Giáng sinh an lành của các gia đình trên thế giới

Giáng sinh an lành của các gia đình trên thế giới
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bởi Omicron, chính phủ nhiều nước trên thế giới buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch để hạn chế sự lây lan của virus. Hầu hết những bữa tiệc giáng sinh phải bị hủy bỏ hoặc thu nhỏ quy mô. Dù vậy, nhu cầu đoàn tụ với gia đình trong khoảnh khắc quan trọng của năm vẫn là niềm mong mỏi, ao ước của rất nhiều gia đình trên thế giới.

Những chiếc ôm đoàn tụ bị kìm nén

Khi những hạn chế được nới lỏng hơn vào vài tháng trước, nữ nhà văn Eleanor Limprecht đã nhắn tin ngay cho mẹ mình để đặt vé máy bay sang Úc. Trong suốt hai năm dịch bệnh bùng phát, cô đã không gặp được mẹ mình.

Chia sẻ với tờ Guardian (Anh), đó là khoảng 6h30 một buổi sáng Thứ Sáu u ám, Limprecht có mặt tại nhà ga quốc tế của sân bay Sydney. Sảnh đón khách trống rỗng một cách kỳ lạ. Trên màn hình lớn xuất hiện một quảng cáo của McDonald’s rằng: “Bạn có muốn những chiếc ôm không?”. Những điều tưởng chừng đơn giản và ngốc nghếch như vậy lại khiến Limprecht cực kỳ xúc động. Bởi lẽ mẹ và cha dượng của cô sắp đến sau chuyến bay kéo dài đến 30 tiếng đồng hồ từ Washington DC (Mỹ) đến Sydney (Úc).

Theo quy định của Úc, Limprecht sẽ phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với bố mẹ mình trong khi đưa họ đi xét nghiệm COVID-19 tại sân bay, sau đó đến thẳng khách sạn cách ly để hoàn thành khoảng thời gian cách ly 14 ngày. Chính vì vậy, họ sẽ không được ôm nhau trong lần đầu gặp mặt sau 2 năm mặc dù được thấy nhau. Bố mẹ của Limprecht dễ dàng chấp nhận được điều này. Họ thoải mái nói rằng, 2 tuần tại khách sạn sẽ giúp họ chỉnh lại trạng thái lệch múi giờ.

Hai năm qua là khoảng thời gian dài nhất mà Limprecht đã không gặp được mẹ mình. Cô chia sẻ: “Tôi chuyển đến Úc vào tháng 3/2002 sau khi gặp và yêu một người Úc. Chúng tôi đã đi du lịch cùng nhau và cuối cùng chuyển hẳn đến Úc. Không lâu sau đó, cha tôi đột ngột qua đời ở tuổi 55 vì bệnh tim. Lúc ấy tôi mới 24 và nhận ra cuộc đời của mình có thể thay đổi trong tích tắc, chỉ với một cuộc điện thoại lúc nửa đêm. Vì thế khi quyết định ở lại Úc, tôi vẫn luôn duy trì việc quay lại Mỹ hàng năm để thăm mẹ, hoặc ngược lại mẹ sẽ bay sang Úc để thăm tôi. Kể cả khi bà tái hôn vào năm 2008, thói quen này vẫn được gìn giữ đến nay”.

Năm 2020 cũng vậy, bố mẹ Limprecht lên kế hoạch đi Úc, còn cô cùng con gái thực hiện một chuyến đi đến Chicago (Mỹ). Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết năm 2020 đã diễn ra như thế nào khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu. Mọi người phải ở nhà và những thông tin trên mạng luôn tồi tệ hơn mong đợi, khiến sự lo lắng của tất cả mọi người đều gia tăng. Trong suốt hai năm gia đình nhỏ của Limprecht bị tách biệt khỏi gia đình lớn của cha mẹ cô, rất nhiều khoảnh khắc quan trọng đã bị bỏ lỡ: cuộc phẫu thuật, chuyển nhà, tốt nghiệp, Lễ tạ ơn, sinh nhật,…

Khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên, mọi người bắt đầu có thể du lịch trở lại, đó chính là hy vọng đoàn tụ gia đình của Limprecht. Vào cuối tháng 10/2021, khi nước Úc nới lỏng một số quy định di chuyển, Limprecht đã ngay lập tức nhắn tin cho mẹ mình và đặt vé bay vào tháng 12. Mọi thứ tưởng chừng suôn sẻ nhưng sáu ngày trước chuyến bay, tin tức về biến thể Omicron đã xuất hiện. Các quy định hạn chế mới đã được công bố hàng ngày. Nhiều chuyến bay công bố hoãn hủy. Nhiều kế hoạch Giáng sinh của bạn bè cô cũng tan tành. Những điều này càng khiến cả gia đình Limprecht cảm thấy khủng hoảng.

Hai ngày trước chuyến bay, Limprecht chia sẻ đã FaceTime cho mẹ mình, bà đang ngồi trong bếp, tràn đầy lo lắng. Bà xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay vào ngày hôm sau. Kể cả khi đã bước lên máy bay, bố mẹ cô vẫn chưa thể tin được việc có thể thực sự gặp gỡ được con mình.

