Bình minh vẫn còn chưa ló dạng mà họ đã đứng đón những cơn gió lạnh trên chiếc sân nhà tù mọc đầy cỏ dại. Họ gồm 11 người lính Pháp thuộc trung đội quản giáo. Họ không biết sẽ xử bắn ai và bất giác căng thẳng khi nhìn thấy một người phụ nữ cao mặc chiếc áo dài, đội mũ rộng vành choằng khăn voan bước ra.
Nhìn thẳng vào họng súng
Lúc này mỗi người trong số 11 binh sĩ đều thầm hy vọng trong nòng súng của họ là viên đạn không đầu (để lương tâm người lính khỏi bị bứt rứt, người ta giao cho họ những khẩu súng đã nạp đạn sẵn và nói trong buồng đạn của một trong những khẩu súng đó có một viên đạn giả).
Chạy lon ton cạnh người phụ nữ đó là vị cha cố của nhà tù - cha Arbo. Ông đang lầm rầm cầu nguyện cứu rỗi. Không ai nói gì với nữ tử tội là phải đứng ở đâu, cô ta tự chọn lấy chỗ đứng trước hàng lính - không xa quá, không gần quá so với quy định.
Một trong các sĩ quan lại gần và đưa cho cô ta chiếc băng đen bịt mắt. “Cái này cần đến thế sao?” - người phụ nữ ngạc nhiên nhướng mày hỏi. Viên sĩ quan lúng túng vì không biết trả lời thế nào nên đành liếc mắt dò hỏi vị luật sư bào chữa của phạm nhân, tiến sĩ Kliune, người đang đứng bên trái cô ta, giữa một nhóm người nhỏ đến chứng kiến cuộc hành quyết. “Đây là điều thực sự cần thiết ư, thưa ngài? - vị luật sư bào chữa đến gần và hỏi lại. “Đối với chúng tôi thì chả quan trọng gì...”.
Một sĩ quan nữa đến gần mang theo sợi dây. Vị luật sư nhăn mặt: “Tôi không nghĩ rằng, thân chủ của tôi muốn bị trói tay đâu...”. Cả hai người sĩ quan, còn đứng sau họ là vị luật sư bào chữa và vị cha cố đều đứng tránh ra khỏi người phụ nữ.
Quang cảnh Mata Hari bị quân đội Pháp xử bắn vì bị kết tội làm gián điệp. |
Binh lính được dẫn ra khỏi sân nhà tù. “Có ai muốn nhận tử thi của người bị hành quyết không?” Viên trung uý nhắc lại câu hỏi ba lần. Im lặng. Viên sĩ quan liếc nhìn ông luật sư. Ông này nhún vai vung tay. Vào sáng sớm ngày 15 tháng 10 năm 1917, cuộc đời của cô gái Hà Lan Margarete Zelle, người đã đi vào lịch sử dưới cái tên Mata Hari (Mata Hari, tên thật là Margarete Gertrud Zelle (1876-1917), gái điếm hạng sang bị kết tội gián điệp trong Thế chiến I (1914-1918).
Năm 1907, cô ta trở thành gián điệp của Đức, đã học trường gián điệp ở Lorrach. Bị Pháp kết tội gián điệp và hành quyết tháng 10 năm 1917 - ND), đã chấm dứt như thế đấy...
Theo cái huyền thoại ly kỳ trộn lẫn những điều bịa đặt, tưởng tượng và một ít sự thật thì Mata Hari là ngôi sao gián điệp của mọi thời đại và mọi dân tộc. Nhưng có phải cô ta có thực là tình báo viên vĩ đại không? Đó là điều còn tranh cãi cho tới tận bây giờ, ba phần tư thế kỷ sau khi cô ta bị hành quyết.
