Người ta thống kê được số mưu sĩ hạt nhân và mưu sĩ cấp thấp trong suốt đời Tào Tháo có đến 102 người. Bởi vì Tào Tháo có nhiều thắng lợi vẻ vang được ghi chép lại, thống nhất được vùng lãnh thổ rộng lớn nhất, nên Tào Tháo cũng được mô tả là người dùng người giỏi nhất. Rất nhiều huyền thoại về tài năng dùng người của Tào Tháo cũng vì thế mà ra đời.
Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy là chỉ thấy được một khía cạnh thành công. Trên thực tế, sự nghiệp của Tào Tháo đến một giai đoạn nhất định thì đã ngưng phát triển. Lý do là gì? Những huyền thoại về tài dùng người của Tào Tháo thực ra là thế nào?
Huyền thoại hấp dẫn
Dịch Trung Thiên chỉ ra rằng các mưu sĩ quan trọng thời kỳ đầu của họ Tào đều là tự mình đến với Tào Tháo, như Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục, Giả Hủ. Đó là bởi vì Tào Tháo có sức hấp dẫn. Quách Gia đã tuyên bố: “Bậc trí giả khéo ở việc chọn chủ, cho nên trăm lần mưu việc là trăm lần toàn vẹn mà công danh có thể lập được”.
Quách Gia chê Viên Thiệu “chưa biết mấu chốt của việc dùng người” rồi chạy sang chỗ Tháo, khen Tháo “thật là chủ của ta”. Điều đó hàm ý Tào Tháo dùng người giỏi hơn Viên Thiệu và có sức hấp dẫn nhân tài chân chính. Tuy nhiên, cái sức hấp dẫn ấy là điều hết sức đáng ngờ.
Trong số những người chạy sang với Tào Tháo, chỉ có Giả Hủ đúng là đơn thuần chọn chủ (mà chưa chắc Hủ đã chọn đúng). Tuân Úc, Quách Gia rời doanh Viên Thiệu đều có lý do khác. Tuân Úc rời đi là vì lý do chính trị (Úc chủ trương phò Hán). Quách Gia rời đi lại là vì lý do không gian.
Quách Gia là loại mưu sĩ muốn chủ nhất nhất phải nghe mình (trăm lần mưu việc là trăm lần toàn vẹn), muốn như vậy thì phải gặp loại chủ chưa hề có chiến lược sách lược gì cả. Viên Thiệu thì đã sớm có sẵn Long Trung đối. Quách Gia lại là nhân tài lớp sau, khó lòng chen chân trong đám hiền tài mà Viên Thiệu tập hợp. Nhưng đúng như Dịch Trung Thiên nói: Chuyện Trình Dục về với Tào Tháo mới thú vị.
Trình Dục được hai đời quan Duyện Châu mời gọi. Trình Dục từ chối lời của Lưu Đại, nhưng Tào Tháo vời thì Dục đi ngay. Người làng thấy lạ, hỏi Dục, Dục chỉ cười không đáp. Dịch Trung Thiên đã dẫn nó ra như một minh chứng về sức hấp dẫn của Tào Tháo. Tương tự câu chuyện Trình Dục còn có chuyện của Điền Trù.
Điền Trù ở ẩn trong núi, Viên Thiệu năm lần đưa lễ tới mời, Trù đều không ra. Nhưng sứ giả của Tào Tháo tới thì Trù liền ra ngay. Môn hạ của Trù hỏi, Trù cười, chỉ đáp rằng: “Đó không phải là thứ mà ngài hiểu được”. Vậy thứ chúng ta không hiểu được đó là gì?
Đường Canh thời Bắc Tống đã giải thích hàm nghĩa của câu chuyện Điền Trù. Ông nói rằng nguyên nhân Điền Trù không nói là vì “khó mở lời”. Nếu thực sự Điền Trù, Trình Dục bị Tào Tháo hấp dẫn thì có gì mà phải khó mở lời? Đường Canh dẫn một câu chuyện: “Xưa Hán đế hỏi Ngô Lương rằng: “Tiên đế triệu khanh không tới, mà lại quay lưng theo Phiêu Kỵ làm quan là sao?”.
Tào Tháo không phải kiểu người có thể hấp dẫn danh sĩ, mà thường xung đột với danh sĩ. |
Lương nói: “Tiên đế lấy lễ đối đãi, nên thần dùng lễ để tiến lui. Phiêu Kỵ dùng pháp luật để kiềm chế, nên thần vì pháp luật mà chịu khuất ông ta”. Đường Canh cho rằng “dụng ý của Điền Trù cũng thế thôi”.
Dưới thời Viên Thiệu cầm quyền, pháp lệnh khoan hòa. Thiệu dùng lễ đối đãi, nên Điền Trù từ chối để làm trọn chí mình. Nhưng dưới thời Tào Tháo thì “thích pháp, thuật”, trọng hình phạt nên không đến sẽ bị xui xẻo. Nói như Đường Canh: “Họ Tào đòi gấp, nên Trù không dám không đến. Tới không phải là vì mộ nghĩa. Bởi thế trọn đời không nhận tước phong. Trù tuy không nói; nhưng lời nói đã ẩn trong đó vậy”.
