Nghiên cứu đã tổng hợp các số liệu sẵn có về nhiều chất gây ô nhiễm cho thấy, hiện trạng, lý do, hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp tại Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Theo Báo cáo nghiên cứu, tăng trưởng và thâm canh nông nghiệp đã hỗ trợ một số các nền kinh tế trong khu vực Đông Á tăng trưởng, đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2016, giá trị gia tăng về nông nghiệp thực tế đã tăng trung bình 3,6% mỗi năm. Trong vòng 20 năm, việc mở rộng sản xuất nông nghiệp đã giúp Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành 1 trong 5 nước xuất khẩu gạo, thủy sản, hạt điều và nhiều mặt hàng khác hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, ở một số nơi, nông nghiệp đang trở thành nạn nhân của chính những thành công đó. Báo cáo khẳng định ô nhiễm nông nghiệp đang được thấy rõ tại Việt Nam. Tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm đất, không khí và nước. Ví dụ, tại Việt Nam, ước tính khoảng 36% chất thải gia súc đã được thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý, gây ra tình trạng ô nhiễm trang trại, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Bên cạnh đó, có đến hơn 45 loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Hàm lượng thuốc hoặc hóa chất quá mức trong thực phẩm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong nông nghiệp có thể được coi là “cánh cổng” dẫn đến thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững nói chung của các quốc gia.
Báo cáo cũng đã đưa ra phương thức để khu vực công có thể cải thiện vấn đề này, hướng nguồn lực tới các ưu tiên xử lý ô nhiễm; bắt buộc và tạo động lực cho nông dân có quy mô sản xuất, năng lực khác nhau sản xuất theo các cách hiệu quả hơn; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, học hỏi để kiểm soát được thách thức ô nhiễm và cấu trúc lại khu vực nông nghiệp để tăng trưởng bền vững hơn.