Tại buổi đối thoại này, nhiều vấn đề được xã hội quan tâm như điều chỉnh thi trung học phổ thông quốc gia, đổi mới chương trình, vi phạm đạo đức nhà giáo, áp lực với giáo viên... đã được các đại biểu và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn trao đổi nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên, học sinh.
Đã cân nhắc kỹ việc điều chỉnh tỷ lệ điểm thi THPT
Bà Nguyễn Thị Tình, Hiệu trưởng Trường THPT Trạm Tấu, cho rằng 5 điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia không tác động nhiều đến thí sinh. Tuy nhiên, điều chỉnh điểm thi chiếm 70% trong tỷ lệ xét tốt nghiệp, theo bà Tình sẽ tác động không nhỏ tới học sinh (HS) các tỉnh miền núi. “Cần có lộ trình. Năm 2019 điểm xét tốt nghiệp nên 60 - 40, năm sau điều chỉnh giảm dần”, bà Tình đề nghị.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sự nghiệp đổi mới giáo dục có thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ, hiệu trưởng - những người có vai trò dẫn dắt các trường học, dẫn dắt giáo viên phải thay đổi để trở thành những nhà quản lý, quản trị trường học giỏi; cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên, cơ sở giáo dục.
Giải đáp ngay đề nghị của bà Nguyễn Thị Tình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết các chuyên gia đã tham mưu rất kỹ cho Bộ về lộ trình giảm tỷ lệ lấy kết quả học tập vào xét tốt nghiệp. Năm 2018 là 50% - 50%. Năm 2019 là 70% - 30%, vì xuất phát từ việc đảm bảo tính thiết thực, ý nghĩa của kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng. Nếu để tỷ lệ đánh giá quá trình học tập trong bối cảnh hiện nay đôi khi có sự du di nên chất lượng đôi khi chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông.
Có một vấn đề mà HS, giáo viên có thể yên tâm là đề thi bám sát chuẩn tốt nghiệp THPT nên tất cả HS chỉ cần đáp ứng được yêu cầu cơ bản của phổ thông là tốt nghiệp. Đương nhiên có sự phân hóa nhất định. Khoảng 20% để làm cơ sở đánh giá HS chất lượng cao hơn và làm cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định: Mục đích của kỳ thi là phục vụ chủ yếu đánh giá chất lượng phổ thông. Năm 2019, các khâu tổ chức kỳ thi được rà soát nghiêm túc, đảm bảo sự công bằng, khách quan. Làm sao kết quả kỳ thi phản ánh được đúng chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia và kỳ thi cũng giảm được áp lực tốn kém cho gia đình, phụ huynh.
Nhiều ý kiến của các cán bộ quản lý, những thầy cô trực tiếp đứng lớp ở địa phương đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp ngay tại buổi đối thoại |
Sẽ tiếp tục cắt giảm các kỳ thi không cần thiết
Bà Nguyễn Tuấn Anh, GV Trường mầm non Hương Sen (TP.Yên Bái), cho rằng theo thông tư hiện hành, điều kiện thi GV giỏi các cấp cần có sáng kiến, đề nghị Bộ cần xem xét điều chỉnh quy định về sáng kiến kinh nghiệm của các cô giáo khi tham dự GV giỏi. Cũng theo phản ánh của một số đại biểu, việc giáo viên phải tham gia nhiều cuộc thi đã lấy đi không ít thời gian, công sức của các thầy cô mà không phải cuộc thi nào cũng thiết thực.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với những khó khăn, áp lực của GV hiện nay, đồng thời khẳng định sẽ xem xét, tính toán lại thời gian lao động của GV nói chung và GV mầm non nói riêng. Quan điểm của Bộ thi đua là tốt nhưng phải tạo động lực cho thầy cô, tăng cường hậu kiểm để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh GV thực chất hơn.
Về thi GV giỏi, Bộ trưởng cho biết đã nghe nhiều về vấn đề hình thức, nặng về “trình diễn”, chưa tạo được hiệu quả thực chất cho giáo dục, thậm chí còn có tiêu cực. “Cá nhân tôi không đồng tình về cách tổ chức thi như vậy”, ông Nhạ khẳng định và cho biết đang yêu cầu các vụ, cục rà soát để tiếp tục cắt giảm những cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục.
“Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi không thiết thực, “diễn” là chính thì rất phản cảm. Năm ngoái đã cắt một loạt các cuộc thi rồi, năm nay tiếp tục rà soát. Cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”, ông Nhạ quả quyết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lắng nghe ý kiến góp ý của các cấp quản lý giáo dục và những người trực tiếp đứng lớp để có những điều chỉnh cho phù hợp |
Tiếp tục quan tâm tới lương, chế độ chính sách của giáo viên
Cũng tại buổi đối thoại, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã chia sẻ với Bộ trưởng và Đoàn công tác các ý kiến về công tác giảng dạy, những kiến nghị với Bộ trưởng về cơ chế chính sách, tinh giản nội dung chương trình giảng dạy, công tác quản lý trường Phổ thông chất lượng cao và trường phổ thông áp dụng chương trình giáo dục chất lượng cao; đề nghị Bộ tham mưu cho Chính phủ thành lập thêm loại hình trường Phổ thông dân tộc bán trú THPT, Bộ tiếp tục hỗ trợ tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị thông qua các đề án, dự án…
Ông Vũ Tô Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Yên nêu vấn đề một số cán bộ quản lý được điều động về phòng, sở không được chế độ thâm niên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định đây là vấn đề phổ biến, cử tri đề cập nhiều lần, Bộ cũng đã làm việc nhiều lần với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ. Thực hiện Nghị quyết trung ương, tới đây đề án lương sẽ trả theo vị trí việc làm chứ không phài chức danh, mức lương khởi đầu của giáo viên cũng sẽ được xem xét thay đổi. "Việc đề nghị chuyển phụ cấp thâm niên giáo viên sang cán bộ quản lý đến thời điểm này không còn khả thi. Mà sẽ chờ để xây dựng thang bảng lương mới. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đề nghị nhằm điều chỉnh thang bảng lương của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Lương, chế độ đãi ngộ của giáo viên là vấn đề rất quan trọng nhưng cũng rất nan giải. Vì vậy, cần có lộ trình".
Ông Trần Quốc Bình, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết 13/15 trường của thị xã đã đạt chuẩn quốc gia, còn việc thí điểm mô hình trường chất lượng cao thì gặp khó khăn về hành lang pháp lý, nhất là thu học phí điểm học phí, hay tiêu chuẩn mô hình. Ông Bình đề nghị Bộ ban hành bộ tiêu chuẩn công nhận trường chất lượng cao.
Giải đáp kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ giải thích hiện nay chưa có khái niệm trường chất lượng cao mà chỉ có “trường thực hiện chương trình chất lượng cao”. Riêng Hà Nội thì mô hình này được vận dụng theo Luật Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Văn Bàn) bày tỏ sự phấn khởi với chủ trương cho trường xây dựng chủ động chương trình, kế hoạch học tập. Khó khăn mà trường ông gặp phải là sắp tới đây triển khai đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Ông Hồng cũng đề nghị xem xét vai trò của hội đồng trường ở trường công lập vì còn hình thức.
Bộ trưởng cho biết đang chuẩn bị Nghị định hướng dẫn về cơ chế tự chủ trong trường phổ thông, cơ sở pháp lý đang được Bộ cân nhắc xây dựng hướng dẫn trên nguyên tắc trường nào có điều kiện sẽ được tự chủ một phần, tự chủ cao hơn các trường đại trà khác.
Hôm nay (18/12), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm Trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 - 2018.
Mong học sinh có những năm tháng nội trú thật nhiều niềm vui và thực sự an toàn
Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị tổng kết 10 năm Trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 - 2018, một trong những nội dung được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các Trường quan tâm thực hiện là ngoài đào tạo kiến thức, nhà trường còn phải chăm lo tốt sức khoẻ, sự an toàn cho hhọc sinh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đối với các trường nội trú, các thầy cô ngoài việc dạy kiến thức cho các em, còn phải làm một việc vô cùng quan trọng là chăm sóc sức khoẻ, sự an toàn của các em. Tất cả các em đều xa nhà, sống ở trường 24/24, có em cuối tuần về được nhà, có em xa nhà cả tháng, cả năm mới về được.
Cha mẹ các em đã gửi gắm các em cho nhà trường, vì thế, mỗi thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai của các em.
Tôi hiểu phải làm cùng lúc 2 việc, vừa là thầy, vừa làm người cha, người mẹ, các thầy cô vất vả lắm, tôi chia sẻ điều đó. Tôi mong các thầy cô hãy thực sự lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, bảo vệ các em, giúp những năm tháng nội trú của các em thật nhiều niềm vui và sự an toàn.
Có như thế, trọng trách mà gia đình, xã hội gửi gắm cho hệ thống trường nội trú mới hoàn thành.
Để làm tốt nhiệm vụ này, tôi đề nghị các trường nội trú thành lập tổ tư vấn tâm lý để thường xuyên lắng nghe, trao đổi với các em, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của các em và giải quyết kịp thời, tránh việc để xảy ra những vụ việc đau lòng như vừa qua tại một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ".