Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam: Một số vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các tồn tại, vướng mắc chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông.

Theo báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 của Chính phủ, tính đến đầu tháng 9/2021, các dự án thành phần đã bắt đầu giải phóng mặt bằng (GPMB) từ tháng 6/2019 và bàn giao 642,4km/652,86km (đạt khoảng 98,4%) với tổng diện tích đã thu hồi 4.906,57ha/tổng số 4.990,64ha cần giải tỏa; số hộ đã nhận tiền đền bù 28.673 hộ/29.183 hộ bị ảnh hưởng.

Trong đó, về xây dựng các khu tái định cư (TĐC), gồm 29.183 hộ dân có đất phải thu hồi, trong đó khoảng 3.234 hộ dân phải bố trí tái định cư tại 111 khu TĐC (83 khu TĐC xây mới và 28 khu đã có sẵn). Hiện đã hoàn thành 74/83 khu TĐC (đạt khoảng 89,2%); đang triển khai thi công 8 khu TĐC, dự kiến hoàn thành trong quý III năm 2021; riêng 1 khu TĐC thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn Đồng Nai đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào cuối 2021 (hiện địa phương đã bố trí tạm cư).

Các địa phương mới hoàn thành di dời 363/733 vị trí đường điện (đạt khoảng 49,5%); 22.099/40.232m đường ống nước các loại (đạt khoảng 54,9%); 53.825/91.828m cáp viễn thông (đạt khoảng 58,6%).

Báo cáo cho biết, trong thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều công điện chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel khẩn trương hoàn thành công tác GPMB, tháo dỡ, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, tuy nhiên hiện vẫn đang còn khoảng 10,46km chưa được bàn giao mặt bằng (chiếm khoảng 1,6% tổng chiều dài các dự án).

Các tồn tại, vướng mắc chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông. Tính đến nay vẫn còn 7 dự án gồm: QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây) qua địa bàn 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai) chưa hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Hiện cũng còn 3 dự án (Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Phan Thiết - Dầu Giây) qua địa bàn 2 tỉnh (Nghệ An, Đồng Nai) chưa hoàn thành xây dựng khu TĐC. Một số dự án còn vướng mắc cục bộ do khiếu kiện, tranh chấp, chủ hộ đang ở nước ngoài, người dân kiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường, tái lấn chiếm mặt bằng hoặc đã nhận tiền nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an và các địa phương trong đảm bảo an ninh, trật tự tại các dự án, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các khó khăn liên quan đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện các dự án đã được tháo gỡ.

Tuy nhiên, Dự án trải dài trên địa bàn 13 tỉnh, đi qua nhiều vùng đất có nguồn gốc phức tạp; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ trong công tác GPMB còn hạn chế nên một bộ phận người dân chưa đồng thuận đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là giá bồi thường.

Việc này dẫn tới chậm trễ trong công tác GPMB cục bộ tại một số vị trí như ở Dự án QL45 - Nghi Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây... do có sự khiếu kiện của người dân về đơn giá bồi thường, hoặc đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu thi công vẫn gặp cản trở của người dân địa phương trong quá trình thi công do các khiếu kiện kéo dài; công tác giải quyết các thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi còn chậm gây mất an ninh, trật tự.

Bộ GTVT đề nghị các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong GPMB, tái định cư; giải quyết các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu (đất, cát, đá) đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công các dự án cũng như có giải pháp bình ổn giá, tránh đầu cơ nâng giá; ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, người lao động và tạo thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên, vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân lực phục vụ thi công các dự án.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.