Có lạm dụng xã hội hóa giáo dục?
Tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội sáng nay, 5/12, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ Cầu Giấy) đề cập đến chính sách hỗ trợ xã hội hóa giáo dục.
“Có chăng chuyện lạm dụng xã hội hóa giáo dục này để nhà đầu tư kinh doanh tìm kiếm kinh doanh lợi nhuận trong giáo dục?”, ĐB nói.
Đại biểu Đỗ Thùy Dương. |
Cho biết, qua tham khảo luật của các nước, phần lớn giáo dục tư là giáo dục tư phi lợi nhuận nhưng đại biểu Dương cho hay, hiện nay hành lang pháp lý giáo dục tư phi lợi nhuận của chúng ta chưa được hoàn thiện, đang còn quá nhiều giáo dục tư vị lợi nhuận và từ đó dẫn đến thu hút những nhà kinh doanh bất động sản, kinh doanh vàng, bạc… làm chủ nhiệm, làm hiệu trưởng của các trường, dẫn đến nhiều vấn đề về trường học thời gian qua,
Trước tình trạng này, đại biểu đặt câu hỏi về biện pháp kiểm soát và đưa ra những quy chế, quy định về đạo đức nghề nghiệp của những người dẫn dắt các trường học.
Đại biểu Dương cũng cho hay, nhiều người có nói về câu chuyện “chợ đen giáo dục”, tức tình trạng nhiều trường, nhiều nơi lợi dụng khát khao học hỏi của người Việt Nam để tổ chức chương trình, đặt nặng hóa chuyện đào tạo tiếng Anh, kỹ năng cho trẻ em mà không đi vào năng lực cụ thể mà nguồn nhân lực trong tương lai cần.
“Chúng ta cần xem xét về cách thức quản lý “chợ đen giáo dục” này theo nghĩa nào để nâng cao chất lượng, đặt tiếng Anh về đúng vị trí của nó chỉ là một công cụ để chúng ta hội nhập thế giới chứ không phải là tất cả chất lượng giáo dục”, đại biểu nói.
Trách nhiệm vụ Gateway thuộc về ai?
Đề cập đến vụ việc xảy ra tại trường Gateway, bà Hoàng Tú Anh (Phó Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP) đặt câu hỏi về nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm của các cơ quan.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong công tác quản lý các nhà trường, Sở luôn quán triệt tới tất cả hiệu trưởng các chủ trường, nhóm, lớp việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, an ninh một cách tốt nhất cho học sinh và giáo viên khi đến trường.
“Chính vì vậy hàng năm sở luôn có văn bản chỉ đạo kip thời hướng dẫn nội dung này. Đối với các cấp học tiểu học, mầm non, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: an toàn, nuôi dưỡng, giáo dục”, ông Chử Xuân Dũng nêu.
Đối với vụ việc xảy ra tại trường Gateway, Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội thừa nhận “ngành giáo dục có một phần trách nhiệm, đây là sự việc hy hữu, sự việc đau xót với ngành”.
Theo Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội, “trách nhiệm lớn nhất trong sự việc này là cá nhân liên quan đưa đón học sinh, cô giáo giáo viên chủ nhiệm của lớp, BGH nhà trường”.
Trong nguyên nhân vụ việc còn lỗ hổng trong quản lý và tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan đến sự việc này.
“Nguyên nhân cụ thể sẽ chờ xác minh công bố của cơ quan điều tra”, ông Chử Xuân Dũng nêu.
Nhằm ngăn chặn sự việc Gateway tái diễn, ông Dũng cho biết, ngành đã tổ chức rà soát, yêu cầu tất cả các đơn vị trường báo cáo thống kê biển số xe, nhãn hiệu xe và số lượng ghế cũng như số học sinh được đưa đón trên từng xe đó rồi gửi kết quả rà soát này với công an thành phố và Sở GTVT để phối hợp công tác quản lý.
Theo Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội, hiện có 246 trường với 2.293 xe. khoảng 40.900 học sinh tham gia đưa đón trên địa bàn TP.
“Sở yêu cầu các nhà trường lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh đảm bảo an toàn, đảm bảo các yêu cầu về công tác quản lý. Đồng thời các trường tham gia dịch vụ này xây dựng quy trình đưa đón trẻ em đến trường, quản lý trong giờ học và bàn giao về gia đình hang ngày đảm bảo nghiêm túc”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Sở cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Theo đó, đầu năm học Sở đã triển khai ký cam kết trong số hơn 2.293 lái xe có gần 600 lái xe ký cam kết thực hiện nội dung này.
Giám đốc Sở cũng kiến nghị Sở GTVT, Công an TP tiếp tục hỗ trợ Sở rà soát các xe trên các danh mục mà Sở thống kê gửi các đơn vị, đồng thời có hướng dẫn dịch vụ đưa đón học sinh.
“Đề nghị cha mẹ, người dân nâng cao hơn nữa trách nhiệm với con em chúng ta”, ông Chử Xuân Dũng nói.