập niên 1970. Truyền thông Anh đã gọi Higginbottom là "ác quỷ đội lốt linh mục", kẻ đã dùng gậy và dây thừng trừng phạt nạn nhân trước khi cưỡng hiếp suốt 6 tháng, khiến cậu bé nhiều lần "cầu nguyện để được chết".
Những đợt sóng đó liên tiếp dội đến Vatican, có nguy cơ đe dọa đến vị thế của Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, David Gibson, giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa của Đại học Fordham, cho rằng đây cũng có thể là cơ hội để Giáo hoàng thúc đẩy nỗ lực cải cách giáo hội và mở ra cánh cửa cải cách triệt để từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.
Gibson cho rằng với cách vận hành trước đây của Giáo hội, những đợt sóng ngầm liên quan đến các bê bối quấy rối tình dục tất yếu sẽ bùng nổ. Trong một cuộc họp lịch sử ở Dallas năm 2002, các giám mục Mỹ đã nhất trí thực hiện một bộ chính sách toàn diện nhằm bảo vệ trẻ em và trừng phạt các linh mục ấu dâm. Tuy nhiên, các giám mục lại không đề ra quy định về giám sát hay tự chịu trách nhiệm khi cấp dưới vi phạm, khiến nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của các chính sách mới.
Theo các nhà quan sát, chỉ có Tòa thánh Vatican mới được quyền điều tra các giám mục và chỉ có Giáo hoàng mới có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt họ. Tòa thánh Vatican dưới thời Giáo hoàng John Paul II dường như không quan tâm nhiều tới cách chính sách mới nhằm ngăn chặn tình trạng linh mục ấu dâm ở Mỹ, và John Paul II cũng không muốn gây sức ép cho các giám mục của mình.
Nhưng sự im lặng không khiến các vụ lạm dụng tình dục trẻ em biến mất, cũng không xoa dịu được nỗi đau của các nạn nhân. Khi giáo hoàng Benedict từ chức vào năm 2013, một trong những điều khiến ông trăn trở nhất chính là tình trạng lạm dụng tình dục trong giới linh mục của Giáo hội.
Trong một bài phát biểu năm 2013, Giáo hoàng Francis cho rằng đã đến lúc Giáo hội "từ bỏ chính mình" như Đức Chúa Giê-su trên cây thánh giá, từ bỏ quyền lực, danh vọng và đặc quyền để trở lại với ý nghĩa đích thực của mình, nếu không muốn trở thành một tổ chức "chỉ sống riêng mình, của mình, vì mình".
Giáo hoàng Francis là người dành những lời lẽ chỉ trích gay gắt nhất đối với các quan chức trong Giáo hội, đặc biệt là các hồng y và giám mục, lên án những "kẻ hám địa vị" và "giám mục sân bay" dành nhiều thời gian bay khắp thế giới hơn là quan tâm tới các tín đồ.
Những động thái quyết liệt
Giáo hoàng Francis rõ ràng thể hiện quan điểm với Giáo hội quyết liệt hơn nhiều so với những người tiền nhiệm John Paul hay Benedict, khi nhiều lần thẳng tay trừng phạt các giám mục và có thái độ rất cứng rắn với nạn lạm dụng tình dục.
Năm 2015, sau một cuộc điều tra toàn diện, Giáo hoàng Francis đã cách chức giám mục Robert Finn và tổng giám mục John Nienstedt, những người bị cáo buộc đã che đậy cho các linh mục thuộc quyền có hành vi quấy rối tình dục.
Năm 2014, Giáo hoàng Francis cách chức một giám mục Paraguay vì đã che chở cho một linh mục người Argentina bị cáo buộc lạm dụng tình dục tại giáo phận Scranton.
Tuy nhiên đến đầu năm nay, Giáo hoàng Francis phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất của mình khi ông công khai bảo vệ một giám mục Chile bị cáo buộc bao che cho linh mục Fernando Karadima có hành vi lạm dụng tình dục nhiều trẻ em.
Đến tháng 4, khi ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh hành vi của Karadima, Giáo hoàng Francis buộc phải thay đổi quyết định của mình, ra thông báo thừa nhận sai sót và lên án các giám mục Chile trong vụ việc.
Khi tổng giám mục McCarrick ở Washington bị phát hiện đã quấy rối nhiều trẻ em và thanh niên, Giáo hoàng Francis không chỉ ra lệnh quản thúc tại gia hồng y 88 tuổi này mà còn chấp nhận đơn từ chức của ông.
Gibson cho rằng đây là những dấu hiệu đầy lạc quan về quyết tâm của Giáo hoàng Francis trong cuộc chiến chống lại những "linh mục đội lốt quỷ" như Higginbottom và các hành vi bao che, giấu giếm hành vi quấy rối tình dục trẻ em của các giám mục, tổng giám mục trong Giáo hội.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc thay đổi trong nhận thức là chưa đủ, Giáo hội cần có những cải cách mang tính hệ thống để có thể bảo vệ trẻ em trước các linh mục có hành vi ấu dâm, nhằm khôi phục uy tín của nhà thờ và chống lại chủ nghĩa giáo quyền.
Theo đó, Giáo hội có thể thành lập một cơ quan đặc biệt để các nạn nhân bị quấy rối hay tấn công tình dục, đặc biệt là bởi các giám mục hay hồng y, có thể tố cáo một cách bí mật và an toàn. Hệ thống này đảm bảo thông tin tố cáo sẽ được điều tra bởi một ủy ban độc lập và sẽ được ghi vào hồ sơ của các quan chức Giáo hội có liên quan.
