Ứng dụng iHanoi cung cấp hình ảnh giao thông trên thời gian thực. (Ảnh: PV) |
Trải nghiệm mới cho công dân Thủ đô
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đang tăng cường lắp đặt đồng bộ các camera tại nhiều giao lộ như ngã ba, ngã tư, các tuyến đường trọng điểm và khu vực công cộng để ghi lại hình ảnh giao thông. Hệ thống camera giám sát có tác dụng hỗ trợ lực lượng chức năng quản lý giao thông đường bộ, xử lý các vi phạm giao thông, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự... Kết hợp với ứng dụng iHanoi, tất cả người dân có thể theo dõi các camera giám sát này trên thời gian thực bằng những thao tác đơn giản như đăng ký tài khoản, mở ứng dụng và sử dụng các chức năng.
iHanoi được phát triển là kênh tương tác trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền TP Hà Nội. Việc tích hợp các dữ liệu của camera giám sát trong một ứng dụng giúp người dân, du khách có thể biết đường nào đang tắc, đường nào thông thoáng trên thời gian thực để di chuyển hợp lý, tìm tuyến đường nhanh nhất, đồng thời tránh bị kẹt xe. Đây là một trong những giải pháp công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp kéo giảm ùn tắc, tăng cường hiệu quả quản lý giao thông. Đông đảo người dân sử dụng ứng dụng đều có nhiều nhận xét tích cực về tính tiện lợi, đơn giản và cần thiết của giải pháp này.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang là một phần quan trọng trong việc quản lý giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội. Trong thời gian tới, nhiều ý kiến cũng ủng hộ việc áp dụng AI trong hệ thống camera giám sát giao thông tại Hà Nội, giúp cải thiện quản lý giao thông và bảo đảm an ninh trật tự. Hệ thống camera giám sát không chỉ dừng lại ở việc ghi lại hình ảnh mà còn được tích hợp với AI để phân tích dữ liệu thời gian thực, hỗ trợ quản lý giao thông, phát hiện vi phạm và dự báo các tình huống khẩn cấp. AI giúp phân tích lưu lượng xe cộ, nhận diện các tình huống bất thường như tắc đường, tai nạn, hoặc các hành vi vi phạm luật giao thông. AI có khả năng nhận diện biển số xe, xác định tốc độ di chuyển của phương tiện, thậm chí là nhận diện khuôn mặt, giúp cảnh sát giao thông dễ dàng xác minh các vi phạm và thực hiện “phạt nguội”. Thông qua việc học máy, AI có thể dự đoán các mô hình giao thông, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu hóa như điều chỉnh đèn tín hiệu, hướng dẫn giao thông thông minh hơn. Ví dụ, AI có thể phát hiện xe vượt đèn đỏ hoặc dừng đỗ sai quy định thông qua phân tích hình ảnh từ camera và tự động thông báo cho lực lượng chức năng để xử lý.
Những thách thức về quyền riêng tư và an ninh dữ liệu
Hệ thống camera giám sát giao thông tại Hà Nội mang lại nhiều lợi ích trong quản lý đô thị và an ninh trật tự, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm quyền riêng tư cá nhân và bảo mật an ninh dữ liệu. Hình ảnh và thông tin thu thập từ camera giám sát có thể bị lạm dụng nếu không được quản lý và bảo vệ đúng cách. Sự rò rỉ dữ liệu hoặc sử dụng sai mục đích có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và danh tiếng của các cá nhân.
Trên thế giới, hệ thống camera giám sát cũng thường là mục tiêu hấp dẫn cho các “tin tặc” (hacker). Các cuộc tấn công mạng có thể dẫn đến việc đánh cắp dữ liệu, thay đổi hoặc phá hoại thông tin, từ đó gây ra những bất ổn cho hệ thống quản lý giao thông và an ninh. Tại các quốc gia sử dụng AI trong giám sát giao thông cũng vướng phải nhiều câu hỏi về quyền riêng tư của công dân khi AI có khả năng theo dõi và phân tích hành vi của con người.
Do đó, việc xây dựng một khung pháp lý vững chắc, cùng với các biện pháp bảo vệ dữ liệu là cần thiết để bảo đảm rằng quyền lợi của người dân không bị xâm phạm trong quá trình triển khai các giải pháp công nghệ này. Hiện tại, các quy định về bảo đảm an ninh dữ liệu cần cụ thể hóa về việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu từ hệ thống camera giám sát. Điều này cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu như mã hóa, kiểm soát truy cập và quy định về thời gian lưu trữ thông tin.
Ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, chính quyền đã công khai các thông tin về vị trí, mục đích và quyền hạn của hệ thống camera giám sát. Theo đó, người dân được thông báo và có quyền yêu cầu xem xét các dữ liệu liên quan đến họ để bảo đảm tính minh bạch. Chính quyền cũng thiết lập một cơ chế giám sát độc lập để kiểm tra việc sử dụng dữ liệu từ hệ thống camera. Cơ chế này sẽ giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng và bảo đảm rằng hệ thống camera được sử dụng đúng mục đích và trong khuôn khổ pháp luật.