Hôm qua 21/12, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị “Tổng kết 10 năm phát triển giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) Hà Nội giai đoạn 2001– 2010”. Các tham luận tại hội nghị chỉ ra rằng chất lượng đào tạo giáo dục chuyên nghiệp ở Hà Nội so với yêu cầu sử dụng lao động còn có khoảng cách khá lớn. Trải qua giai đoạn phát triển 10 năm (2001- 2010), GDCN Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Hệ thống các trường TCCN ngày càng lớn mạnh, số lượng trường TCCN năm 2010 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Năm 2001, thành phố Hà Nội có có 21 trường, trong đó 2 trường CĐ, có 10 trường TCCN công lập và 9 trường TCCN ngoài công lập. Năm 2010, thành phố đã có 53 trường gồm 10 trường CĐ, 7 trường TCCN công lập và 36 trường TCCN ngoài công lập.
Ảnh minh họa. |
Quy mô tuyển sinh TCCN tăng dần và giữ ổn định thỏa mãn nhu cầu học tập nghề nghiệp và nâng cao trình độ dân trí cho thanh niên, học sinh thủ đô và các tỉnh bạn. Chất lượng đào tạo TCCN có chiều hướng tiến bộ, từng bước đáp ứng được yêu cầu thị trường về nhân lực. Hiệu suất đào tạo TCCN đạt 80 - 85%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 90 - 95%. Các trường đã quan tâm giới thiệu việc làm cho học sinh tốt nghiệp. Ước tính có khoảng 70- 80% học sinh TCCN ra trường tìm được việc làm, nhiều học sinh tự tạo việc làm, mở các dịch vụ nhỏ, nhiều ngành đang có nhu cầu rất lớn nguồn nhân lực từ các trường TCCN, như: sư phạm mầm non, xây dựng, y tế… Tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực trình độ TCCN của Hà Nội trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần điều chỉnh. Quy mô đào tạo ở một số trường còn nhỏ và phân bố chưa hợp lý trên các địa bàn quận, huyện, khu công nghiệp. Chất lượng đào tạo so với yêu cầu sử dụng lao động còn có khoảng cách khá lớn. Cơ sở vật chất trường, lớp, phòng học chuyên môn, xưởng thực hành, trang thiết bị, phương tiện dạy học vẫn còn thiếu và lạc hậu… Bước vào giai đoạn 2011- 2020, GDCN Hà Nội sẽ tập trung vào định hướng phát triển đồng bộ, hợp lý về mạng lưới trường, số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo để đáp ứng kịp thời yêu cầu của xã hội và nhu cầu người học. Theo đó, các giải pháp được đề ra là: Xây dựng và triển khai Đề án phát triển giáo dục TCCN giai đoạn 2011- 2020; đẩy mạnh đa dạng hóa ngành nghề, cấp độ đào tạo. Bên cạnh đó các cơ sở GDCN cần mở rộng hợp tác quốc tế; gắn liền đào tạo TCCN với xã hội… Ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Để phát triển GDCN trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cần dựng chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của xã hội, vừa đáp ứng cho hiện tại vừa chuẩn bị cho sự phát triển của tương lai. Ông Độ cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các doanh nghiệp để kết quả giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.
Theo VTC News