Hôm 27/5, kết quả giám định pháp y cái chết của Trưởng Văn phòng Công chứng (VPCC) Việt Tín được nhiều tờ báo đồng loạt đăng tải.
Nhưng Viện Pháp y quốc gia đã “phản ứng”, yêu cầu phải làm rõ “kết quả giám định” này. Nhiều dấu hiệu cho thấy dường như đang có những “hoạt động chui” về giám định pháp y…
Từ vụ Việt Tín, nảy sinh nhiều vấn đề quanh việc giám định |
Nói lại một bản tin
Sáng qua - 27/6, trên nhiều tờ báo xuất hiện tin về kết quả giám định pháp y cái chết của ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng VPCC Việt Tín.
Theo đó: “Công an huyện Thanh Trì – TP Hà Nội cho biết, Viện Pháp y Trung ương đã có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Minh Hải là do ngạt nước. Theo nhận định của cơ quan công an, nhiều khả năng ông Hải đã tự tử…”
Sau khi đọc được thông tin trên, trao đổi với phóng viên (PV) Báo PLVN, lãnh đạo Viện Pháp y quốc gia đã tỏ ra rất bức xúc và yêu cầu làm rõ.
Theo đó, hiện trong mạng lưới pháp y toàn quốc do Viện Pháp y quốc gia quản lý tuyệt đối không có cái gọi là Viện Pháp y Trung ương. Cái tên “Viện Pháp y Trung ương” chỉ là tên gọi tắt mà mọi người thường gọi đối với Viện Y học tư pháp Trung ương (tiền thân của Viện Pháp y quốc gia ngày nay).
Tháng 11/2006, nhằm phù hợp với hệ thống pháp luật về giám định tư pháp cũng như cơ cấu, nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 23/3/2006 đổi tên Viện Y học tư pháp trung ương thành Viện Pháp y quốc gia, đóng trụ sở tại 41 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Cũng trong sáng qua, cả lãnh đạo Viện Pháp y quốc gia và PV Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội và đều được ông này cho biết, Công an huyện Thanh Trì tuyệt đối không cung cấp bất kỳ một kết luận giám định nào cho báo chí, cũng không có nhận định nào về nguyên nhân cái chết của ông Hải.
Công an huyện Thanh Trì cũng thông tin cho Viện Pháp y quốc gia biết, bản kết luận giám định tử thi ông Hải do Bệnh viện Việt - Đức thực hiện. Lãnh đạo Viện Pháp y quốc gia đã trao đổi với Sở Tư pháp Hà Nội - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng và pháp y trên địa bàn - và được biết, Sở Tư pháp cũng rất bất ngờ trước thông tin này.
Đâu là giám định chuẩn?
Từ vụ việc này, lại thấy nổi lên những lo lắng xung quanh việc giám định mà tưởng chừng đã tạm lắng.
Cách đây gần chục năm, Viện Y học tư pháp Trung ương đã bổ nhiệm một loạt Giám định viên pháp y (đa số các Giám định viên này đều công tác chuyên môn tại các bệnh viện) và việc bổ nhiệm này được thực hiện theo tinh thần của Nghị định (NĐ) 117/HĐBT ngày 24/7/1998 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp.
Năm 2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Giám định tư pháp. Theo Nghị định 67/2005/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh, kể từ năm 2005 khi Pháp lệnh Giám định tư pháp có hiệu lực, các Giám định viên pháp y trước đây nhất thiết phải qua quy trình bổ nhiệm lại và được Bộ Tư pháp cấp thẻ.
Thế nhưng cho đến nay, Viện Pháp y quốc gia cho biết, có những Giám định viên được bổ nhiệm theo NĐ 117 đã không tuân thủ quy định này, không qua quy trình bổ nhiệm lại nhưng vẫn hoạt động và khi thực hiện giám định xong, lại dùng dấu của bệnh viện nơi đang công tác để đóng vào Bản kết luận giám định.
Ông Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia - cho biết, về vấn đề “loạn Giám định viên” này, Viện đã nhiều lần báo cáo với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và gần đây nhất là năm 2009, Viện đã báo cáo bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo VKSNDTC, VKSND TP. Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Công an các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội để các cơ quan này nắm được tình hình.
Trước sự việc sáng qua, ông Dương rất bức xúc và yêu cầu phải sớm làm rõ, do vấn đề không chỉ liên quan đến vụ VPCC Việt Tín mà còn vì mục đích lớn hơn: Đảm bảo tính chính xác cho hoạt động pháp y phục vụ tố tụng.
Xuân Hoa