Lợi nhuận khổng lồ từ một sản phẩm hết sức tầm thường
Trong số những người thành công với nghề y dược tại Sài Gòn trước giải phóng, Dược sĩ La Thành Nghệ không phải là nhân vật hàng đầu nhưng vẫn là một khuôn mặt nổi bật, được nhiều người biết tiếng. Vốn người Triều Châu, sinh trong gia đình giàu có, La Thành Nghệ được du học bên Pháp và tốt nghiệp loại ưu bằng Dược sĩ. Nếu xếp hạng những nhân vật giàu có, tiếng tăm thuộc ngành y dược thời trước tại miền Nam thì La Thành Nghệ thuộc lớp sau Trần Kim Quan, nhưng cùng thời với các Dược sĩ Trần Văn Lắm, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Thị Hai...
Ông về nước sau 1945 và mở pharmacie tại đường Tự Do, Sài Gòn (nay là đường Đồng Khởi), nằm giữa hai nhà hàng La Pagode và rạp Eden. Sau một thời gian, phát triển thành viện bào chế mang tên Laboratoire La Thành, là một trong những viện bào chế dược phẩm lâu đời nhất Sài Gòn.
Viện bào chế La Thành sản xuất nhiều loại dược phẩm khác nhau như kháng sinh, thuốc bổ vitamin các loại, thuốc cảm sốt, thuốc trị bệnh da liễu...Nói chung các chế phẩm do hãng này sản xuất đều có chất lượng cao, được người tiêu dùng và giới bác sĩ tín nhiệm.
Tuy nhiên, mặt hàng mang lại cho Viện bào chế La Thành lợi nhuận đáng kể, biến chủ nhân của nó thành một nhà tỷ phú, một dược sĩ danh tiếng lại là một sản phẩm đơn giản, thông dụng - đó là thuốc đỏ. Thuốc đỏ, tiếng Pháp gọi là Mercure au Crome, một thứ dung dịch hóa học màu đỏ, dùng bôi lên các vết thương nhẹ để sát trùng.
Điều thú vị và đáng ngạc nhiên hơn là để sản xuất ra mặt hàng này, nhà sản xuất cũng chẳng phải tốn kém để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, các công đoạn sản xuất lại hết sức đơn giản, giá thành lao động đầu tư cho một sản phẩm rất thấp, lại có đủ điều kiện để khi cần thiết sản xuất ra một khối lượng khổng lồ và đặc biệt là thị trường tiêu thụ của nó thật mênh mông vô tận. Ý tưởng kinh doanh độc đáo và đầu óc nhìn xa trông rộng của chủ nhân đã sáng chế ra mặt hàng này thật sự đáng khâm phục.
Khi chiến tranh càng ngày càng leo thang, nhu cầu sử dụng thuốc đỏ càng nhiều thì La Thành Nghệ được phép làm đại lý độc quyền phân phối thuốc đỏ, đem lại cho ông một nguồn lợi rất lớn. Ít ai nghĩ rằng với một thứ sản phẩm tầm thường, rẻ tiền như vậy mà làm nên sự nghiệp kếch xù của “ông vua thuốc đỏ” La Thành Nghệ.
Mọi sự khởi đầu từ việc ông La Thành Nghệ có được giấy phép độc quyền nhập khẩu hóa chất Mercure Crôme dưới cả hai dạng chất lỏng và bột. Với một lít dung dịch đậm đặc của Mercure Crôme, viện bào chế La Thành cho ra khoảng 40.000 chai thuốc đỏ loại 25ml; còn với loại bột, chỉ 1g Mercure Crôme pha trong 1 lít nước cất là sẽ có một lít thuốc đỏ loại thường dùng trong y tế hẳn hoi. Như thế, nhà sản xuất chỉ còn việc đặt các nhà sản xuất thủy tinh thổi vỏ chai theo từng loại dung lượng từ 25ml đến 100ml và các nhà in, in nhãn hiệu với cách chỉ dẫn sử dụng. Viện bào chế chỉ phải thực hiện các công đoạn cuối cùng là chiết vào chai, đóng nút, dán nhãn và tung ra thị trường.
Thị trường thì hết sức rộng lớn. Thuốc đỏ có thể bán từ các nhà thuốc Tây sang trọng cho tới các tiệm tạp hóa hẻo lánh ở các vùng thôn quê. Cách sử dụng cũng quá ư đơn giản, không cần tới một lời chỉ dẫn nào của thầy thuốc. Ngoài tính phổ thông của nó trên thị trường, sự xuất hiện của thuốc đỏ La Thành Nghệ ở nước ta nằm vào thời điểm hai cuộc chiến tranh kéo dài liên miên, thành ra ông cũng là người cung cấp độc quyền cho hệ thống bệnh viện và quân y viện của quân đội Sài Gòn. Không chỉ được sử dụng trong các bệnh viện, các quân y viện, các bệnh viện dã chiến, các trung tâm y tế… và thuốc đỏ do Laboratoire La Thành sản xuất thời đó rất được dân chúng từ thành thị tới thôn quê ưa chuộng vì nó rẻ tiền mà lại hiệu nghiệm.
