Gia đình là nơi giáo dục nhân cách tốt
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, gia đình là môi trường đầu tiên, là nơi mỗi cá nhân hình thành, học hỏi và trưởng thành. Đây cũng là quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về gia đình: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Ở nước ta, qua các thời kỳ, gia đình luôn hoàn thiện và từng bước phát triển. Thời kỳ nào cũng vậy, vai trò của gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong mỗi con người, bởi gia đình là tổ ấm, là tình thương, nơi chia sẻ cay đắng, ngọt bùi, đó cũng là truyền thống quý báu xuyên suốt của gia đình Việt Nam qua các thế hệ.
Giáo dục trong gia đình giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, kết hợp giáo dục từ nhà trường và xã hội. Mỗi cá nhân, từ khi lọt lòng mẹ đến khi trưởng thành, chúng ta được dạy từ lời ăn, tiếng nói, từ cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, anh chị em, với cộng đồng thế nào cho đúng, cho lễ phép.
Giáo dục pháp luật trong nhà trường cần đẩy mạnh
Theo Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng, muốn pháp luật được tuân thủ, thực thi trong đời sống hàng ngày khi mỗi người, mỗi công dân phải biết, phải nắm rõ quy định của pháp luật, việc gì phải làm, việc gì không được làm hay hành vi nào bị cấm. Để được như vậy thì bên cạnh việc giáo dục nhân cách, pháp luật trong gia đình thì nhiệm vụ của nhà trường trong giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên cũng phải được đề cao.
Tại tỉnh Bắc Ninh, thầy Phạm Đăng Thuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tiên Du khẳng định, khi bước chân vào cánh cửa nhà trường, môi trường giáo dục nhà trường, bên cạnh việc dạy kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật thì giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật rất cần được coi trọng và là yếu tố không thể thiếu trong tiến trình giáo dục con người, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.
Từ nhận thức này, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Du đã chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về giáo dục pháp luật trong các đơn vị, nhà trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là cơ quan công an tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Từ đó, góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Đồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.
Tại Trường Tiểu học xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du), thầy Vũ Vân Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng năm, nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền có chiều sâu. Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với lực lượng công an tại địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh với nhiều nội dung phong phú như: phòng chống xâm hại, phòng cháy chữa cháy… Ngoài ra, Trường cũng có chương trình phát thanh Liên đội thường xuyên tuyên truyền vào các buổi đầu giờ, giữa giờ để giúp học sinh có thêm những hiểu biết về pháp luật.
“Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành các quy định của nhà trường, chấp hành pháp luật của học sinh có nhiều tiến bộ, nhiều năm học qua nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật” - Thầy Hải thông tin.