Thực vậy, Điền Trù chỉ ra mặt bôi bác với Tào Tháo một thời gian, rồi thà chết chứ không nhận tước phong. Trình Dục cũng vậy. Ông ta giúp đỡ Tào Tháo một thời gian, rồi cũng từ quan về nhà đóng chặt cửa, đến thời Ngụy Văn đế mới tái xuất. Điều đó cho thấy, cái gọi là sức hấp dẫn của Tào Tháo là hết sức có vấn đề. Tào Tháo không phải là kiểu người có thể tự mình hấp dẫn danh sĩ trí thức. Thậm chí lúc Tháo chưa trở thành quân phiệt có vốn liếng, có danh sĩ còn nhất quyết không kết giao với Tào Tháo.
Người giúp đưa Tào Tháo đến với giới danh sĩ chính là Tuân Úc. Tuân Úc đã tiến cử rất nhiều người cho Tào Tháo dùng. Mấy mưu sĩ đầu tiên của Tào Tháo như Hí Chí Tài, Quách Gia, Tuân Du đều là Úc tiến cử. Những người này đều hết lòng với Tào Tháo đến chết, là bộ khung trí tuệ quan trọng của Tào Tháo. Những người do Tháo đích thân tuyển chọn hoặc hấp dẫn thì không được như vậy. Phần sau sẽ nói đến.
Huyền thoại nhìn người
Huyền thoại thứ hai về Tào Tháo là câu chuyện nhìn người chuẩn xác. Vương Thẩm tán tụng Tháo “khéo biết người, khó ai dối lừa che mắt được”. Sự thật là Tào Tháo đã nhìn sai rất nhiều người, tiêu biểu là vụ Trương Mạc.
Trương Mạc là bạn đồng chí của Viên Thiệu, nhưng Tam quốc chí lại mô tả như thể Thiệu và Mạc có mâu thuẫn. Vì lúc ở liên quân Quan Đông “Thiệu có khí sắc kiêu căng”, Trương Mạc “lấy lời chính đáng trách Thiệu”, nên thành ra hiềm khích. Thiệu từng sai Tào Tháo giết Trương Mạc.
Tuy nhiên, đó là những điều mà hai người này diễn cho thiên hạ xem. Bằng chứng là sau khi Thiệu lấy Kí Châu đã từng sai sứ sang chỗ Trương Mạc, hai bên nói chuyện thân thiết đến nỗi Kí Châu mục cũ là Hàn Phức tưởng là đang mưu hại ông ta, sợ quá, phải chạy vào nhà xí tự sát! Tào Tháo nhận được lệnh của Viên Thiệu, không giết Mạc mà còn trách ngược lại Thiệu.
Tháo tuyên bố Mạc “là thân cận bằng hữu của ta”. Thế là, Trương Mạc và Tào Tháo đã thân càng thêm thân. Lúc Tháo đi đánh Đào Khiêm đã dặn dò rằng: “Nếu ta không về (ý nói chết), hãy đến nương nhờ Mạnh Trác”. Trương Mạc được Tào Tháo tin tưởng như thế. Nhưng gian hùng Tào Tháo hết sức ngây thơ, không biết là mình bị lừa. Tháo vừa quay lưng đi, Trương Mạc liền dắt Lữ Bố về cướp Duyện Châu của Tào Tháo!
Nguyên nhân khiến Tháo mất Duyện Châu là vì quá ngây thơ tin người và bị lừa |
Tào Tháo không chỉ ăn một quả đắng Trương Mạc. Ông ta nghe tin này, bảo rằng: “Chỉ có Ngụy Chủng là không phản ta”. Ai ngờ Ngụy Chủng cũng chạy theo Trương Mạc. Người nhà Tất Kham bị Trương Mạc bắt, Tháo bảo Kham nên sang đó đầu hàng. Kham ở trước mặt Tháo lạy lục, khóc lóc nói sẽ không hàng. Tháo cũng cảm động đến rơi lệ. Tháo vừa quay lưng đi thì Tất Kham cũng bỏ đi đầu hàng nốt. Lưu Bị sang hàng Tào Tháo.
Trình Dục, Quách Gia đều khuyên nên đề phòng. Tháo bỏ ngoài tai, hết sức thân thiết, ra vào thì ngồi cùng xe, còn sai đi đánh Viên Thuật. Rốt cuộc Lưu Bị vừa tới nơi đã giết Xa Trụ, chiếm Từ Châu, xui Viên Thiệu đánh úp huyện Hứa! Ngay cả một trong ngũ lương tướng của Tào Tháo là Vu Cấm cũng từng làm Tháo kinh ngạc. Vu Cấm bị Quan Vũ vây khốn, liền bỏ đi hàng Quan Vũ. Tháo trố mắt, nói: “Ta biết Cấm đã ba mươi năm nay, ngờ đâu lúc lâm nguy ở chỗ gian khó, lại chẳng được như Bàng Đức sao!”.
Tô Đông Pha từng nhận xét: “Ngụy Vũ giỏi liệu việc mà không giỏi liệu người. Bởi thế nên có lúc coi trọng đối phương mà công lao tiêu tán, có lúc coi nhẹ đối phương mà đi đến chỗ bại”. Cái gọi là “khéo nhìn người, khó ai dối lừa che mắt được” – e rằng chỉ là lời của kẻ nịnh thần khi triều đại đã suy tàn mà thôi (Vương Thẩm viết Ngụy thư sau khi Tư Mã Ý giết Tào Sảng).
Xung quanh Tào Tháo hãy còn rất nhiều huyền thoại, chẳng hạn như câu chuyện “tự mình khắc chế tình cảm, mưu cầu sách lược, không kể là kẻ thù cũ” hay câu chuyện “có tài là dùng”. Sự thật như thế nào?
(Mời xem tiếp số sau)
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu