Thiếu nước vì nhiễm mặn
Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), xảy ra tình trạng thiếu nước là do độ mặn nước sông Cầu Đỏ tăng đột biến. Đồng thời, các hồ thủy điện phía đầu nguồn đã ngang mực nước chết nên không thể cung cấp nước để nhà máy hoạt động đầy đủ. Trạm bơm An Trạch vận hành đủ 4 máy bơm theo công suất thiết kế thì tổng công suất dao động từ 196.000m3/ngày đêm đến 217.000m3/ngày đêm.
Bên cạnh đó, tuyến ống truyền tải nước thô từ trạm bơm An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất thiết kế 210.000m3/ngày đêm. Nếu vận hành quá tải trong khoảng thời gian dài có thể ảnh hưởng đến an toàn của tuyến ống này. Như vậy, nước thô từ trạm bơm An Trạch dù đạt 217.000m3/ngày đêm nhưng với tuyến ống như vậy thì lượng nước đến Nhà máy nước Cầu Đỏ cao nhất chỉ 210.000m3/ngày đêm. Lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu phải lấy tại Nhà máy nước Cầu Đỏ trong các thời điểm độ mặn dao động 200 – 1.000mg/l, Dawaco phải tiến hành pha trộn với nguồn nước bơm về từ trạm bơm An Trạch.
Theo báo cáo của Dawaco, nhu cầu dùng nước trên địa bàn TP Đà Nẵng khoảng 270.000m3/ngày đêm. Khi nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, nhiều cơ sở kinh doanh, người dân tích trữ nước tối đa để sử dụng. Đồng thời, Dawaco tiến hành cắt nước luân phiên có thể là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thiếu nước diễn ra trên diện rộng thời gian qua.
Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian thiếu nước tại TP Đà Nẵng từ ngày 4 đến 7/11. Trong khoảng thời gian này, độ mặn trên sông Cầu Đỏ thường xuyên duy trì ở mức cao (>1.000mg/l). Do sự xâm nhập mặn, Công ty CP Thủy điện Đak Mi đã xả nước để đáp ứng nhu cầu nguồn nước thô cấp cho TP Đà Nẵng. Nhờ sự phối hợp này mà mực nước tại đập dâng An Trạch đã lên trên mực nước chết.
Nguy cơ xảy ra hạn hán lịch sử!
Đại diện Cty Thủy điện Đăk Mi 4 thông tin, Đăk Mi 4 đã thực hiện xả nước về hạ du (ngày 15/11 vẫn xả 3,2m3/s, hồ đang dưới mực nước chết 0,6m). Cty kiến nghị điều chỉnh sản lượng phát điện tháng 11, 12 do thiếu nước.
Trong khi đó, đại diện Thủy điện A Vương cho rằng, từ đầu mùa mưa năm nay, mưa trên lưu vực sông Vu Gia thấp nhấp, tính từ năm 1977 đến nay. Thời gian sắp tới, hiện tượng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn. Hiện tại nước tại hồ chứa cao hơn mực nước chết 1,1m. Vào khoảng thời gian nhiễm mặn của Đà Nẵng vừa qua, nhà máy có tăng phát để nước xả cho hạ du nhưng không đáng kể. Nếu trên lưu vực A Vương tiếp tục không có mưa thì mùa cạn năm 2019 sẽ hạn nặng. Đại diện Thủy điện A Vương kiến nghị, cần có phương án tích nước bởi mùa khô tới sẽ rất khó trong việc cấp nước cho hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) nhận định, mùa lũ năm nay rất đặc biệt. Cơ bản chỉ có sông Bung 4 trên mực nước chết. Tất cả lưu lượng, dung tích cả hồ thủy lợi thấp hơn 70-80%. Nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Vì vậy 4 hồ chứa lớn phải hết sức lưu ý, phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam - Đà Nẵng và phải chủ động có phương án tích nước dài hơi.
Theo ông Vĩnh, Cục đã có một buổi đi khảo sát thực tế liên quan đến việc đảm bảo nguồn nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ nói riêng, cũng như đảm bảo nguồn nước hạ lưu sông Vu Gia. Trong thời gian từ đầu mùa lũ tới giờ, việc đảm bảo nguồn nước cho hạ du của sông Vu Gia, nhất là TP Đà Nẵng vẫn đảm bảo.
Liên quan đến thiếu nước do nhiễm mặn cao, ông Vĩnh đề nghị sớm có giải pháp để nâng cao hiệu quả vận hành nhà máy nước, đảm bảo được nguồn nước cấp liên tục và ổn định cho người dân.
Ông Vĩnh khẳng định, phải ưu tiên cao nhất nước sinh hoạt cho người dân. Trên cơ sở kết quả số liệu đã báo cáo, giải pháp cao nhất là lấy nước ở An Trạch và tuyên truyền việc sử dụng nước tiết kiệm bởi nhiều nơi đang lãng phí nguồn nước.