Tỷ lệ giải ngân năm sau cao hơn năm trước
Bộ GTVT là một trong những bộ có nhiệm vụ “tiêu tiền” ngân sách Nhà nước khá lớn. Hàng năm, Bộ GTVT được giao vốn hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông. Nhận thức sự vinh quang và nhiệm vụ năng nề, hàng năm, lãnh đạo Bộ GTVT đều nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công. Trong mỗi quý, lãnh đạo Bộ GTVT thường tổ chức các cuộc họp, đôn đốc, nhắc nhở các ban quản lý, các chủ đầu tư để làm sao giải ngân một cách tốt nhất.
Sự sát sao, nỗ lực của lãnh đạo Bộ GTVT đã đem lại những thành công nhất định. Bằng chứng là những năm gần đây, giải ngân ở Bộ này luôn là điểm sáng so với cả nước. Cụ thể, năm 2019, Bộ GTVT giải ngân 26.575/30.134 tỷ đồng (88,2%) trong khi cả nước giải ngân 325.111,43 tỷ đồng (76,75%). Năm 2020, Bộ GTVT giải ngân 35.209/36.122 tỷ đồng (97,5%), cả nước giải ngân 455.031,1 tỷ đồng (81,59%). Còn năm 2021, Bộ GTVT giải ngân 40.300/42.996 tỷ đồng (93,7%), cả nước giải ngân 417.702,1 tỷ đồng (92,34%). Năm 2022, Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Điều đáng chú ý là qua các năm, số vốn được giao tại Bộ GTVT mỗi năm một tăng. Tỷ lệ thuận với việc giao vốn nhiều hơn qua các năm đó, tỷ lệ giải ngân cũng năm sau cao hơn năm trước, đây là điểm sáng đáng khen ngợi.
Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, năm 2023, Bộ sẽ được giao vốn đầu tư công rất lớn với hơn 94.100 tỷ đồng, tức lớn hơn năm 2022 gấp 1,7 lần: “Việc giải ngân hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ GTVT, đặc biệt trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá.
Các dự án giao thông đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. |
Thách thức nhiệm vụ “tiêu tiền”
Theo phân tích của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, việc được giao nhiều vốn đầu tư công trong năm 2023, ngoài vinh quang và trách nhiệm thì đang tiềm ẩn những thách thức và rủi ro.
Cụ thể, nhu cầu về nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cấp khi Bộ GTVT và nhiều địa phương triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô lớn tập trung tại một số khu vực. Công tác giải phóng mặt bằng luôn là công việc phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án. Một thách thức khác là năng lực thực hiện của các chủ thể tham gia thực hiện dự án như: địa phương, các ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn… khó đáp ứng yêu cầu, khi khối lượng công việc lớn tập trung trong cùng một thời điểm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận thấy rất nhiều điểm tích cực để có thể hoàn thành việc giải ngân cao trong năm 2023. Cụ thể, nhiều dự án lớn sẽ đồng loạt thực hiện và có khối lượng lớn hoàn thành trong năm tới như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và 2, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột… “Bên cạnh đó, việc đề cao công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công của tập thể lãnh đạo Bộ GTVT cùng với sự nỗ lực của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư… cũng là một động lực để công tác giải ngân trong thời gian tới đạt kết quả cao”, Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm.
Được biết, năm 2022, các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT chịu rất nhiều áp lực trước sức ép giải ngân khi năm qua, các nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, “bão giá” cũng như việc thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một lãnh đạo ban quản lý dự án, dù chịu áp lực, gặp nhiều khó khăn, cả tuần bận “tối mắt, tối mũi” không còn thời gian cho gia đình, người thân, nhưng những người “mở đường” luôn cảm thấy vinh quang và hạnh phúc sau khi khánh thành những công trình.
Không giao dự án mới khi chưa hoàn thành dự án cũ
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 12/2022, ông Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, bên cạnh nghiên cứu, đề xuất hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các đơn vị có kết quả giải ngân cao, Bộ GTVT cũng sẽ xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu giải ngân do lỗi chủ quan. Sẽ xem xét không giao dự án mới nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ ở dự án cũ.