Limprecht cũng vậy, khi cô nhìn thấy hàng người đi ra khỏi máy bay, có người đi thẳng đến taxi, có người đã đến bên cạnh gia đình,… nhưng cô vẫn chưa thấy bố mẹ mình. Ngày hôm trước, cô đã dành hàng giờ đồng hồ để mua sắm các đồ tạp hoá và tích trữ trong căn hộ cách ly của bố mẹ mình, bao gồm cả bánh bao, banh quy giòn, rượu vang, cam thảo, trà, xoài và bia gừng,… Cuối cùng, một cặp vợ chồng tóc bạc đẩy xe hành lý ra, Limprecht khó thể mô tả được hết cảm xúc lúc đó của bản thân. Cô nói rằng: “Tôi chạy về phía họ, dừng lại một chút, vẫn chưa thể tin nổi mắt minh, tưởng chừng nếu bạn chớp mắt, bạn có thể bỏ lỡ nó. Những chiếc ôm chặt là không thể nhưng chúng tôi có thể chờ”.

Những gia đình đoàn tụ trước Giáng sinh sau nhiều năm xa cách. Ảnh: Bianca de Marchi/AAP

Những gia đình đoàn tụ trước Giáng sinh sau nhiều năm xa cách. Ảnh: Bianca de Marchi/AAP

Tự cách ly để có một Giáng sinh an lành

Bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron, Chính phủ Anh buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, do vậy, hầu hết mọi người trên khắp xứ sở sương mù phải suy nghĩ lại về các kế hoạch của họ trong dịp Giáng sinh năm nay. Cũng theo tờ Guardian, nhiều người Anh đã giữ gìn sức khỏe và hạn chế ra ngoài đường trước dịp lễ để phòng tránh nhiễm phải COVID-19, để dành được những khoảnh khắc trọn vẹn nhất bên cạnh người thân vào dịp Giáng sinh.

Ông Penny (64 tuổi) đến từ Pembrokeshire (Anh) cho biết, trước Giáng sinh, cả gia đình ông phải hết sức cẩn thận. Bởi đó cũng là thời điểm quan trọng mà ông được tái ngộ với người bạn đời của mình và con gái từ Sydney (Úc) sau 2 năm xa cách. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch thì họ sẽ có một lễ Giáng sinh tuyệt vời nhất; nếu không, mọi thứ sẽ sụp đổ. Chính vì vậy, tất cả các thành viên trong gia đình ông Penny đã đồng ý với nhau thực hiện tự cách ly từ khoảng thời gian trước khi bay và thường xuyên test nhanh COVID-19 để đảm bảo không ai dương tính.

Còn ông Peter Martin Copping (82 tuổi) sống ở Bury St Edmunds, Suffolk (Anh) cũng quyết định tự cách ly tại nhà và chăm sóc khu vườn của mình kể từ khi đại dịch bùng phát trở lại. Vợ của ông, bà Phyl (77 tuổi) bị chứng mất trí nhớ và mới được chuyển đến một viện dưỡng lão. Họ đã ở bên nhau 60 năm và cả hai đều cùng thích làm vườn. Ông Copping chia sẻ, sự xa cách này là một điều khó khăn đối với ông, chính vì vậy, ưu tiên của ông là có thể giữ an toàn tuyệt đối cho bản thân, từ chối mọi cuộc ăn uống, để có thể ăn mừng Giáng sinh cùng với người vợ của mình.

“Tôi đã hứa gặp cô ấy vào 2 giờ chiều ngày Giáng sinh, vì vậy tôi phải rất, rất cẩn thận. Tôi ra ngoài ít nhất có thể, ngoại trừ đi mua thực phẩm, tôi giữ cho mình bận rộn bằng cách chăm sóc nhà cửa và khu vườn của chúng tôi”, ông Copping nói.

Cô Annette (51 tuổi) đến từ Cambridgeshire (Anh) cũng tự cách ly tại nhà với chồng và đứa con trai nhỏ 14 tuổi của mình. Cô quyết định đặt lương thực online thay vì trực tiếp đi mua sắm trong siêu thị. Đồng thời cô cũng từ chối lời mời dự tiệc Giáng sinh tại nhà của một số người bạn để phòng tránh mọi nguy cơ.

Tuy nhiên, con trai lớn của cô (17 tuổi) vẫn đang tiếp tục học lớp sáu tại trường mặc dù càng về Giáng sinh, các lớp học ngày càng vắng vẻ hơn. “Tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu trong lớp học bắt buộc phải đeo khẩu trang vì con trai tôi không thoải mái khi một mình cậu bé đeo khẩu trang trong khi đa số không đeo”, Annette bày tỏ sự lo lắng.

Annette cho biết, hoạt động không thể thiếu trong mỗi mùa Giáng sinh chính là đoàn tụ gia đình. Lúc ấy, gia đình Annette sẽ đến thăm ông bà và các họ hàng cao tuổi trong đại gia đình. Chính vì vậy, việc giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh chính là ưu tiên hàng đầu của gia đình để có một mùa Giáng sinh trọn vẹn. Tất cả thành viên trong gia đình phải cực kỳ cẩn thận để không bị nhiễm COVID-19.

“Có thể câu chuyện sẽ phức tạp hơn một chút trong những gia đình đa hệ như gia đình của chúng tôi. Nếu có bất kỳ một thành viên nào dương tính, mọi kế hoạch sẽ phá sản, có lẽ trường hợp xấu nhất là các lễ kỷ niệm của đại gia đình sẽ được tổ chức qua Zoom”, Annette cho hay.

Đối với những người dân tại xứ sở sương mù, sự hy sinh và cố gắng của mỗi cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình là thực sự cần thiết để có thể trải qua một mùa Giáng sinh an lành, ấm áp bên cạnh người thân. Có lẽ đó cũng là giá trị mà các gia đình trên thế giới đều tìm kiếm trong những thời khắc quan trọng cuối cùng sau một năm đầy biến động, mất mát, thương đau.

Tin cùng chuyên mục

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.