Không chỉ người dân ở TP du lịch Vũng Tàu mà rất đông “cư dân mạng” từng ghé thăm trang web mang một cái tên khá ấn tượng “Socolasex.com” - một “vũ khí” lợi hại góp phần rất lớn vào “cuộc chiến” phòng chống HIV/AIDS. Nhưng, rất ít người biết về chủ nhân đích thực của trang web này.
Từ một nạn nhân của dịch bệnh thế kỷ…
Đã từng nghe giới thiệu rất nhiều về trang web độc đáo, lạ và rất có ý nghĩa này nhưng tôi không ngờ người khởi xướng và xây dựng lên nó lại là một phụ nữ nhỏ bé, có bề ngoài không hề ấn tượng này.
Chị là Đặng Thị Chinh (sinh năm 1965, ở TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Sinh ra trong một gia đình viên chức, cuộc sống của chị sẽ yên ả trôi đi nếu như số phận không đưa đẩy chị gặp anh, lấy anh và làm dâu trong một gia đình có tới ba người nghiện hút ma túy. Theo lời chị kể, khi về nhà chồng rồi chị mới biết cả chồng, anh chồng và em trai chồng chị đều “dính” vào ma túy. Và đau xót hơn khi em trai chồng chị bị nhiễm HIV và mãi mãi ra đi vì căn bệnh thế kỷ này.
Bản thân đã từng trải qua nỗi đau quá lớn này trong một gia đình, lại trực tiếp khuyên răn, động viên, chăm sóc và phục vụ ngần ấy con người trong những lần trọng bệnh, cai nghiện; rồi trực tiếp chứng kiến phút lâm chung của cậu em chồng nên chị quá hiểu về căn bệnh này cũng như những hậu quả và ám ảnh nặng nề của nó đối với người mắc bệnh cũng như cộng đồng và xã hội. Tất cả điều ấy đã thôi thúc chị đi đến một quyết định...
Chị Chinh.
... Tham gia chống AIDS
Được một người bạn làm đang làm ở Dự án Lifit (một dự án về phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương) giới thiệu, chị Chinh được nhận vào làm tuyên truyền viên đồng đẳng (TTVĐĐ) của Dự án. Công việc của Chinh là đi tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những nhóm có hành vi nguy cơ cao về HIV/AIDS (nghiện, chích ma túy, hoạt động mại dâm...) và phân phát bao cao su, bơm kim tiêm để hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm HIV/AIDS trong những nhóm này và từ nhóm này ra cộng đồng, xã hội.
Công việc này, nghe thì rất dễ, nhưng khi bắt tay vào làm rồi mới thấy oải. Ngày mới đi làm, Chinh không tài nào tiếp cận được với các đối tượng đích. Nhưng, sau khi được tập huấn, bản thân tự trau dồi kiến thức, đặc biệt với sự quyết tâm và kiên trì của mình, chị đã chinh phục được các khách hàng, dù là khách hàng gai góc nhất.
Chị kể, có trường hợp một chị từ Campuchia về biết mình bị nhiễm HIV đã rất bất mãn. Tuyên truyền, động viên thế nào, chị ta cũng không nghe và nhất định đòi “trả thù đời”, thậm chí còn rủa: “Đàn ông là gì, cho chúng nó chết hết đi!”. Khi đưa bao cao su ra, chị này quẳng ngay đi nên Chinh đoán: “Cô này chắc có lý do đặc biệt đây?”. Sau nhiều lần gọi điện thoại nhưng không được tiếp chuyện, chị quyết định tiếp cận quán café - nơi cô gái làm, lân la làm quen. Năm lần bảy lượt, cô gái vẫn từ chối nhưng “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng cô cũng nhận ra sự chân tình và lòng tốt của chị, thậm chí chủ động kể cho Chinh nghe về cuộc đời “ba chìm, bảy nổi” của mình.
Vì đua đòi, ham chơi, cô phải gánh một khoản nợ khổng lồ. Để có tiền trả nợ, cô đã nghe lời bạn vượt biên sang Campuchia, rồi bị lừa bán vào một ổ mại dâm. Do chủ quan, cô đã bị nhiễm HIV. Khi sức khỏe suy sụp, cô trở về nước tiếp tục con đường cũ và nung nấu quyết tâm trả thù những kẻ đã reo rắc bệnh cho mình. Nhưng, sau khi nghe chị Chinh động viên và tư vấn, cô đã hiểu ra, đồng thời tìm đến với các biện pháp an toàn khi quan hệ với khách rồi dần dà tạo lập cuộc sống mới...
Chị Chinh tâm sự với PV về công việc của mình
Khai sinh trang web đầu tiên về HIV/AIDS của Vũng Tàu
Trong quá trình tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là tiếp xúc với các đối tượng đích, Chinh nhận ra một điều: Chị em rất ngại gặp gỡ trực tiếp với các TTVĐĐ vì sợ bị mọi người kỳ thị. Mặt khác, chị biết Vũng Tàu đang bức xúc về tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm MSM (nhóm quan hệ đồng tính nam). Trong khi đó, nhóm này rất ngại lộ diện để tìm hiểu thông tin về HIV/AIDS. Chính vì thế, chị đã nghĩ đến việc sẽ thành lập một trang Web về lĩnh vực này. Đây sẽ là nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ, tìm hiểu thông tin về HIV/AIDS mà không bị ai nhòm ngó.
Nghĩ là làm, được sự tư vấn và hỗ trợ của các thành viên Dự án Lifit, World Bank, đồng nghiệp, đặc biệt là sự trợ giúp về kỹ thuật của cô con gái lớn (23 tuổi), trang web về HIV của Chinh đã ra đời vào tháng 9/2010. 200 lượt truy cập trang web mỗi ngày (trong đó 2/3 là cư dân Vũng Tàu, 1/3 là các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Sóc Trăng...) là món quà và nguồn động viên rất lớn đối với hai mẹ con chị.
Chị tâm sự: “Lúc đầu cũng sợ lắm. Sợ không làm nổi, nhưng không ngờ các thành viên mạng lại ủng hộ nhiệt tình thế nên mình cũng thấy phấn khích...”. Để nuôi nấng “đứa con tinh thần” của mình, ngày nào chị Chinh cũng dậy từ rất sớm để viết bài, post bài lên mạng, tìm kiếm thông tin về HIV/AIDS để cung cấp cho các thành viên; lọ mọ đến Trung tâm Phòng, chống AIDS Vũng Tàu nhờ trả lời các câu hỏi khó của thành viên về lĩnh vực này...
Nói về dự định sắp tới của mình, chị bảo sẽ tạo một phòng chát dành riêng cho các MSM, học sinh để họ dễ dàng tâm tình, tìm kiếm thông tin. Chị còn dự định sẽ liên hệ với các khách sạn, nhà hàng lớn để quảng cáo cho họ để có kinh phí duy trì và phát triển trang web với mong muốn sẽ có nhiều người hơn biết về HIV/AIDS.
Bên cạnh việc thành lập trang web về lĩnh vực HIV, chị vừa khánh thành điểm tuyên truyền và phân phát bao cao su miễn phí tại nhà một người dân hảo tâm xã Long Sơn - giáp ranh với TP.Vũng Tàu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại của đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, kêu gọi tài trợ, đóng góp của các cá nhân và nhà hảo tâm tặng quà cho bệnh nhân AIDS nghèo... Những công việc cũng như các dự định mà chị đã, đang và sẽ làm để ngăn chặn “cơn bão AIDS” còn rất nhiều. Tôi tin chắc rằng, chúng sẽ không phụ lòng tin, công sức và nỗ lực không biết mệt mỏi của chị...
Hồng Trà