Tất tả diệt hoạn quan
Khi viết truyện về Đổng Trác, Trần Thọ đã không nhắc đến một sự thật là Đổng Trác đã nhiều lần được tiến cử lên triều đình, nhưng không lần nào ông ta đi nhậm chức. Theo Ngô thư, Thứ sử Tinh Châu Đoàn Quýnh từng tiến cử Trác vào công phủ, mà Tư đồ Viên Ngôi cũng gọi Trác tới làm quan Duyện cho mình. Linh đế kỷ cũng nói năm Trung Bình thứ năm, triều đình gọi Trác về làm Thiếu phủ, qua năm sau lại gọi đi làm Tinh Châu mục.
Cả hai lần Đổng Trác đều dâng thư từ chối. Lý do mà ông ta đưa ra là vì “quan binh hăng hái, mến ân nghĩ cách báo đáp, đều níu giữ bánh xe của thần”, “thần chấp chưởng việc binh nhung đã mười năm, sĩ tốt lớn nhỏ, quen nhau đã lâu, quyến luyến cái ân nuôi dạy của thần”. Kết quả, Đổng Trác “xin được làm tướng ở trong châu, ra sức báo đáp nơi biên thùy”.
Thực vậy, cơ sở chính trị của Đổng Trác là người Quan Tây. Đổng Trác gần gũi và thân thiết với cừ soái người Khương. Ông ta không muốn rời bỏ địa bàn hoạt động quen thuộc để tới làm chính trị ở một địa bàn xa lạ. Đó là việc rất dễ hiểu. Đổng Trác quả thực từng làm việc ở phía đông (lúc còn trẻ làm Vũ Lâm lang, rồi sau đó đi đánh Khăn Vàng), nhưng đó gần như chỉ là những sự việc mang tính thời vụ.
Cuối cùng Đổng Trác đều tìm cách quay về địa bàn quen thuộc. Điều kỳ lạ là tuy hai lần từ chối về triều đình làm quan, nhưng “đúng lúc được Hà Tiến triệu gọi” thì Đổng Trác đi ngay. Nói như Hậu Hán thư thì là “Trác được chiếu, lập tức lên đường”.
Động cơ của Đổng Trác là khá rõ ràng. Ông ta không về triều để mưu cầu vinh hoa phú quý, mà là để góp một phần sức trừ họa cho đất nước. Trần Thọ khi chép lại tờ biểu của Đổng Trác dâng lên Hán Thiếu đế chẳng thèm đả động gì đến nỗi lòng của Đổng Trác, nhưng phần biểu văn còn được chép trong Điển lược thì có nói rõ.
Đổng Trác kể lể tội trạng của hoạn quan Trương Nhượng, rồi nói “thần khi trước phụng mệnh đánh Ư Phù La, tướng sĩ đói khát, chẳng chịu vượt sông, thảy đều nói muốn tới kinh sư, trước giết bọn yêm hoạn để trừ hại cho dân, rồi tới chốn đài gác cầu xin phân xử. Thần phải tùy cơ mà vỗ về cho đến tận Tân An”. Đổng Trác và tướng sĩ của ông ta cũng là nạn nhân của Thập thường thị. Vì vậy, khi nghe tin có cơ hội diệt Thập thường thị thì Trác liền xuất binh ngay.
Lữ Bố giết Đinh Nguyên: thời điểm đó Đinh Nguyên rất gần với phản tặc, còn Đổng Trác thì chính là trung thần |
Đổng Trác được gọi về triều làm quan thì không chịu, nhưng gọi về dẹp giặc thì lại rất hăng hái. Hậu Hán thư chép, Trác tiến quân tới Thằng Trì. Hà Tiến lại hồ nghi không quyết, sai Chủng Thiệu bưng chiếu thư tới bắt Trác dừng quân. Đổng Trác không nghe theo, bèn tiến quân tới Hà Nam. Chủng Thiệu đón đường úy lạo, rồi bảo rằng có chiếu thư sai đưa quân về.
Trác nghi là có biến cố gì, mới đưa quân sĩ tới bức bách Thiệu. Thiệu nổi giận, bảo là có chiếu thư, lớn tiếng quát nạt. Quân sĩ dạt ra. Thiệu tiến lên trách cứ Trác. Đổng Trác xin lỗi, rồi lui quân về đình Tịch Dương ở phía tây thành Hà Nam. Hiến đế xuân thu cho biết sau đó Trác lại dẫn quân tới vườn Hiển Dương ở phía tây Lạc Dương.
Điều Đổng Trác nghi ngờ là chính xác. Hà Tiến do dự không quyết, cuối cùng đã bị Thập thường thị đánh úp, đầu thân hai ngả. Viên Thiệu, Viên Thuật dẫn quân bản bộ đánh thẳng vào cung, chém giết loạn cả lên. Đoàn Khuê, Trương Nhượng bắt Hán Thiếu đế và Trần Lưu vương Lưu Hiệp, rồi rời kinh thành chạy lên phía bắc. Lư Thực đuổi theo bức chết bọn Khuê, Nhượng, nhưng Thiếu đế và Trần Lưu vương lại chạy ra Bắc Mang (cách phía bắc phủ thành Hà Nam bảy mươi dặm). Đổng Trác nghe tin bèn đem quân tới đón.
Biểu tượng trung thần
Cuộc gặp gỡ giữa Đổng Trác và triều đình nhà Hán là rất đặc biệt. Điển lược chép, khi trông thấy Trác dẫn mấy ngàn quân tới, các quan bảo rằng: “Có chiếu lui binh!”. Đổng Trác liền nói: “Các ông là đại thần quốc gia, chẳng thể khuông phò vương thất, đến nỗi khiến quốc gia chao đảo, ta sao lui binh được!”. Anh hùng ký nói thêm, Thái úy Thôi Liệt lớn tiếng bắt tránh ra.