Những sự thật pha trộn
Nhưng việc Mata Hari là một gái điếm hạng sang vĩ đại làm gián điệp ở cấp cao thì lại là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng còn những gì nữa? Không thể xác định được sự thật chân chính về người đàn bà huyền thoại này là vì những nguyên do sau:
thứ nhất, bản thân Mata Hari là một kẻ lừa dối vô song;
thứ hai, những câu chuyện về những hành động của ít nhất ba nữ gián điệp nữa thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã được thêu dệt để pha trộn một cách vô vọng vào truyền thuyết về Mata Hari;
và thứ ba, hiện nay không thể tách phần sự thật ra khỏi những điều tưởng tượng còn bởi vì tham gia vào việc tạo ra truyền thuyết về Mata Hari còn có những yếu tố cực kỳ nặng ký như tài lừa dối của bản thân cô ta; phản ứng tự vệ của giới thượng lưu lo sợ những phát giác tai tiếng; trí tưởng tượng phong phú của các nhà báo và ngành nghề thu nhập cao của các nhà viết kịch bản ở Hollywood.
Gương mặt khả ái của nữ điệp viên Mata Hari. |
Margarete Gertrud Zelle, nổi tiếng dưới cái tên Mata Hari, sinh ngày 7 tháng 8 năm 1876 tại thị trấn Leeuvarden của Hà Lan. Cha mẹ cô là những người nông dân khả kính và khá giả.
Người mẹ thậm chí là người xuất thân từ một dòng họ danh giá. Người cha có vẻ ngoài bảnh trai, tính cách thô lỗ và có lẽ trong huyết quản của ông ta chảy khá nhiều máu Do Thái. Nhưng trên hết, trong các tổ tiên của nữ gián điệp tương lai có một người Indonesia nào đó, điều thường thấy ở nước Hà Lan đương đại sau hàng thế kỷ nô dịch thuộc địa này.
Cha của cô gái đã vứt bỏ truyền thống gia đình, lao vào kinh doanh. Nhưng việc buôn bán chẳng đem lại cho ông cả những núi tiền, lẫn vinh quang. Sau khi vợ chết, ông chuyển tới Amsterdam. Cho đến lúc đó, cô bé Gerda 14 tuổi đã trông như một thiếu nữ xinh đẹp 17 tuổi. Đàn ông cứ như nam châm bám vào cô gái cao ráo, tóc đen lớn trước tuổi với khí chất hơi phương Đông còn ngủ yên này.
Cô tá không muốn mong mỏi cái gì quá danh phận một cô giáo. Nhưng vị hiệu trưởng trường đại học sư phạm đã chết mê chết mệt cô gái. Gerda chạy đến chỗ nguời dì mình ở Lahay và ở đó, ở lứa tuổi 18, cô đã làm quen với người chồng tương lai của mình.
Viên đại uý 39 tuổi Rudolf Makleod từ thuộc địa mà anh ta đóng quân về nước nghỉ phép. Anh ta là người có học, dũng cảm và độc thân. Về cuộc hôn nhân của anh ta hiện có một truyền thuyết nhỏ như một mắt xích của một huyền thoại lón về Mata Hari.
Hình như bạn bè đã quở trách anh ta về tính ích kỷ thâm căn cố đế và một trong số họ đã tuyên bố với tờ báo tìm bạn đời. Có 15 người hồi đáp, người cuối cùng là Gerda Zelle. Tuy nhiên, sự hấp dẫn nữ tính của cô đã hiển hiện ngay trên giấy; viên đại uý để ý đến chính cô.
Họ đã gặp nhau tại Viện Bảo tàng Quốc gia Lahay. Người mà anh ta chờ đợi được gặp là một cô thôn nữ bé nhỏ, nhưng xuất hiện trước mắt anh ta lại là một phụ nữ trẻ cao với đội môi gợi cảm và đôi mắt đen sắc lẻm. Chiếc áo dài mỏng dính dường như là giành cho những người không có đầu óc tưởng tượng.
Vài lá thư của Gerda cho Makleod đã được giữ lại. Những lá thư ấy thật cháy bỏng và cuồng nhiệt. Sáu tuần lễ sau lần gặp gỡ đầu tiên, họ đã đính hôn, nhưng trước đó cô đã là tình nhân của anh ta.
Gia đình Makleod phản đối sự lựa chọn của anh ta và không phải là không có lý do. Nhưng cả viên đại uý và cả cô gái đều đã mê mẩn tâm thần. Khi họ cưới thì cô Mata Hari tương lai đã có thai.
(Còn tiếp)