Chiêu thức lừa đảo
Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Văn Hóa (SN 1960, ngụ phường Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ sáng sớm, khán phòng xử án của tòa án tỉnh này đã đông người dân đến dự. Phần đa trong số đó là nạn nhân của vụ lừa đảo. Trước lời hứa ngon ngọt cũng như “cái uy” của bị cáo tại địa phương, nhiều người đã nộp tiền nhờ Hóa chạy việc, vay vốn ưu đãi và đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc.
Khoảng tháng 7/2014, Hóa đến nhà một người bạn ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) chơi. Tại đây, Hóa “nổ”: “Thị xã mình mới thành lập đang thiếu người làm việc nên tôi có thể xin việc”. Nghe chuyện, một cô gái sinh năm 1991 đang học thêm kế toán gần đó liền đến nhờ Hóa chạy việc. Sau khi xem qua hồ sơ của chị này, Hóa cho biết sẽ xin vào Phòng tài chính - kế hoạch của thị xã Hoàng Mai với giá 240 triệu đồng.
Gia đình cô gái này sau đó đã đặt cọc trước 40 triệu đồng cho Hóa. Ít ngày sau, Hóa tiếp tục gọi điện cho gia đình cô gái khẳng định “đã có việc làm, chuẩn bị tinh thần đi làm việc”. Để tạo lòng tin, Hóa còn đưa cô gái cùng người thân vào TP.Vinh để giới thiệu gặp người đã xin việc nhưng thực chất là Hóa đi giải quyết công việc của mình.
Tin tưởng, ngày 15/12/2014, gia đình này đưa 200 triệu đồng cho Hóa. Dù đã đóng đủ khoản tiền yêu cầu nhưng chờ đợi mãi họ vẫn không nhận được quyết định đi làm. Đến hỏi, thì Hóa vẫn tự tin khẳng định “sắp đi làm”. Sau đó, nạn nhân đã tố cáo hành vi lừa đảo của Trần Văn Hóa tới cơ quan chức năng.
Ngoài hình thức lừa “chạy” việc, Hóa còn cho biết mình là giám đốc doanh nghiệp, có quen biết rộng với các lãnh đạo tỉnh và là anh em kết nghĩa với Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An nên có thể chạy được thủ tục vay vốn ưu đãi đóng tàu của Chính phủ. Việc “nổ” của Hóa càng được người dân tin tưởng khi thời điểm đó phường Quỳnh Lập là địa phương nằm trong diện được vay vốn ưu đãi đóng tàu đánh cá cho ngư dân theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2017 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tin tưởng, rất nhiều ngư dân như anh Lê Hội Hồng, Lê Bá Bình, Nguyễn Văn Đỉnh…(cùng ngụ phường Quỳnh Lập) đã đặt cọc mỗi người 30 triệu đồng.
Sau ngày đóng tiền không lâu, Hóa thông báo với các ngư dân trên thủ tục hồ sơ đã xong, nếu muốn được đóng tàu đợt một mỗi người phải đưa thêm 50 triệu đồng. Tin tưởng, những ngư dân này lần lượt đóng thêm khoản tiền được yêu cầu cho Hóa. Sau thời gian dài chờ đợi nhưng không được vay vốn, các ngư dân này đến đòi lại tiền nhưng không được Hóa trả.
Khoảng tháng 5/2017, tại một cuộc nhậu, Hóa khẳng định có nhiều mối quan hệ nên có thể đưa được người sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Sau đó, Hóa chủ động liên hệ với 8 thanh niên trên địa bàn để hướng dẫn làm thủ tục đi XKLĐ. Số tiền mà 8 người này nộp cho Hóa là 300 triệu đồng. Sau thời gian chờ đợi dài cổ nhưng không có visa sang Hàn Quốc lao động, các nạn nhân đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng.
Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền mà bị cáo Trần Văn Hóa lừa đảo, chiếm đoạt của 13 nạn nhân là 819 triệu đồng. Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu.
Bị cáo thừa nhận bản thân không có khả năng xin việc, hay hỗ trợ vay vốn đóng tàu cho các ngư dân cũng như việc đưa các lao động sang Hàn Quốc lao động. Tuy nhiên, vì lòng tham đã nảy sinh ý tưởng trên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Các bị hại của Hóa yêu cầu bị cáo này phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt |
Hầu tòa vẫn “nổ”
Khi được tòa hỏi về khoản tiền hơn 800 triệu đồng đã chiếm đoạt của các nạn nhân, bị cáo Hóa cho biết: “Do làm ăn thua lỗ nên bị cáo đã dùng khoản tiền đó vào trả nợ và chi tiêu cá nhân. Bị cáo sai rồi”.
Tại tòa, các bị hại yêu cầu bị cáo Hóa phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Một bị cáo trình bày: “Tiền nộp cho bị cáo là mồ hôi, nước mắt của chúng tôi. Chúng tôi thậm chí còn không dám ăn, dám mặc vậy mà bị cáo lại đang tâm ăn trên đồng tiền xương máu chúng tôi như vậy”. Người này còn cho hay để có tiền nộp cho Hóa, gia đình phải vay mượn, cầm cố sổ đỏ vào ngân hàng.
Được nói lời cuối cùng, bị cáo trình bày, bị cáo có tội thì nhận án là điều đương nhiên. Bị cáo chỉ day dứt một điều là ngay trước thời điểm bị bắt bị cáo vừa trúng gói thầu dự án xóa đói giảm nghèo cho 6 tỉnh miền tây Nghệ An trị giá 2 tỷ USD. Công ty của bị cáo có hàng trăm công nhân, họ đang cần việc làm. Bị cáo rất thương họ.
Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan điều tra, dự án mà Hóa nói trên là không có. Tại địa phương, bị cáo làm nghề kinh doanh, có thuê một số nhân công. Nhưng việc nợ tiền lương khiến nhiều lao động khiếu nại, kiện tụng.
Trần Văn Hóa từng có thời gian bộ đội, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và tại địa phương được tặng một số bằng khen. Bố của bị cáo cũng nhận được huân chương do tham gia kháng chiến. Đây là những tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho Trần Văn Hóa.
HĐXX nhận định, hành vi lừa đảo của bị cáo là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị hại cũng có một phần lỗi khi đưa tiền cho bị cáo. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Trần Văn Hóa 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân (trừ đi số tiền đã khắc phục trước đó).