Cho rằng có tiêu cực, sai phạm trong việc xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) nên Cục Người có công – Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã có văn bản đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh tạm dừng tiếp nhận hồ sơ có chứng từ sau khi Quyết định của Bộ Y tế ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng, giải quyết kiểu này không những không loại trừ được tiêu cực mà còn nguy cơ nảy sinh thêm tiêu cực.
Giám định, xác nhận bệnh, tật: Sai phạm tràn lan
Sau khi Báo PLVN ra ngày 26/10/2010 đăng bài bạn đọc viết “Bộ LDDTB&XH- Một văn bản làm khó dân”, phản ánh việc Cục Người có công ban hành Văn bản số 546 gửi Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo việc giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), khiến các đối tượng này ít có cơ hội được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước; ngày 4/11 vừa qua, Cục Người có công đã có Văn bản số 941 gửi Báo PLVN phản hồi bài viết này.
Theo ông Tạ Vân Thiều, Phó Cục trưởng Cục Người có công, lý do Cục này ban hành Văn bản số 546 vì xuất phát từ những bất cập tại các Quyết định, Thông tư đã ban hành trước đó. Cụ thể, danh mục bệnh, tật quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế có phạm vi quá rộng, với một điều kiện quá dễ dàng, lỏng lẻo nên sau khi Thông tư số 08/2009/BLĐTBXH có hiệu lực, dòng người ồ ạt đến nằm viện, xin cấp bệnh án, giấy ra viện, chạy chọt…xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố.
Cục Người có công cho rằng: “Tình trạng tiêu cực, sai phạm trong việc xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH vẫn diễn biến phức tạp. Một số Sở LĐTBXH chưa tuân thủ đúng trình tự thủ tục xác nhận do Bộ LĐTBXH hướng dẫn; các Sở Y tế vẫn cấp chứng từ bệnh án tràn lan; Hội đồng Giám định y khoa giám định sai quy trình thủ tục, chuyên môn kết luận sai.
Nếu tiếp tục xác nhận theo danh mục bệnh, tật của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT chấp nhận những giấy tờ hồ sơ bệnh án đã cấp từ tháng 5/2009 đến nay thì hồ sơ xác nhận sẽ lên tới 2 triệu người…Cục Người có công chỉ đạo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐTBXH và đồng thời cho cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước…”.
Trả lời khó thuyết phục
Dư luận cho rằng, cách lập luận và giải thích của Cục Người có công như trên là phiến diện và dường như chỉ bảo vệ những thiếu sót và việc làm sai của một số cơ quan chuyên môn cấp dưới. Cục này đã “đánh đồng” quyền lợi hợp pháp của những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH (thật sự) với những người có hành vi giả mạo hồ sơ bệnh án để trục lợi.
Nạn nhân chất độc da cam luôn nhận được sự quan tâm của xã hội
Bằng chứng là việc Cục Người có công đã yêu cầu: Trước mắt tiếp nhận những hồ sơ có chứng từ trước khi ban hành Quyết định số 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế (Quyết định 09 ban hành ngày 20/2/2008). Vậy việc tạm dừng này sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu? Những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH (thật) không được làm thủ tục hưởng chế độ trong thời gian này có được truy lĩnh số tiền trong khoảng thời gian tạm dừng hay không? Nếu họ bị chết trong thời gian chưa được làm thủ tục thì quyền lợi của họ được giải quyết như thế nào?... Đây chính là bức xúc của rất nhiều người dân khi bị cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Theo quy định tại Thông tư 08/2009/BLĐTBXH (ngày 7/4/2009) của Bộ LĐTBXH hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH thì hồ sơ phải có một số giấy tờ rất quan trọng.
Theo đó, để được Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, ngoài bản khai cá nhân, người khai hồ sơ còn phải có các giấy tờ sau:
Thứ nhất, một trong những giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến: lý lịch; quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ khác liên quan đến hoạt động ở chiến trường.
Thứ hai, một trong những giấy tờ chứng nhận tình trạng bệnh, tật: Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên kết luận mắc một trong những bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học/dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động; Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh do thương tật, bệnh tật ở cột sống mà liệt hai chi dưới của Sở LĐTBXH hoặc Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh thuộc Bộ LĐTBXH.
Thứ ba, Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã, thành phần gồm đại diện: Đảng ủy; UBND; HĐND; các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (nếu có), Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Biên bản phải có chữ ký và dấu của: Đảng uỷ, UBND, Mặt trận Tổ quốc cấp xã.
Nhiều ý kiến cho rằng, những giấy tờ trên nếu không có sự tiếp tay của các cơ quan chức năng thì cá nhân người lập hồ sơ không thể làm giả được. Bởi vậy, không thể lấy cớ không quản lý được để gây khó dễ cho các đồi tượng chính sách.
Nguyễn Thị Anh Thư