Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú vừa cùng ký chính thức ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số qui định tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự của Luật TTTP.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC đã nhận ra được những vướng mắc, khó khăn nhất là tình trạng tồn đọng án tại các tòa án vì lý do ủy thác tư pháp theo yêu cầu của TA không nhận được hay chậm nhận được kết quả thực hiện các ủy thác tư pháp.
Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ TTTP với nước ngoài dù đã được qui định có tính nguyên tắc trong pháp luật nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên trên thực tế là Việt Nam thực hiện các yêu cầu TTTP của một số nước, nhưng các nước này lại không thực hiện các yêu cầu TTTP của Việt Nam. Đây là điểm không công bằng và cũng đến lúc Việt Nam có quan điểm thiện chí và thẳng thắn trong việc hợp tác về TTTP.
Do vậy, Thông tư liên tịch này được ban hành để hướng dẫn áp dụng cụ thể, nhất là tháo gỡ cho các cơ quan tòa án và các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam xử lý được các vụ án hay vụ việc có liên quan. Trong đó, giải quyết những khó khăn, lúng túng của tòa án và các cơ quan thi hành pháp luật khác trong việc yêu cầu phía nước ngoài TTTP đối với vụ việc cần giải quyết.
Cũng như đề cao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng cơ quan tham gia vào qui trình xử lý hồ sơ ủy thác tư pháp với các nước, thời hạn xử lý hồ sơ ủy thác tư pháp để cố gắng bảo đảm hồ sơ ủy thác tư pháp không bị tồn đọng ở cơ quan nào và nếu có tồn đọng cũng biết hồ sơ đang ở cơ quan nào.
Sau khi Thông tư này có hiệu lực thi hành (sau 45 ngày kể từ ngày ký), Thông tư liên bộ số 139/TT/LB (ngày 12/3/1984) của Bộ Tư pháp – VKSNDTC - TANDTC - Bộ Nội Vụ - Bộ Ngoại giao về việc thi hành Hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước XHCN và Thông tư số 163/HTQT (ngày 25/3/1993) của Bộ Tư pháp về việc thực hiện uỷ thác tư pháp của toà án nước ngoài hết hiệu lực thi hành.
H.Giang