Máy chạy lúc thị trường đi xuống
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), việc vận hành thương mại nhà máy đã phải đối mặt với các khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của PVTEX. PVN cho rằng, mặc dù đây là nhà máy sản xuất xơ sợi đầu tiên được đầu tư bởi Việt Nam, với công nghệ hiện đại, phức tạp, quy mô lớn, nhưng ngay từ khi PVTEX ra đời đã phải cạnh tranh khốc liệt mà thiếu sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước như các nhà máy khác.
Nhà máy được đánh giá là đơn độc, không được gắn với chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, thông thường việc đầu tư nhà máy xơ sợi phải gắn với việc đầu tư đầu vào là các nhà máy cung ứng nguyên liệu chính PTA, MEG và đầu ra là các nhà máy kéo sợi, dệt nhuộm và may. Như vậy, sẽ cân bằng được lợi ích tổng thể các khâu trong chuỗi; phần lớn sản phẩm tự cung cấp cho chuỗi cung ứng nên ít bị phụ thuộc bởi thị trường bên ngoài; giảm được chi phí vốn và chi phí vận chuyển đóng gói...
Năm 2013, nhà máy mới vận hành thương mại thay vì như kế hoạch là năm 2011, đúng chu kỳ đi xuống của thị trường bông, xơ, sợi và dầu khí. Giá dầu liên tục lao dốc từ cuối năm 2014 cho tới hết năm 2015 - từ trên 100 USD xuống còn 25 USD/thùng. Đồng thời giá bông sụt giảm liên tục do tồn kho cao và kinh tế Trung Quốc suy giảm, kéo theo giá xơ sợi sụt giảm sâu từ 1.200 USD/tấn đầu năm 2014 xuống 860 USD/tấn vào cuối năm 2015, mất gần 30%.
Trong quý III/2015 Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT dẫn đến việc xuất khẩu xơ, sợi ồ ạt vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á, làm cho các nhà sản xuất trong nước thiệt hại nghiêm trọng (giá sợi 75/36 giảm từ 1.600 USD/tấn vào tháng 6 chỉ còn 1.200 USD/tấn vào tháng 10/2015). Sản phẩm sợi PVTEX xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ bị điều tra chống phá giá.
Sau khi hoàn thành chạy thử, do thiếu vốn lưu động nên nhà máy dừng hơn 9 tháng (từ tháng 9/2013 tới tháng 6/2014), quá trình dừng máy dài ngày đã phát sinh các hỏng hóc của một số thiết bị, nhân lực lao động có kinh nghiệm bị thiếu hụt, uy tín thương hiệu trên thị trường gần như không còn.
Phương án ”giải cứu”
Trên cơ sở đánh giá và phân tích ưu, nhược điểm của các phương án, PVN đã đề xuất phương án tối ưu nhất là: Hợp tác với đối tác trong, ngoài nước để duy trì sản xuất sau đó thoái vốn.
Từ ngày 18/12/2017, PVTEX đã phát hành hồ sơ đề xuất mời hợp tác tới các đối tác có quan tâm sau đó tìm được Tổ hợp An Phát Holdings + Reliance Pte. Ltd. (Ấn độ) + Fortrec Chemical (Singapore) do An Phát Holdings đứng đầu (APH). Tháng 11/2018, PVTEX ký kết hợp đồng gia công sợi DTY với đối tác APH/AST.
Trong quá trình triển khai, PVTEX và các cổ đông luôn quán triệt, bám sát và nỗ lực tối đa triển khai các công việc theo Đề án và Kế hoạch hành động, các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, các cấp thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu cũng như báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai để có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó mà PVTEX đã có những biến chuyển.
Theo báo cáo của PVTEX, từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/10/2018, tổng sản lượng đạt 1.437,71 tấn sợi các loại, đến ngày 14/6/2019 tổng lượng sản phẩm bán ra là 1.318 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Đối tác APH đã bỏ ra nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng gia công. Theo báo cáo, đến ngày 7/6/2019, PVTEX phối hợp với APH nâng số dây chuyền hoạt động từ 3 lên 12 dây chuyền, sản xuất được 4.410 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng. Sản phẩm sợi DTY của nhà máy được khẳng định về chất lượng và được thị trường chấp nhận, tổ chức Oeko-Tex (Đức) đã cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường Châu Âu; sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan.
Theo PVN, toàn bộ công việc triển khai “giải cứu” nhà máy này đã được triển khai đúng chủ trương, phương án được phê duyệt, nhà máy được bảo quản tốt, đã vận hành được một phần và tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và của thị trường.