Trác mắng lại: “Ta đêm ngày vượt ba trăm dặm tới đây, sao lại bảo “tránh”? Ta chẳng thể chém đầu khanh ư?”. Đoạn rồi, Đổng Trác tiến lên, nói với Thiếu đế: “Bệ hạ, kẻ khiến cho bọn Thường thị, tiểu hoàng môn làm loạn là người, đến nỗi mới rước họa thua bại, lỗi ấy không nhỏ đâu”.
Đổng Trác vừa gặp triều đình đã liền chỉ ngay ra trách nhiệm của tất cả bọn họ. Hoàng đế thì dung túng hoạn quan, đại thần thì bất tài. Đổng Trác tới đây là để nắn sửa. Đổng Trác mắng Thôi Liệt, cũng là mắng biểu tượng của sự hủ bại trong quan trường Đông Hán. Câu nói “chính trường tanh tưởi hơi đồng” là từ Thôi Liệt mà sáng tạo ra, vì chức quan của Thôi Liệt là nhờ mua bán mới có được.
Thôi Liệt đã đưa tiền cho Trình phu nhân – bảo mẫu của Hán Linh đế - để mua chức Tư đồ. Nhờ đó Liệt mua được chức chỉ với nửa giá “thị trường”. Nhưng sau này hoàng đế hối hận, lại hạch hỏi Trình phu nhân. Bà ta phải khai thật ở giữa triều đình khiến Thôi Liệt mất mặt. Ngay cả con trai Liệt là Thôi Quân cũng bảo rằng “trên người đại nhân có mùi đồng thối”.
Thôi Liệt nổi giận đùng đùng, đuổi đánh con trai. Thôi Quân là võ tướng, mặc gáp trên người, lúc bỏ chạy thì các lá đồng trên áo giáp chạm vào nhau kêu leng keng như chọc tức Thôi Liệt. Thử hỏi làm sao Đổng Trác có thể yên tâm giao nhà Hán cho bọn người đó để rồi trở về?
Đại thần đã vô dụng thì hoàng đế cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Linh đế kỷ chép: Đổng Trác nói chuyện với Thiếu đế. Thiếu đế lúc này mười bốn tuổi, nhưng “chẳng thể nói rõ ràng”. Đổng Trác bèn quay sang nói chuyện với Trần Lưu vương Lưu Hiệp, “hỏi họa loạn do đâu mà nổi lên”. Lưu Hiệp lúc này chín tuổi, nhưng “đáp lời, từ khởi đầu cho đến chung cuộc, chẳng hề sai sót”.
Sự khác biệt là quá rõ ràng. Hán Thiếu đế nắm giữ vận mệnh nhà Hán, nhưng lại vừa có lỗi dung túng hoạn quan, vừa u mê không biết được đầu mối của trị loạn, làm sao có thể giao phó triều đình cho ông vua như thế, bề tôi như thế?
Vào Đổng Trác đón Hán Thiếu đế về thì vai trò của ông ta chính là trung thần số một |
Cho đến tận lúc này, chúng ta vẫn chưa thể thấy bất kỳ biểu hiện gian tặc nào của Đổng Trác. Nếu nói một cách công bằng, chúng ta phải thừa nhận rằng Đổng Trác vào kinh không phải để làm loạn, mà để dẹp loạn sửa sang triều chính. Bấy giờ Đổng Trác chỉ có ba ngàn quân trong tay. Nhưng Đổng Trác lại là nhân vật duy nhất có khả năng tập hợp lực lượng.
Hoạn quan bị tiêu diệt, nhưng Hà Tiến và em trai ông ta là Hà Miêu cũng bị giết. Số quân do họ cai quản chẳng đi theo ai khác mà cùng nhau tới theo Đổng Trác. Cùng được Hà Tiến triệu gọi còn có Vũ Mãnh đô úy Đinh Nguyên, nhưng Trác chỉ nói mấy câu thì thuộc hạ thân tín của Đinh Nguyên là Lữ Bố liền giết Đinh Nguyên, về hàng Đổng Trác.
Trong số ba lộ quân được Hà Tiến gọi về, chỉ có Đổng Trác hành xử thông minh nhất. Vương Khuông đi nửa đường, nghe tin kinh sư có biến thì liền quay trở về. Đinh Nguyên thì nghe theo lời Viên Thiệu, đi đốt mạc phủ và nhà dân ở ven sông chỗ bến Mạnh Tân, có khác gì làm loạn?
Chỉ có Đổng Trác là đường hoàng dâng sớ thông báo, tiến quân rõ ràng. Đổng Trác còn đón được Hán Thiếu đế đem về kinh sư, có thể xem là anh hùng cứu chúa, là trụ cột của Hán thất. Đổng Trác chẳng sỗ sàng đưa quân vào kinh, mà trở về đóng đồn ở vườn Hiển Dương. Hán Thiếu đế bèn sai sứ tới bái Đổng Trác làm Tư không.
Vào lúc đang ở trên đỉnh danh vọng, Đổng Trác lại gây ra hai tội ác tày trời khiến cho ông ta trượt dài trên đường thất bại. Tội ác thứ nhất là phế hôn quân, lập minh quân. Tội ác thứ hai là trọng dụng hiền tài. Rốt cuộc vì sao lập minh quân, dùng hiền tài lại khiến cho Đổng Trác thất bại?
(Mời xem tiếp số báo sau)