Giảm cân “thần tốc” - hiệu quả hay hậu quả?

Hãy lựa chọn cách giảm cân an toàn, khoa học.
Hãy lựa chọn cách giảm cân an toàn, khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong xã hội ngày nay, ngày càng có nhiều người tôn thờ và coi trọng vẻ đẹp bên ngoài. Chính vì lẽ đó, họ sẵn sàng với những phương pháp làm đẹp không an toàn, miễn sao đạt được kết quả như mong muốn. Giảm cân “thần tốc” bằng một số loại sản phẩm không rõ nguồn gốc chính là một trong số đó…

“Thần dược” giảm cân có hiệu quả?

Không khó để tìm thấy những bài đăng quảng cáo về “thần dược” giảm cân trên mạng, thực chất nó còn xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Được phân phối rộng rãi từ người bán cá nhân cho đến nhiều cửa tiệm, spa,… đều rao bán nhiều loại sản phẩm giảm cân “thần tốc”. Được giới thiệu xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức,… cùng với sự đa dạng về sản phẩm và cam kết sẽ giúp giảm cân chỉ sau hai ngày đã thu hút sự tò mò của rất nhiều chị em.

Giới thiệu là một chuyện nhưng xuất xứ có thật như vậy, lại là chuyện khác. Nói như vậy bởi những sản phẩm đều có bao bì sơ sài, không rõ nguồn gốc, chữ tiếng Anh, tiếng Tàu “đánh nhau” loạn xạ trên bao bì. Có những sản phẩm còn được chia nhỏ thành 5 viên, 10 viên thì chỉ được đựng trong chiếc túi ni lông bóng, trông không khác gì gói kẹo cho trẻ em. Chỉ riêng phần bao bì thôi đã khiến nhiều người phải hoài nghi về độ an toàn của sản phẩm.

Theo như lời quảng bá, các sản phẩm như kẹo café, kẹo giấm táo, cà phê giảm cân, trà thảo mộc, viên sủi,… đều có chức năng đốt mỡ tự nhiên rồi đào thải ra ngoài khi người uống đi vệ sinh, bài tiết qua mồ hôi mà không cần tập thể dục với cường độ cao hay khổ sở nhịn ăn. Sản phẩm còn được ca tụng là “hàng đầu y học” hay “sản phẩm thông minh” khi chỉ loại bỏ chất béo, để lại các chất cần thiết khác cho cơ thể, bổ sung vitamin, tăng cảm giác no nên người sử dụng không bị mệt mỏi, mất sức. Thậm chí có sản phẩm được cho là chỉ cần uống hai viên trước khi ngủ, lúc thức dậy sẽ giảm 1-2kg.

Chị T.Vân (34 tuổi, Hà Nội) cũng là một trong số những chị em trải nghiệm “thần dược” giảm cân. Sau đợt nghỉ dịch kéo dài, do ở nhà suốt, ăn uống không điều độ nên chị T.Vân tăng liền 5kg. Đi làm trở lại mà cơ thể nặng nề, đồng phục chật ních đã khiến chị lên mạng tìm mua thuốc giảm cân. Do nhu cầu muốn giảm nhanh nên chị đã tìm đến “thần dược” giảm cân kẹo giấm táo. Người bán giới thiệu kẹo được nhập từ Mỹ, loại kẹo ngậm, hộp dùng thử 20 viên, giá 800.000 đồng. Người bán cam kết không có tác dụng phụ.

Theo hướng dẫn, kẹo có thể ngậm hai lần mỗi ngày, mỗi lần hai viên. Tuy nhiên, ngậm được mười viên thì chị T.Vân có cảm giác răng ê buốt, cổ họng rát, bụng nóng ran, cứ ăn vào lại nôn ra nên đến bệnh viện kiểm tra. “Bác sĩ nói tôi bị trào ngược dạ dày, tiêu hóa có dấu hiệu xuất huyết do viên thuốc trên”, chị chia sẻ.