Chúng ta thử làm một con tính để thấy nguồn lợi nhuận khổng lồ mà ông La Thành Nghệ thu được từ thuốc đỏ. Mỗi chai thuốc đỏ loại 25ml giá thành là 100 đồng (tiền Sài Gòn), giá bán sỉ là 150 đồng, lãi mỗi chai 50 đồng. 50 đồng thời đó chẳng phải lớn lao gì, nhưng tỷ lệ thu lời của ông La Thành Nghệ đã đạt tới 50%.
Trong khi đó, nếu sản xuất một viên Ampiciline, giá thành là 200 đồng, nhưng cũng chỉ bán được 250 đồng, vì còn phải cộng thêm nhiều chi phí khác như khấu hao máy móc thiết bị, bao bì bảo quản phức tạp nên chi phí cao, nhân công lao động cũng nhiều hơn mà lãi suất tính ra cũng chỉ đạt 25% mà đầu tư máy móc thiết bị rất nặng vốn.
Tránh xa những tai tiếng, chịu khó làm từ thiện
Trong các ngành công kỹ nghệ của Việt Nam Cộng hòa (1954-1975), nhiều người cũng biết làm giàu bằng công thức trên: chuyên môn buôn bán một món hàng thông dụng, rẻ tiền nhưng có lợi tức lớn lao ít ai ngờ. Riêng La Thành Nghệ còn nhập cảng các loại thuốc trụ sinh, một thứ thần dược trị các vết thương.
Đặc biệt, bên cạnh hai loại thuốc đỏ và trụ sinh, Laboratoire La Thành còn sáng chế một thứ Pommade để trị bệnh phong tình. Bệnh này thường có mụn đỏ chung quanh háng và bộ sinh dục. Muốn điều trị chỉ cần xức Pommade vào chỗ đó, sau khi rửa vết thương cho sạch bằng thuốc đỏ. Chỉ vài ba lần xức Pommade, người bệnh cảm thấy dễ chịu, không ngứa rát và bình phục!
Thanh niên bị bệnh phong tình thường có mặc cảm không muốn đến bệnh viện hay đi bác sĩ tư để chữa trị. Họ mua thuốc Pommade của Dược sĩ La Thành Nghệ và tự chữa lấy. Nhờ biết được yếu tố tâm lý ấy, sản phẩm của La Thành Nghệ bán chạy như tôm tươi.
Khi trở nên giàu có, La Thành Nghệ sống thầm lặng, ít khoe khoang hay ăn chơi trác táng như một số nhà giàu khác. Ông chỉ giao thiệp với giới nhà giàu và thượng lưu, trí thức ở Sài Gòn. Tuy sống trên đống vàng, nhưng ông không phung phí tiền bạc để mang tai tiếng như nhiều người khác. Ông dành nhiều thời giờ, tiền bạc cùng với em trai là bác sĩ La Thành Trung tích cực trong các hoạt động từ thiện, cứu trợ cho các nạn nhân bị thiên tai, chiến tranh, chẩn bệnh và phát thuốc cho người nghèo.
Năm 1967, La Thành Nghệ ra ứng cử Nghị sĩ Quốc hội, chung liên danh Bạch Tượng với Dược sĩ Trần Văn Lắm và đắc cử. Ông Trần Văn Lắm có thời gian làm Phó Chủ tịch Thượng viện và Tổng trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, danh nghĩa Nghị sĩ Quốc hội chỉ để trang trí cho La Thành Nghệ hơn là nghề hái ra tiền như Viện bào chế La Thành của ông. Do đó, trong thời gian tham chính, dư luận hay báo chí không nghe ông tuyên bố hay có hành động chính trị nào… Ông cũng tránh xa các áp-phe làm ăn của các ông tai to mặt lớn khác.
Dược Sĩ La Thành Nghệ cuối cùng lại là nạn nhân của Tổng thống Trần Văn Hương, người đã gây khó khăn cho những người di tản bằng sắc lệnh cấm công chức, sĩ quan và thanh niên trong tuổi quân dịch ‘di tản’ vào những ngày cuối cùng của Sài Gòn. La Thành Nghệ vượt biển quá sớm, bị Hải quân Việt Nam Cộng hòa bắt đem về đất liền, ở lại Sài Gòn và về sau đượcchính quyền cách mạng cho đi học tập cải tạo.