Tính đến ngày 31/3/2010, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 8 cả nước về tỷ lệ người nhiễm HIV trên 100.000 dân sau Điện Biên, TP HCM, Thái Nguyên, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn và Hải Phòng. Để phòng, chống đại dịch này, địa phương đã triển khai hầu hết các giải pháp. Tuy nhiên, các nỗ lực của tỉnh sẽ hoài phí nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của người nhiễm.
HIV/AIDS vẫn đang lan rộng ra cộng đồng
Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến ngày 30/10/2010, lũy tích số nhiễm HIV trên địa bàn là 4.174 trường hợp; trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.713, chết do AIDS là 1.074 trường hợp.
Mô hình lây nhiễm HIV/AIDS của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giống mô hình chung của cả nước, chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là người nghiện chích ma túy (NCMT) với 47,55%; xu hướng trẻ hóa ngày rõ nét với 59,79% người nhiễm ở độ tuổi 20 - 29, 26,49% ở độ tuổi 30-39 và 4,96% ở độ tuổi 14-19. Nguyên nhân lây nhiễm HIV chủ yếu do NCMT sử dụng chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục khác giới.
Trong đó, TP.Vũng Tàu là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2002 người nhiễm HIV (chiếm 47,81% số người nhiễm của cả tỉnh) do địa bàn phức tạp, dân số đông, cấu trúc dân số nhiều thành phần. Côn Đảo là huyện cuối cùng của tỉnh phát hiện người nhiễm HIV vào tháng 6/2007.
Can thiệp kịp thời
Với vai trò là cơ quan điều phối các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Bác sĩ (BS) Bùi Minh Kha - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Y tế; Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam xây dựng kế hoạch, triển khai và giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên quy mô toàn tỉnh trên cơ sở điều kiện về nguồn lực và nhu cầu thực tế cho các hoạt động như: Thông tin, giáo dục, truyền thông, can thiệp giảm tác hại (CTGTH), điều trị ARV, giảm phân biệt và kỳ thị đối xử trong cộng đồng...
Đối với hoạt động CTGTH, chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch và 1005 bao cao su đã được triển khai trên các địa bàn là “điểm nóng” về NCMT và hoạt động mại dâm, thông qua các đồng đẳng viên tại các địa bàn có dự án như: Long Điền, Tân Thành, Bà Rịa và TP Vũng Tàu. Công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cũng được triển khai và duy trì phát triển tại các bệnh viện (BV), Trung tâm y tế tạo điều kiện để người nhiễm dễ dàng tiếp cận.
Hiện tại, địa phương cũng đã triển khai việc điều trị ARV tại hai phòng khám ngoại trú của BV Bà Rịa và Lê Lợi, đồng thời có giường bệnh để thu dung bệnh nhân AIDS; có Phòng Chăm sóc giảm nhẹ lao - HIV tại Trung tâm y tế TP Vũng Tàu, Long Điền, Xuyên Mộc và Trung tâm phòng bệnh xã hội. Ngoài việc sử dụng thuốc miễn phí, bệnh nhân còn được hỗ trợ miễn phí xét nghiệm, đếm tế bào CD4; trẻ em được hỗ trợ sữa thay thế sữa mẹ đến 18 tháng tuổi...
Kết quả chưa thuyết phục?
Những can thiệp trên của địa phương là không quá muộn và rất cần thiết. Nó cũng chứng tỏ nỗ lực và sự cố gắng của tỉnh trong việc hạn chế và đẩy lùi đại dịch này ra khỏi cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên qua thực tế tìm hiểu công tác này ở địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn và sẽ gặp không ít khó khăn do sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn rất nặng nề.
Chính vì sợ bị kỳ thị, nhiều người nhiễm đã không dám công khai thừa nhận tình trạng bệnh của mình để được hỗ trợ, giúp đỡ, điều trị; những người có hành vi nguy cơ cao thì không dám đi xét nghiệm; đội ngũ đồng đẳng viên cũng không mấy nhiệt tình và “xuất đầu lộ diện” trong quá trình hỗ trợ, can thiệp...
Cụ thể, theo phản ánh của Trung tâm Bảo trợ xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh hiện chưa xây dựng được mô hình hỗ trợ việc làm cho người nhiễm HIV, cũng như rất ít trường hợp nhận được sự hỗ trợ về bệnh tật từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vì họ không dám công khai danh tính nên không thể xác nhận tình trạng bệnh và không được hưởng chính sách.
Về hỗ trợ mai táng cũng vậy. Vì sợ bị mang tiếng và bị kỳ thị, người nhiễm và người nhà của họ chấp nhận “không được hưởng chính sách” chứ không dám đứng ra kê khai lý do tử vong của người nhà mình. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng, không ít người nhiễm HIV chết không được chôn cất đàng hoàng mà phải nhờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người cùng cảnh; thậm chí chịu cảnh “hương tàn, khói lạnh” vì không người thân nào đoái hoài tới.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa thành lập được một nhóm, câu lạc bộ đồng cảm của người nhiễm nào (cũng chỉ vì e ngại và sợ mọi người dèm pha, kỳ thị...), trong khi đó mô hình này rất phát triển hoạt động khá hiệu quả tại tất cả các tỉnh, thành của cả nước, đặc biệt là các “điểm nóng” về HIV/AIDS. Và nữa, một SHOP bao cao su phòng, chống AIDS rất hiệu quả được khai trương 4 tháng nay ngay giữa trung tâm thành phố nhưng chủ nhân của nó cũng không dám mạnh dạn nói về việc làm vô cùng có ý nghĩa của mình chỉ vì sợ “thiên hạ nhòm ngó”.
Thực tế đó cho thấy, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ còn rất gian nan và thách thức. Làm gì để người nhiễm HIV/AIDS công khai danh tính, mạnh dạn tham gia phòng, chống AIDS?. Làm gì để xóa bỏ sự phân biệt và kỳ thị đối xử của người dân địa phương đối với người nhiễm HIV?. Những câu hỏi này đang rất khó trả lời đối với tỉnh trong thời điểm này.
Trà Long