Chị Ngân – người bán hoa quả khai bị hại đến mua hoa quả, nói rằng mua nhiều vì có người đưa tiền. Như vậy, đủ cơ sở kết luận Hải có mặt tại hiện trường vụ án, do đó kháng nghị cho rằng không có nhân chứng, kết luận Hải không có mặt tại hiện trường là không đúng.
Về khoảng thời gian xác định Hải có mặt tại hiện trường, theo lời khai của anh Thường, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện lúc khoảng 20h trở lại. Cuộc gọi của anh Thường lúc 19h30, như vậy anh Thường phải có mặt trước đó làm thủ tục gọi điện. Căn cứ lời khai của anh Bình (gửi xe ở bưu điện)… Cơ quan điều tra kết luận Hải có mặt ở bưu điện lúc 19h30 là có căn cứ. Do đó kháng nghị của viện kiểm sát là không có căn cứ.
Đối với nội dung kháng nghị Hải có những lời khai mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Hội đồng thẩm phán cho rằng lời khai của Hải phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm. Ban đầu Hải khai dùng dao sát hại chị Hồng, sau đó lại khai khác, thêm thắt chi tiết khi khai, lời khai còn một số mâu thuẫn. Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm. Hải cũng từng thừa nhận cố tình khai giấu một số tình tiết, khai thêm một số tình tiết vì sợ mức án cao..
Ngoài ra, Hải khai không hiếp dâm bị hại Hồng. Điều này phù hợp với biên bản pháp y nạn nhân Hồng. “Những tình tiết này chỉ người thực hiện hành vi mới biết”, bản án nhận định. Do đó, HĐTP thấy không cần thiết phải hủy án để điều tra lại. HĐTP cũng cho rằng kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng việc thu giữ mẫu tàn tro mà cơ quan điều tra kết luận do Hải đốt áo và thắt lưng là không có giá trị trong vụ án là không đúng. Vì theo HĐTP, Hải khai đốt quần áo, thắt lưng sau khi gây án ở vườn nhà mình, nhà dì. Việc đốt áo ở nơi khác hiện trường vụ án, nếu không có lời khai của Hải thì không ai biết. Việc tiến hành thu giữ, mở rộng khám nghiệm hiện trường là cần thiết.
Bản án còn nêu có cơ sở kết luận Hải đã chiếm đoạt các tài sản của bị hại. Bởi quá trình điều tra, Hải khai địa chỉ bán những tài sản của bị hại. Điều này cho thấy chỉ người đi bán tài sản mới biết được địa điểm bán những tài sản này. Và theo HĐTP, cơ quan điều tra có thiếu sót trong thu thập chứng cứ song điều này không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết để điều tra lại. Tuy nhiên, HĐTP kiến nghị cơ quan điều tra tỉnh Long An kiểm điểm vì để ra sai sót.
Sau một hồi phân tích từng kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, HĐTP cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản” là có căn cứ. Tòa các cấp xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản là đúng quy định pháp luật.
Từ những phân tích nêu trên, HĐTP quyết định không chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15 của Viện trưởng VKSNDTC.
Theo nội dung vụ án, năm 2007, Hồ Duy Hải quen biết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) là chị Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Ánh Hồng. Sáng 14/1/2008, người dân phát hiện 2 người này bị sát hại dã man tại bưu điện.
Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải (SN 1985, ở Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An) bị bắt giữ. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nhận định tối 13/1/2008, Hải đến Bưu điện Cầu Voi chơi. Tại đây, Hải đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Trong lúc chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng bị từ chối nên đã ra tay sát hại cô gái, sau đó sát hại chị Vân.
Gây án xong, Hải tài sản của 2 nạn nhân. Sau đó, Hải đem nữ trang đi TP.HCM bán được 3,7 triệu đồng.Trong suốt phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải kêu oan nhưng không được chấp nhận, bị kết án tử hình về tội “Giết người” và 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”.