Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng sở GD&ĐT Nghệ An để tìm hiểu những giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc tại địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn với các em học sinh người đồng bào DTTS tại tỉnh Nghệ An. |
Ông có thể cho bạn đọc báo Pháp luật Việt Nam được biết về một số nét đặc thù của tỉnh Nghệ An đối với công tác xóa mù chữ (XMC) ?.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn: Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.490 km2), với ba vùng sinh thái rõ rệt: Miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Dân số toàn tỉnh có khoảng hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm tới 36,3% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, Nghệ An đặc biệt chú trọng công tác XMC, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương. Cùng với những giải pháp thiết thực, kết quả công tác XMC có nhiều thành tựu to lớn. Theo đó, đến năm 2022, tỉnh được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Những giải pháp được ngành giáo dục Nghệ An đưa ra đối với công tác XMC là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Hoàn: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành giáo dục Nghệ An đã đồng thời triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Từ việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch có tính chiến lược, lâu dài để chỉ đạo công tác; đến việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ XMC cho các phòng giáo dục và đào tạo và đến tận các cơ sở giáo dục để xây dựng kế hoạch mở lớp, thực hiện công tác chuyên môn, kiểm tra, đánh giá từng năn. Vào dịp cuối năm tổng kết công tác XMC, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
Một trong những giải pháp quan trọng, quyết định hiệu quả của công tác XMC đó là công tác tổ chức và duy trì lớp học XMC. Theo đó, chúng tôi xác định việc tổ chức và duy trì lớp học là nhiệm vụ chính được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn, đồng thời có sự phối hợp tham gia của các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội địa phương.
Đối với thời gian tổ chức lớp học, đa số học viên các lớp XMC phần lớn trong độ tuổi lao động chính của gia đình, nên các lớp học được tổ chức linh hoạt: vào những ngày cuối tuần, vào ban đêm, giữa các mùa vụ lao động, sản xuất; có thể vào thời điểm học viên rảnh rỗi nhất.
Đối với người tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ chúng tôi chọn lựa những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương.
Một lớp học xóa mù chữ cho người dân đồng bào DTTS và MN tại tỉnh Nghệ An |
Đối với phương pháp dạy học, đánh giá, xếp loại học viên, phương châm “cầm tay chỉ việc”, minh họa bài học bám sát thực tế cuộc sống sinh hoạt lao động của người học, giúp người học dễ hiểu, nhớ lâu và dễ vận dụng, áp dụng với cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt, quá trình giảng dạy, giáo viên từng bước cho học viên tiếp cận với công nghệ thông tin thông qua các phương tiện sẵn có, sự hỗ trợ từ nhà trường, từ trung tâm học tập cộng đồng (ti vi, máy chiếu, sử dụng điện thoại di động, mạng internet..). Việc lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo hứng thú cho người học được duy trì... Đến cuối kỳ, kết quả đánh giá được thực hiện đúng quy chế. Tuy nhiên, đi kèm đó là động viên người học bằng nhiều biện pháp sáng tạo luôn được khuyến khích, tạo sự hứng thú, phấn khởi, có động lực phấn đấu qua điểm số, nhận xét của giáo viên, bạn bè, người thân và tự nhận xét của người học.
Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với người dạy và người học được chúng tôi thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời theo các quy định hiện hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều này tạo động lực cho những người tham gia giảng dạy XMC cũng như tham gia học.
Hội nghị tổng kết khóa học chống tái mù chữ cho người dân đồng bào DTTS tại tỉnh Nghệ An. |
Quá trình thực hiện công tác XMC trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn tồn tại, thách thức, cản trở việc học chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số?.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với tỷ dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 36,3% dân số. Lại có xuất phát điểm không thuận lợi, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó trong việc tổ chức mở lớp. Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức nan giải do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động chính của gia đình.
Đáng nói, vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản. Một số người do lớn tuổi nên tâm lý của một số học viên còn e dè, xấu hổ khi đi học.
Chưa kể, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân các dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn.
Các lớp học xóa mù chữ được triển khai rộng rãi ở các huyện, xã miền núi tại tỉnh Nghệ An. |
Với thực trạng đó, ngành GD&ĐT Nghệ An có đề xuất, kiến nghị gì để duy trì, nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn ?.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn: Về tổng thể, cần có sự đánh giá, rà soát để có căn cứ tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2040. Đồng thời, cần có các điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo và thực hiện công tác XMC, PCGD (hoàn thiện phần mềm ESCI hoặc điều chỉnh việc quy định sử dụng phần mềm; thống nhất thời điểm cập nhật và công nhận dữ liệu XMC, PCGD trong toàn quốc).
Hàng năm, Bộ GDĐT nên tổ chức các đợt tập huấn về phương pháp giảng dạy các lớp xóa mù chữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay để các đơn vị, địa phương khác học tập. Có các chương trình, dự án…nhằm hạn chế tình trạng tái mù chữ cho người học.
Đặc biệt, Bộ cần sớm ban hành và thí điểm Chương trình xóa mù chữ (chức năng) để phù hợp với tình hình hiện nay.
Trân trọng cảm ơn!
Tính đến tháng 9/2023, cả nước có 226/10.598 đơn vị cấp xã (tỷ lệ 2,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 10.332/10.598 đơn vị cấp xã đạt tỷ lệ 97,5% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Có 42/704 đơn vị cấp huyện (6%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 662/704 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cả nước có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (100%) và hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (chiếm 76,2%), trong đó có 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Hiện, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ tại Nghệ An là 1.800.000 đồng/người/chương trình. Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ cho người làm công tác xóa mù chữ, hỗ trợ thắp sáng ban đêm, công tác tuyên truyền, mua sổ sách...