Hôm qua (7/12), Ban soạn thảo Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) đã có cuộc họp lần đầu để thông qua quy chế, kế hoạch xây dựng và tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là cho ý kiến chỉ đạo về mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn trong xây dựng dự án luật này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì và kết luận cuộc họp.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Trưởng ban soạn thảo chủ trì cuộc họp |
Làm rõ khái niệm VBQPPL
Hiện nay về cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được hình thành khá đầy đủ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới nói chung và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải được giải quyết mà theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường là phải “khắc phục những tồn tại lớn đang cản trở sự phát triển của đất nước”. Quan trọng là hiện lại có hai Luật khác nhau cùng điều chỉnh lĩnh vực này là Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 mà qua thực tiễn triển khai đã đến lúc cần thống nhất về một mối.
Trên cơ sở Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự án Luật hợp nhất sẽ xác định rõ thẩm quyền ban hành, hình thức, nội dung VBQPPL. Chẳng hạn, nghiên cứu xem xét giảm bớt thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số cơ quan như Chủ tịch nước (phù hợp với Hiến pháp sửa đổi); Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chỉ ban hành VBQPPL trong trường hợp được Quốc hội ủy quyền dưới hình thức Pháp lệnh và phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất); TANDTC, VKSNDTC. Đối với chính quyền địa phương, xem xét bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.
Về hình thức VBQPPL, nghiên cứu xem xét thực hiện chủ trương mỗi cơ quan có thẩm quyền chỉ ban hành VBQPPL dưới một hình thức. Theo đó, không quy định loại nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là VBQPPL; nghiên cứu, xem xét sự cần thiết của nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, TANDTC, VKSNDTC; bỏ hình thức chỉ thị của UBND các cấp…
Phát biểu về định hướng xây dựng này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhất trí phải thu gọn hình thức VBQPPL, song gọn lại như thế nào thì cần nghiên cứu cụ thể. “Các nghị quyết về khoanh nợ, giãn nợ thời gian qua thực ra là VBQPPL nhưng chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn thì ban hành bằng hình thức nghị quyết lại là cách hay” – Bộ trưởng nói.
Đáng chú ý, Bộ trưởng nhấn mạnh là đến lúc phải làm rõ được khái niệm VBQPPL. Bộ trưởng chia sẻ: “Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng quyết định đặc xá là VBQPPL, nhưng tôi cho rằng đây không phải là VBQPPL. Mặt khác, một số chủ thể như TANDTC, VKSNDTC cũng trình dự án luật thì cần nghiên cứu, khảo sát xem có nước nào quy định như vậy không”.
Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL
Quy trình ban hành VBQPPL quy định tại Luật 2008 và Luật 2004 bắt đầu bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định. Vì vậy, Luật hợp nhất dự kiến đổi mới theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức mà vẫn bảo đảm tiến độ và chất lượng VBQPPL cũng như đảm bảo tính chặt chẽ trong quy trình ban hành VBQPPL mà vẫn có sự linh hoạt trong một số trường hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn hoàn thiện thể chế.
Bàn về đổi mới quy trình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nêu trình tự: Trước tiên, Bộ chuyên ngành dứt khoát phải chứng minh được đâu là vấn đề nóng bỏng cần điều chỉnh. Qua nghiên cứu vấn đề ấy phải phát hiện nguyên nhân, trong các nguyên nhân có nguyên nhân nào xuất phát từ hành vi của con người thì mới làm luật, làm chính sách. Cuối cùng mới trình Chính phủ để Chính phủ ưu tiên xử lý.
Trưởng phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) Đỗ Minh Sơn thì kiến nghị, Dự án Luật hợp nhất nên quy định cho phép cơ quan soạn thảo dự án luật có thể rút văn bản khi đã trình Quốc hội mà thay đổi căn bản so với đề xuất xây dựng.
Ngoài ra, việc xem xét, thông qua cũng cần có sự linh hoạt hơn. Chẳng hạn, cơ chế của Hà Nội khá linh hoạt khi cho phép gửi 3 loại văn bản gồm báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo, báo cáo thẩm định của cơ quan thẩm định, báo cáo thẩm tra của cơ quan độc lập (Văn phòng Ủy ban) cho Chủ tịch HĐND xem xét, quyết định.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, quy trình ban hành VBQPPL hiện quá bất cập. Tới đây cần làm rõ ai có quyền trình dự án luật, ai có quyền ban hành VBQPPL… Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định phạm vi áp dụng của Luật này là không điều chỉnh quy trình tham gia ký kết điều ước quốc tế.
Hoàng Thư