Khi được hỏi có giảm được cân không, chị T.Vân lắc đầu chán nản: “Tôi đã uống được năm ngày, đi vệ sinh thường xuyên, không dám ăn gì nhưng “thần dược” vẫn chưa phát huy tác dụng”. Dù chưa giảm được cân nào nhưng may mắn sức khỏe chị T.Vân không bị ảnh hưởng nặng nề từ loại thuốc giảm cân này.

Những trường hợp nguy hiểm sức khỏe vì uống thuốc giảm cân “thần tốc” giống chị T.Vân không thiếu. Vào năm 2019, cộng đồng mạng đều xôn xao trước sự việc 3 người phụ nữ bị suy thận vĩnh viễn vì uống thuốc giảm cân “thần tốc”. Với mong muốn một tháng giảm 8kg nên uống thử mà chỉ sau một tháng uống thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, 3 phụ nữ rơi vào tình trạng suy thận phải nhập viện điều trị và lọc máu.

Những thông tin cảnh báo về tác hại cũng như hậu quả khôn lường của “thần dược” giảm cân vốn luôn được truyền thông cảnh báo. Vậy nhưng “bỏ ngoài tai”, nhiều chị em phụ nữ vẫn mặc kệ sức khỏe của mình để lao vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc với mong muốn dáng đẹp.

Hậu quả khôn lường

Việc sử dụng thuốc giảm cân một cách bừa bãi đã khiến nhiều người phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Hiện nay, có thể chia thuốc giảm cân thành 3 loại chính: Các thuốc làm no đầy ống tiêu hóa, các thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và các thuốc gây chán ăn. Tất cả các thuốc này đều có tác dụng phụ có hại cho sức khỏe người sử dụng.

Đầu tiên, loại thuốc “hot” nhất hiện nay, với lời giới thiệu giúp giảm từ 5-10kg mà người dùng không cần nhịn ăn hay tập thể dục chính là thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo trong cơ thể. Sản phẩm chứa nội tiết tố tuyến giáp thyroxin, một chất có khả năng gia tăng chuyển hóa các chất béo ở tế bào. Được quảng cáo rầm rộ là thế nhưng thực chất thuốc chỉ có công hiệu với chứng béo phì do thiếu thyroxin gây ra. Ngoài ra, nó có nguy cơ làm hại tim, gây ức chế chức năng tuyến giáp nên người dùng dễ bị bướu cổ…

Thứ hai, các loại thuốc làm no ống tiêu hóa: Chứa các chất như sterculia, methylcellulose… Các chất này không được hấp thụ vào máu mà chỉ nằm trong lòng ruột, hút nước, gây trương nở và làm đầy bụng khiến người dùng thuốc không có cảm giác đói. Thuốc gây các tác dụng phụ như trướng bụng, đầy hơi. Những người bị chứng hẹp đường tiêu hóa, chứng to kết tràng nếu dùng loại thuốc này sẽ có nguy cơ bị tắc ruột…

Cuối cùng là các thuốc gây chán ăn, các thuốc chứa amphetamin hoặc các dẫn chất tương tự amphetamin: benzedrine, phenamin, mirapront N, isoméride, didrex, anorex, tepanil, adifax, pondéral… Các chất này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, làm mất cảm giác đói, ăn mất ngon và không muốn ăn khiến người sử dụng giảm cân. Đây là loại thuốc được sử dụng rộng cho mục đích giảm cân. Thuốc gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường… muốn giảm cân cần được bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng thăm khám, tư vấn để có chế độ ăn uống, tập thể dục hợp lý. Tránh sử dụng bừa bãi những loại thuốc giảm cân. Bởi một trong các tác hại lớn nhất đối với người sử dụng thuốc có thể dẫn nguy cơ đau tim và đột qụy. Nếu không được cấp cứu tạm thời có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, thành phần thuốc giảm cân thường có chất chống trầm cảm, lo âu và chất kích thích. Sự kết hợp này dễ dàng khiến bạn trở thành “nô lệ” của loại thuốc này nếu uống nhiều trong thời gian dài. Việc lạm dụng quá nhiều thuốc giảm cân có thể gây nghiện thuốc. Khi không dùng nữa, người sử dụng có tâm trạng chán nản, stress...

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.