Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng, ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Theo đó, phạm vi giám định tư pháp đã được sửa đổi theo hướng mở rộng đến cả giám định được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố” thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành. Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp theo hướng cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, tránh rườm rà.
Để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh,hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập trong quá trịnh điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã có quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện KSNDTC”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự.
Đặc biệt, để đảm bảo điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Luật đã bổ sung quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp khi từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong một số trường hợp nếu các yếu tố chuyên môn, điều kiện, nguyên tắc giám định không được bảo đảm (khoản 2, Điều 11). Tương tự, người giám định tư pháp theo vụ việc cũng được bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ này. Cùng với đó, Luật cũng bổ sung quyền của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định gồm: đề nghị trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật tương tự như người tố giác tối phạm, người làm chứng; từ chối thực hiện giám định trong trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 11 nêu trên và có quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…
Ngoài ra, Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định khác về nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp; quy định về trưng cầu giám định; thời hạn, hồ sơ, kết luận giám định….
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận về: Trách nhiệm của các cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Phương hướng, giải pháp bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng về giám định tư pháp và bảo đảm hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng trong thời gian tới; Hướng dẫn về dự toán, cấp phát kinh phí bảo đảm hoạt động, quản lý giám định Tư pháp, Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Phương hướng, giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh về giám định tư pháp…
Nâng cao năng lực đội ngũ giám định viên
Sau khi lắng nghe các tham luận, ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu, quán triệt kỹ lưỡng các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để nắm bắt chính xác, đầy đủ, toàn diện tinh thần và nội dung của các quy định mới, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, ngành, địa phương.
Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được giao trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung. Trong đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện các quy định về quy trình giám định, quy chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan đến công tác giám định tư pháp; Kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ giám định viên, người làm công tác giám định, tập trung nâng cao năng lực, trình độ và quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách, động viên khen thưởng kịp thời cho đội ngũ này; Quan tâm bố trí cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác phục vụ cho hoạt động giám định.
Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng như Bộ Công an, Viện KSNDTC, TANDTC, Thứ trưởng lưu ý cần quan tâm ban hành chỉ tiêu thống kê, đánh giá việc sử dụng kết luận giám định; nhu cầu giám định trong hệ thống các cơ quan này; phối hợp chặt chẽ với cá nhân, tổ chức được trưng cầu trong việc thực hiện giám định; chi trả kịp thời, đầy đủ nguồn kinh phí cho hoạt động giám định tư pháp...