Động thái tưởng như đơn giản này từng bị coi là bất khả thi dưới thời các giáo hoàng trước đây, nhưng nó có thể là một phần trong nỗ lực thay đổi Giáo hội của Giáo hoàng Francis. Hiệu quả của cơ chế này đã được chứng minh trong vụ tổng giám mục McCarrick. Khi một nạn nhân tố cáo lên tổng giáo phận New York hồi cuối năm ngoái, một ủy ban đã mở cuộc điều tra với kết quả là McCarrick bị cách chức.
Hội đồng Giám mục Mỹ cuối tuần trước đưa ra một loạt khuyến nghị mới nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục của các linh mục, có thể là khởi đầu cho sự chuyển mình lịch sử của Giáo hội trên khắp thế giới dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng Francis trong cuộc chiến chống lại những "con quỷ ấu dâm".
"Thử nghiệm tất cả và giữ lại những gì hiệu quả", Thánh Paul viết trong thông điệp cách đây gần 2.000 năm. Đó là lời khuyên hữu hiệu cho Giáo hội vào thời kỳ đó và thậm chí vẫn còn phát huy tác dụng cho tới ngày nay, Gibson nhận định.
Mới đây, dư luận Mỹ chấn động trước việc bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania, Mỹ công bố thông tin từ 6 giáo phận Công giáo tại địa phương, theo đó cho thấy hơn 300 linh mục bị tố cáo đã xâm hại tình dục hơn 1.000 trẻ em.
Các vụ việc được cho là đã xảy ra trong suốt 7 thập kỷ qua, từ năm 1947 cho đến gần đây. “Trước đây đã có nhiều báo cáo về tình trạng trẻ em bị xâm hại trong các Nhà thờ Công giáo nhưng con số chưa bao giờ kinh khủng như vậy. Nhiều người trong chúng ta còn nghĩ rằng những câu chuyện như vậy xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó nhưng giờ chúng ta biết được sự thật rằng những việc đó diễn ra ở khắp mọi nơi, không loại trừ ở ngay quanh ta”, báo cáo của bồi thẩm đoàn cho hay.
Đặc biệt, báo cáo cũng khẳng định đã xảy ra tình trạng bao che ở các nơi bị tố để xảy ra sai phạm. “Điều quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo các giáo phận tại địa phương đó không phải là giúp những nạn nhân là những đứa trẻ mà là tránh tai tiếng. Các linh mục đã hiếp dâm nhiều cô bé, cậu bé nhưng cấp trên của họ không những không làm gì mà còn giấu nhẹm vụ việc trong nhiều thập kỷ. Các Đức ông, hồng y, tổng giám mục, giám mục và giám mục phụ tá thường được bảo vệ khỏi luật pháp. Một số người còn được thăng chức”, báo cáo tiết lộ.
Bản báo cáo nói trên là kết quả điều tra kéo dài 2 năm của bồi thẩm đoàn ở Pennsylvania, nhắm vào các giáo phận Allentown, Erie, Greensburg, Harrisburg, Pittsburgh và Scranton. Tại những giáo phận này có tổng cộng khoảng hơn 1,7 triệu giáo dân.
Tại cuộc họp báo về vụ việc được tiến hành hôm 14/8, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro gọi bản báo cáo của bồi thẩm đoàn bang là “bản báo cáo có quy mô lớn và toàn diện nhất về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em tại Nhà thờ Công giáo từng được đưa ra ở Mỹ”. Tuy nhiên, con số thực sự được cho là có thể còn cao hơn rất nhiều. “Chúng tôi tin rằng số hồ sơ nạn nhân bị thất lạc hoặc số trẻ không dám tố cáo có thể lên đến hàng nghìn trường hợp”, báo cáo cho biết.
Về phía các nạn nhân, trong báo cáo, nhiều nạn nhân cho biết họ đã phải chịu đựng nhiều tổn thương về cả thể chất và tinh thần sau khi bị xâm hại. Có người nói rằng họ đã gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện tình cảm với người thân, bạn bè vì cảm giác sợ hãi bị xâm hại khi còn nhỏ. Tuy nhiên, các nạn nhân cũng khẳng định họ không muốn trả thù giáo hội Công giáo mà chỉ muốn những kẻ xâm hại tình dục họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Hồi tháng này, giáo phận Harrisburg đã công bố tên của 71 linh mục và các thành viên khác trong giáo hội địa phương bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ nhỏ. Người đứng đầu giáo phận Harrisburg Ronald Gainer đã lên tiếng xin lỗi về các vụ việc. Song, một thành viên trong bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania cho biết, chỉ có 2 trong số các linh mục bị cáo buộc có hành vi sai trái bị truy tố trách nhiệm hình sự, số còn lại hoặc đã qua đời hoặc thời hiệu truy tố đã hết vì các vụ xâm hại đều xảy ra từ quá lâu.
Một số linh mục cũng như cựu linh mục bác bỏ các cáo buộc chống lại họ đã đòi hỏi phải xóa tên của họ trong bản công bố ra ngoài. Theo các thành viên trong bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania, “chương” về bê bối xâm hại tình dục trong Nhà thờ Công giáo ở Mỹ vẫn chưa thể khép lại nếu tình trạng trên chưa chấm dứt.