Giải pháp nào 'xóa sổ' xe ba bánh tại Hà Nội, TP HCM?

Hoạt động của xe ba bánh, xe tự chế đang gây ra nhiều hệ lụy và là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông.
Hoạt động của xe ba bánh, xe tự chế đang gây ra nhiều hệ lụy và là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông.
(PLVN) - Hiện nay, nhiều xe 3-4 bánh tự chế vẫn lưu hành trên các tuyến đường nội thành ở các thành phố lớn như: TP HCM, Hà Nội… gây ảnh hưởng lớn tới giao thông công cộng. Đáng lo lắng, những chiếc xe này luôn chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường.

Vấn nạn kéo dài

Sau một thời gian hoạt động, rồi bị hạn chế trong một thời gian ngắn, thời gian gần đây trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, tình trạng xe ba gác, xe tự chế giả danh xe thương binh lại hoạt động trở lại. Theo quan sát, hầu hết những xe này rất thô sơ, cũ kỹ nhưng chất đồ cồng kềnh và chở vật liệu xây dựng sắc như kính, sắt, thép... gây tắc nghẽn giao thông.

Đặc biệt, nhắc đến tai nạn liên quan tới xe ba bánh tự chế, nhiều người vẫn còn nhớ đến việc xảy ra vào ngày 23/9/2016, khi chiếc xích lô chở tôn sắt di chuyển trên phố Tân Mai, Hà Nội đã gây ra tai nạn thương tâm cho cháu bé 9 tuổi, khiến cháu bé bị tử vong.

Sau đó 2 ngày, một vụ việc tương tự cũng xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), khi một xe ba gác chở tôn đi đến, bất ngờ dây chun buộc tôn bị tuột nên miếng tôn trên xe rơi xuống quẹt ngang cổ một người phụ nữ 66 tuổi đang đi đường. Vụ việc khiến nữ nạn nhân bị tử vong ngay sau đó.

Đó chỉ là hai trong vô số vụ tai nạn có liên quan tới xe ba bánh, xe tự chế xảy ra trên khắp cả nước. Bất chấp nhiều nguy hiểm là vậy, nhưng tình trạng chở tôn, sắt, vật sắc nhọn trên xe ba bánh, xe tự chế này vẫn tái diễn.

Lý giải về việc tồn tại của xe ba bánh, xe tự chế có thể do hai nguyên nhân chính. Một phần là do nhu cầu chở hàng hóa tại khu vực nội thành rất cao, nhất là vào các ngõ ngách nhỏ, các phương tiện ô tô tải không thể vào nên nhiều người phải thuê xe ba, bốn bánh tự chế vận chuyển hàng hóa. Nguyên nhân nữa là chi phí vận chuyển của loại xe này rẻ.

Theo chia sẻ của ông N.T.A - một lái xe ba bánh tự chế, hầu hết các lái xe đều nhận thức được sự mất an toàn của loại hình phương tiện này, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Ông N.T.A bày tỏ: “Chúng tôi biết là lưu thông như vậy thì cũng nguy hiểm nhưng vì cơm áo, gạo tiền nên không có lựa chọn khác. Thực tình cũng chỉ mong kiếm được chút vốn để chuyển công việc khác chứ giờ không có vốn thì tôi cũng đâu biết làm gì”.

Gian nan tìm lời giải

Mặc dù TP Hà Nội, TP HCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan để tìm giải pháp hạn chế, cấm sử dụng xe ba bánh, xe tự chế, xe giả xe thương binh… để vận tải hàng hoá. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm giao thông này vẫn xảy ra thường xuyên.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện Hà Nội còn khoảng gần 6 nghìn xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp. Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có 1.316 người có hộ khẩu thường trú là thương, bệnh binh và người khuyết tật sử dụng xe 3 bánh tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa (trong đó có 964 thương binh, 103 bệnh binh và 249 người khuyết tật). Số còn lại đều là xe tự chế, xe giả thương binh. Đó là chưa kể con số thống kê chỉ mới phản ảnh phần nào, trên thực tế số lượng xe ba bánh tự chế có thể nhiều hơn.

Còn theo báo cáo gần nhất của UBND TP HCM về xe 3-4 bánh tự chế cho thấy, đến thời điểm đầu năm nay cho thấy: Thành phố có gần 2.167 xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký cấp biển số; hơn 30.000 xe 3-4 bánh thô sơ tự chế không động cơ (xích lô, ba gác đạp, xe đẩy tay...) và có động cơ. Cho đến đầu năm nay, thành phố đã thanh lý, tiêu hủy gần 28.100 xe; tổng số tiền hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề - phương tiện lên đến gần 158 tỉ đồng. 

Có thể nhận thấy, câu chuyện về việc “xoá sổ” vấn nạn xe 3-4 bánh tự chế là một bài toán nan giải. Khi cách đây 10 năm, UBND TP HCM đã ban hành quyết định cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn TP, thế nhưng hiệu quả của công tác này chưa cao.

Thành phố Hà Nội cũng đang xem xét dừng hoạt động xe xích lô, xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người trên địa bàn thành phố. Còn xe ba bánh phục vụ đi lại của thương, bệnh binh và người khuyết tật khi tham gia giao thông phải được đăng ký, đề xuất quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Hà Nội cũng cho biết, đang triển khai việc xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động. Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về quản lý, thu hồi đối với xe mô tô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. 

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp sử dụng xe 3 bánh vi phạm quy định trên địa bàn thành phố; Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, liên tục trong việc kiểm tra, xử lý người điều khiển xe 3 bánh vi phạm chở người, chở hàng “cồng kênh”, chở hàng “quá khổ” khi tham gia giao thông; Kiên quyết xử lý theo quy định đối với các đối tượng đóng giả thương binh; Thường xuyên rà soát, kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải tạo, lắp ráp phương tiện xe 3, 4 bánh trái quy định. Tổ chức dán logo cho 30 xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại cho thương binh.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần quyết tâm chấn chỉnh, nhưng hoạt động của xe ba bánh với thực trạng chở hàng cồng kềnh, mất an toàn giao thông và gần như không tuân thủ luật lệ giao thông vẫn diễn ra trên đường phố Hà Nội. Thực tế từ hai thành phố lớn cho thấy, câu hỏi bao giờ quản được xe ba bánh và giải pháp nào để xử lý vấn đề này vẫn chưa thể có câu trả lời?.

Cấm là cần thiết!

Chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy: 

Mặc dù đây là loại phương tiện được thiết kế phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa nhỏ với giá thành rẻ, luồn lách vào ngõ ngách, phù hợp với kế mưu sinh của nhiều người lao động. Nhiều đối tượng giả danh thương binh, người khuyết tật để hoạt động. Việc vận chuyển hàng hoá của phương tiện này tiềm ẩn tai nạn giao thông cao nên lực lượng chức năng phải kiên quyết xử lý, dẹp bỏ. 

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Chúng ta cần tiến hành những cuộc đối thoại với những thương binh, bệnh binh để tuyên truyền về vấn đề sử dụng phương tiện ưu tiên, nhằm tránh để lợi dụng quyền lợi này. Bên cạnh đó, thành phố cũng giao cho Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Hội Cựu chiến binh TP tổ chức thông báo, tuyên truyền, nhắc nhở thương binh tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.