Giải quyết hàng loạt vấn đề lớn, phá bỏ sự trì trệ

Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, kiến tạo, phục vụ, kịp thời, phù hợp với tình hình. - Ảnh: VGP
Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, kiến tạo, phục vụ, kịp thời, phù hợp với tình hình. - Ảnh: VGP
Trong năm 2017, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, năng động sáng tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo tập trung giải quyết những vấn đề lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ, kỷ luật kỷ cương tiến bộ rõ rệt…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Chính phủ, chính quyền các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Quốc hội; chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề mới phát sinh, vượt quá thẩm quyền. Chú trọng gắn kết phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nhanh nhạy phát hiện, kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những điểm nóng gây bức xúc xã hội trên tất cả các lĩnh vực và ở mọi vùng, miền của đất nước.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, nhìn lại bối cảnh rất khó khăn khi bắt đầu nhiệm kỳ này mới thấy được nỗ lực thay đổi rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, với quyết tâm chính trị rất cao của Thủ tướng trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Chính phủ, Thủ tướng đã hành động quyết liệt, vừa tạo động lực, vừa tạo sức ép; vừa xử lý các vấn đề cấp bách, vừa  có những giải pháp căn cơ hơn. 

Báo cáo của Chính phủ về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2017 cũng khẳng định: Với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, quyết tâm, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, năng động sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện hài hòa mục tiêu trước mắt, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đã được Quốc hội đề ra; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả 13/13 chỉ tiêu kế hoạch do Trung ương, Quốc hội giao đều được hoàn thành và một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức; chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng cao, tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Chính phủ đã chủ động xây dựng thể chế, xác định hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành thời gian ưu tiên cho thảo luận về các dự án luật tại các phiên họp thường kỳ, tổ chức riêng 2 phiên chuyên đề xây dựng pháp luật.

Chính phủ kiên định, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã được Quốc hội thông qua. Không tăng sản lượng khai khoáng, chuyển dần từ sử dụng cơ chế chính sách ưu đãi chủ yếu sang coi trọng xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Lần đầu tiên, Chính phủ có kịch bản tăng trưởng cho từng quý và cả năm, đặt ra các giải pháp tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời, có các chỉ đạo chuyên đề cho phát triển kinh tế, nổi bật như: giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất một số ngành công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công…

Chính phủ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, khẳng định định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngay sau Hội nghị Trung ương 5, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp mang chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” quy mô lớn nhất từ trước tới nay (trên 10 ngàn doanh nghiệp).

Tìm hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp, Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, ưu đãi thuế, tín dụng…. Tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản phẩm chủ lực, phát triển ngành tôm, về lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long… và đặc biệt là Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thoái vốn ở những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ theo hình thức đấu thầu, bảo đảm lợi ích nhà nước, tránh tiêu cực, thất thoát. Năm 2017, đã thoái được theo giá trị sổ sách là 8.749 tỷ đồng, thu về 135.223 tỷ đồng, trong đó có những doanh nghiệp thoái được số vốn rất lớn như Sabeco, Vinamilk…

Chính phủ cũng đã có giải pháp trước hàng loạt vấn đề nóng bỏng như trước tình trạng khai thác cát, sỏi (đến nay số vụ vi phạm đã giảm 80%); kiên quyết không cấp phép, dừng chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm cao; kiên quyết thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tổ chức 3 hội nghị toàn quốc bàn giải pháp ngăn chặn nạn phá rừng, số vụ phá rừng giảm mạnh, nhất là rừng tự nhiên nghèo kiệt đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên...

Tập trung xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ lớn, Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo, lập phương án xử lý cụ thể, giao 217 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, đồng thời giao Tổ công tác tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ này. Đến nay 142 nhiệm vụ đã hoàn thành, 5 nhà máy đã sản xuất ổn định, khắc phục dần thua lỗ; các dự án khác đều có lộ trình xử lý cụ thể, theo nguyên tắc thị trường, kiên quyết không dùng ngân sách để bù lỗ, không kéo dài gây thiệt hại cho nhà nước.

Trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối sâu rộng, thực chất với các hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực và thế giới.

Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, hàng ngàn thủ tục hành chính, gần 3.000 điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được cắt giảm và cam kết cắt giảm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hướng tới tiêu chuẩn của OECD. Cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu; tập trung sửa đổi, đồng bộ hóa văn bản quản lý; xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp…

Thể hiện rõ hơn tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp với tinh thần minh bạch, công khai. Thủ tướng chỉ đạo tiếp nhận mọi ý kiến, phản ánh qua website Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp. Qua hệ thống, đã tiếp nhận 1.441 kiến nghị của doanh nghiệp, đã chuyển 1.174 đến các cơ quan có thẩm quyền, đã có 966 kiến nghị được trả lời doanh nghiệp; tiếp nhận 5.250 kiến nghị của người dân, đã chuyển 903 kiến nghị đến Bộ, cơ quan xem xét, đã xử lý có kết quả 337 kiến nghị. Hầu hết, người dân và doanh nghiệp hài lòng với kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Một trong những điểm sáng nổi bật thể hiện tinh thần Chính phủ hành động, đó là hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong năm đã tiến hành kiểm tra 27 cuộc kiểm tra đôn đốc, tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ, kỷ luật kỷ cương tiến bộ rõ rệt, nhiều vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh, chỉ còn 1,38% (trước khi thành lập Tổ công tác là 25%). Đặc biệt, với 20 cuộc kiểm tra chuyên đề đã thúc đẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Học tập cách làm này, đến nay tất cả các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đều thành lập Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.

Xác định công tác địa phương, cơ sở là phương thức chỉ đạo, điều hành quan trọng. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chủ trì 27 Hội nghị toàn quốc, hội nghị kinh tế vùng, có 120 lượt làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 1.000 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cơ sở, người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của 16 tỉnh, thành phố và một số hội nghị xúc tiến nhân các chuyến công tác nước ngoài, trực tiếp lắng nghe các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thu hút các nguồn lực cho phát triển.

Kịp thời xác minh, chỉ đạo xử lý các sự việc nổi cộm được dư luận và nhân dân phản ánh, thể hiện tinh thần lắng nghe, phục vụ. Nhiều sự việc được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời với tinh thần thượng tôn pháp luật, vì lợi ích quốc gia, tạo niềm tin trong xã hội (như: sự việc tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội; việc thực hiện quy hoạch tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; việc công bố các ca khúc được phổ biến; việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; sự việc liên quan đến BOT Cai Lậy…).

Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, kiến tạo, phục vụ, kịp thời, phù hợp với tình hình, tạo chuyển biến rõ rệt về kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...