Tuy nhiên, trên thực tế nhiều văn bản mới ra đời đã vấp phải nhiều tranh cãi, gây bức xúc dư luận, người dân không đồng tình, khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn. Hiểu được nguyên nhân để có giải pháp khắc phục là rất cần thiết để hạn chế tình trạng luật xa rời thực tế.
Những chính sách “phòng lạnh”
Thời gian qua, đã có không ít trường hợp quy định pháp luật bất cập, thiếu tính thực tiễn, vừa ban hành đã phải thu hồi ngay lập tức vì bị người dân phản đối, hoặc lặng lẽ bị “bỏ quên” như chưa bao giờ ra đời.
Nhiều quy định bất hợp lý ấy “bao phủ” ở hầu hết các khu vực và ngành nghề, gây bất bình từ phía người dân cũng như các đối tượng phải chịu sự điều chỉnh, thay đổi.
Có thể “điểm mặt chỉ tên” như quy định buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng, quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên doanh nhân, quy định đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ lương, quy định về bình chữa cháy trên ôtô, quy định ưu tiên tuyển sinh với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quy định bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ…
Quy định bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ gây tranh cãi trong dư luận |
Đặc biệt, có nhiều trường hợp quy định được đánh giá là cần thiết, hợp lý, được người dân ủng hộ, nhưng quá trình thực thi lại thiếu hiệu quả, thậm chí bất khả thi. Điều này cũng làm trầm trọng hơn tình trạng pháp luật không phù hợp với thực tiễn. Điển hình như quy định về xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng được đưa ra khi mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan trên thị trường.
Quy định này bất khả thi bởi ngay cả lực lượng chức năng cũng không thể xác định tem nhãn mác giả hay thật bằng mắt thường. Quy định về xử phạt lên tới 7 triệu đồng đối với hành vi xả rác, tiểu bậy, vứt bỏ tàn thuốc lá… không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP được ban hành ra và “để đó” bởi không thực thi được. Một ví dụ khác là quy định phạt tiền chủ nuôi từ 600.000 đến 800.000 đồng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… đến nay cũng chỉ ban hành “cho vui”….Những quy định trên được gọi là quy định “trên trời” và cách gọi hài hước là quy định “trong phòng lạnh”, không thiết thực với đời sống thực tế. Hậu quả của chúng có lẽ không cần phải bàn cãi. Không chỉ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều luật lệ “trời ơi” đã làm giảm niềm tin của người dân vào năng lực của cơ quan Nhà nước và hệ thống pháp luật nước ta. Đáng buồn hơn là những quy định không hợp lý, không khả thi đã khiến tình trạng nhờn luật, coi luật có như không trở nên phổ biến và như một lẽ đương nhiên.
Lỗi không của riêng ai
Khách quan mà nói tình trạng không tuân thủ pháp luật là lỗi của cả hai phía: đối tượng chịu tác động (người dân, doanh nghiệp…) và cơ quan xây dựng chính sách.
Hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập |
Có nhiều trường hợp, các nhà xây dựng dự thảo văn bản đã “nhảy cóc” không tuân thủ theo quy định khi soạn thảo dự thảo và ban hành văn bản luật. Ngoài ra, một trong số nguyên nhân có thể đến từ việc không tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của nhân dân, của cơ quan liên quan hay của các đối tượng áp dụng.
Nhưng rất tiếc như thừa nhận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tại Báo cáo số 126/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ là “việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở công chức khi thi hành công vụ”. Phải chăng vì thế mà tình trạng luật xa rời thực tế vẫn … đều đều diễn ra.
Nguyên nhân tiếp theo là về phía các cơ quan thực thi luật pháp. Nhiều trường hợp đánh trống bỏ dùi, làm cho có, thực thi không nghiêm minh, thiếu công bằng, đã dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp luật quy định một đằng, các cơ quan thực thi lại hướng dẫn một kiểu dẫn đến việc người dân hay doanh nghiệp hoang mang không biết phải tuân thủ theo luật hay theo các cơ quan thực thi. Điều này đã dẫn đến việc vi phạm pháp luật mà bản thân người dân, doanh nghiệp cũng không mong muốn.
Người dân "hồn nhiên" dừng xe ăn uống trên đường cao tốc |
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân như hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả mong muốn; quy định pháp luật lại chồng chéo dẫn đến việc áp dụng rất lúng túng. Hệ thống pháp luật đồ sộ (8.748 văn bản do các cơ quan ở Trung ương ban hành và 52.544 văn bản do các cơ quan ở địa phương ban hành) nhưng vẫn chưa bao trùm hết được thực tế cũng dẫn đến tình trạng pháp luật “xa rời” cuộc sống.
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân hay các doanh nghiệp hiện vẫn đang còn hạn chế dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như một số người dân vẫn thường đi bộ, dừng xe trên đường cao tốc rồi đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông dẫn đến hậu quả là nhiều vụ tai nạn giao thôngnghiêm trọng đáng tiếc xảy ra.
Hay thời gian gần đây, nhiều người dân, doanh nghiệp thường xuyên xả rác thải bừa bãi, vi phạm luật pháp bảo vệ môi trường dẫn đến môi trường sống càng ngày càng bị ảnh hưởng… Do đó, dù pháp luật có được xây dựng một cách hoàn thiện, đầy đủ mà người dân hay doanh nghiệp không tuân thủ thì luật pháp cũng không thể đi vào thực tiễn và hạn chế sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Để pháp luật thực sự là “vũ khí” hiệu quả
Với đội ngũ cán bộ, người làm luật, quan trọng nhất là quy trách nhiệm. Cá nhân những người xây dựng, soạn thảo, ban hành luật phải chịu trách nhiệm và bị xử lý khi làm sai thì mới hết tình trạng người năng lực yếu cứ “làm bừa”, cắt bớt quy trình, các bước xây dựng luật, “xén” khâu thẩm định.
Cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ người làm luật |
Với người thực thi pháp luật cũng vậy, cần quy trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Thực thi không đúng, không nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, không bao che. Chỉ cần cán bộ thực thi pháp luật “biết sợ”, làm việc nghiêm túc, tử tế, công tâm, người dân sẽ chịu ảnh hưởng “dây chuyền” và phần lớn nghiêm túc tuân theo. Sâu hơn nữa là những vấn đề như cơ chế giám sát, công cụ, công nghệ… hỗ trợ để người thực thi pháp luật có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.
Và cuối cùng để luật không xa rời cuộc sống, thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển thì nhất thiết phải đưa luật vào cuộc sống thường nhật của người dân. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa giáo dục pháp luật vào trường học. Xây dựng các cơ chế phù hợp để người dân, các đối tượng áp dụng dễ dàng góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh các bất cập, các trường hợp vi phạm. Nói cách khác, cần tạo điều kiện cho người dân tham gia sâu rộng trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi pháp luật để pháp luật thực sự là “vũ khí” hiệu quả, không chỉ của đất nước mà còn của toàn bộ các tầng lớp nhân dân.