Thí điểm đào tạo về tác hại rượu, bia
Mới đây, Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên Hợp quốc (UNITAR) phối hợp với Câu lạc bộ xe hơi Việt Nam (AA Vietnam), Trường Đại học Giao thông Vận tải (UTC) và Công ty Pernod Ricard triển khai “Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu, bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam”. Chương trình là một trong những nỗ lực chung nhằm góp phần thúc đẩy Mục tiêu thực hiện an toàn đường bộ toàn cầu của Liên Hợp quốc, bao gồm “…đến năm 2030, giảm một nửa số ca thương tích và tử vong do giao thông đường bộ liên quan đến người lái xe sử dụng rượu, bia…”.
Chương trình gồm bốn hợp phần trực tuyến đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, quy định luật pháp và văn hóa Việt Nam. Các khoá học thí điểm sẽ được thực hiện tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng trong tháng 8 và tháng 9 năm nay, hướng tới nâng cao nhận thức và kiến thức của công chúng về rủi ro và hậu quả của việc lái xe khi đã uống rượu, bia.
Khóa học mới thí điểm ngày 25/8 tại Hà Nội đã đón nhận sự tham gia của nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, cùng khoảng 200 sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Trong quá trình học, người học được giảng dạy kiến thức cơ bản về số liệu thống kê tai nạn giao thông, tác động của rượu, bia đối với khả năng lái xe, các quy định pháp lý và trách nhiệm cá nhân người điều khiển phương tiện. Đồng thời, họ cũng được tiếp cận với các công cụ đào tạo trên hệ thống của UNITAR và EdApp, thực hành sử dụng kính ảo với một video 360 độ để trải nghiệm về tác động của rượu, bia đối với hiệu năng lái xe, thông qua việc cài đặt vào điện thoại thông minh, hoặc sử dụng trên máy tính của mình. Tất cả học viên thực hiện bài kiểm tra trước và sau khóa học để đánh giá hiệu quả công tác đào tạo. Người học sẽ được cấp Chứng chỉ tham gia Chương trình đào tạo của UNITAR sau khi hoàn thành khoá học.
Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu, bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, nhất là đối tượng người trẻ, thanh, thiếu niên ngày nay có thể “nói không” với bia, rượu khi lái xe. Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp như tăng cường các lực lượng kiểm tra, xử phạt hành chính, tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào các dịp cao điểm nghỉ lễ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính khoảng 34% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ và khoảng 60% nạn nhân tai nạn nhập viện ở Việt Nam có liên quan đến rượu, bia, con số này tăng cao vào các ngày lễ quốc gia.
Vận động nhân dân chấp hành pháp luật
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 750/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường. Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, đồng thời là tháng cao điểm về an toàn giao thông với việc bước vào năm học mới của học sinh, sinh viên trên cả nước, dự báo lưu lượng giao thông tăng cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, trong 7 nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9, chỉ đạo và hướng dẫn các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm an toàn giao thông…
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đặc biệt trên đường cao tốc, thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các thông tin hỗ trợ hướng dẫn đi lại trong dịp nghỉ Lễ, cũng như các nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa; kiên trì vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”; “Tuân thủ quy định tốc độ” …