Giảm 10% biên chế đến năm 2021
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam đến năm 2021; Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2574 phê duyệt kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND Việt Nam đến năm 2021; xây dựng, triển khai thực hiện Đề án về điều chỉnh tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2016-2021; Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.
Theo đó, giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (dự kiến quân số sẽ giảm gần 3.000 người). Giải thể 14 Lữ đoàn Công binh dự bị động viên thuộc 7 Tổng công ty gồm: 36, 319, Đông Bắc, Thái Sơn, xây dựng Lũng Lô, xây dựng Trường Sơn, Thành An.
Giải thể Ban Quản lý dự án 46, 47. Sau khi sắp xếp, cơ cấu lại đã giải thể 6 Trung tâm dạy nghề-giới thiệu việc làm và sẽ tiếp tục xúc tiến lộ trình giải thể 22 trường cao đẳng, trung cấp nghề trong toàn quân...
Đối với các cơ quan chiến lược, chiến dịch, Bộ Quốc phòng đã rà soát, điều chỉnh tổ chức, hợp nhất các phòng, cục có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% quân số biên chế so với năm 2015. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã thí điểm tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược, đã giảm được 9,97% quân số biên chế trên mục tiêu đặt ra là 10%.
Sau khi sắp xếp lại, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; Phòng Kiểm toán thành Kiểm toán Bộ Quốc phòng; các cơ sở in trong quân đội cũng được tổ chức lại. Đã điều chuyển Ban Quản lý dự án 678, Ban Quản lý dự án 98 về Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng. Bộ cũng thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Trung đoàn 915 huấn luyện trực thăng thuộc trường Sĩ quan Không quân.
Tới đây, Quân đội sẽ không tham gia lĩnh vực dạy nghề, giới thiệu việc làm như trước kia. Với 22 trường dạy nghề trong quân đội gồm cao đẳng, trung cấp, theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể; có trường bàn giao lại cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Hiện có những trường quân đội đào tạo hệ dân sự nhiều gấp vài lần hệ quân sự nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy vẫn là của quân đội. Vì vậy, trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống nhà trường của quân đội, từ học viện cho đến các trường sỹ quan, cao đẳng... để thực hiện theo lộ trình đến năm 2020 không còn đào tạo hệ dân sự.
Hệ thống báo chí trong quân đội cũng sẽ được sắp xếp, kiện toàn. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã làm trước ở Bộ Tổng tham mưu. Sáp nhập bốn tạp chí Quân huấn, Nhà trường Quân đội, Dân quân tự vệ và Giáo dục Quốc phòng, Tiêu chuẩn đo lường chất lượng hợp nhất lại thành một tạp chí duy nhất của Bộ Tổng tham mưu là tạp chí Quân sự quốc phòng.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với 25 bệnh viện trong Quân đội, từ bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến bệnh viện của các quân khu, quân đoàn, quân chủng. Với cách làm này, ngân sách Nhà nước chi thường chuyên cho biên chế, tổ chức của bệnh viện quân đội sẽ giảm đáng kể.
Duy trì 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 đã sắp xếp lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp, lộ trình đặt ra từ 109 doanh nghiệp xuống còn 17 doanh nghiệp 100% vốn; giải thể, điều chuyển nhiệm vụ quân sự của các doanh nghiệp. Số lượng sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phải giải quyết chế độ là 16.000 người, chưa tính số lao động hợp đồng của các đơn vị.
Theo Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 đã được phê duyệt, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với 17 doanh nghiệp, trong đó giữ nguyên 12 đơn vị đang làm các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đề án hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, trên cơ sở cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Bộ Quốc phòng cổ phần hoá 29 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại, xây dựng, dịch vụ; thoái vốn Nhà nước tại 20 công ty cổ phần (thuộc danh mục doanh nghiệp, Nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ). Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ được sáp nhập, hợp nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ duy trì tỷ lệ vốn Nhà nước từ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 12 doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, gồm các tổng công ty: Đông Bắc, Xăng dầu Quân đội, Xây dựng Lũng Lô, Xây dựng Trường Sơn, Thành An, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng, Xây dựng công trình hàng không (ACC), Tổng công ty 28 và các công ty: X20, Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro), In Quân đội 1, In Quân đội 2.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết: “Trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, Bộ Chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh Quân đội đến năm 2021 và những năm tiếp theo theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt và tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt thực hiện lộ trình giảm biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói, kiện toàn tổ chức bộ máy quân đội cũng như công an là phải giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.
Làm sao để tăng sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới... Trước mắt, Bộ Quốc phòng tập trung phương án tăng sức mạnh chiến đấu ở cơ sở, sắp xếp gọn lại, giảm khối cơ quan theo lộ trình giảm 10% biên chế.
Việc điều chỉnh tổ chức lực lượng; cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp sẽ tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng. Vì vậy, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nghị quyết, xây dựng kế hoạch chặt chẽ. Khi sắp xếp phải có bước đi, lộ trình hết sức cụ thể, đồng bộ. Đặc biệt tạo được hướng để cho người lao động có việc làm ổn định”.