Sắp về hưu có được vay mua nhà ở xã hội?
Bạn Phan Anh (Vĩnh Phúc): Thời hạn cho vay của chương trình nhà ở xã hội là tối thiểu 15 năm, tối đa 25 năm. Tôi chỉ còn có 7 năm công tác nữa thì về hưu. Liệu tôi có được vay tiền từ chương trình này hay không?
- Ngân hàng Chính sách xã hội trả lời: Trong các văn bản quy định của pháp luật về đối tượng, điều kiện, hồ sơ thủ tục được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thì không quy định về thời gian công tác còn lại để được hưởng chính sách ưu đãi này. Vì vậy, trường hợp như anh/chị nói trên sẽ được NHCSXH xem xét cho vay nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Tôi có thể được vay bao nhiêu?
Bạn Bình An (Quảng Bình) hỏi: Tôi mới mua được mảnh đất 50m2 với giá 750 triệu đồng. Hiện tôi có nhu cầu vay vốn chương trình nhà ở xã hội để xây nhà. Tôi là viên chức ở một đơn vị thuộc Sở, còn vợ tôi là giáo viên. Thu nhập của cả hai vợ chồng là 10 triệu đồng/tháng. Dự kiến xây nhà hết 500 triệu đồng. Tôi có thể vay được bao nhiêu tiền từ chương trình này?
- Ngân hàng Chính sách xã hội trả lời: Tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: đối với trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay; Tại khoản 6 Văn bản số 2526/NHCS-TDSV ngày 27/7/2016 của Tổng Giám đốc NHCSXH quy định thời hạn cho vay: “Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Thời hạn cho vay cụ thể với từng người vay vốn được tính bằng tổng số tiền vay chia cho mức trả nợ hàng tháng. Mức trả nợ hàng tháng do NHCSXH nơ cho vay và người vay vốn thỏa thuận”.
Như vậy, việc xác định mức cho vay tối đa, NHCSXH căn cứ giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và giá trị tài sản bảo đảm tiền vay đảm bảo không vượt quá 70% các giá trị đó; căn cứ vào khả năng dành nguồn vốn để trả nợ hàng tháng trong tổng thu nhập của gia đình và thời gian cho vay. Trường hợp này, do chưa biết cụ thể các nội dung nói trên nên không thể trả lời chính xác số tiền mà NHCSXH sẽ cho vay.
Nếu muốn biết cụ thể số tiền mà NHCSXH có thể cho vay, anh/chị có thể liên hệ với chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh/Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện nơi đang cư trú để trao đổi và được tính toán số tiền cho vay cụ thể.
Xong thủ tục mua nhà ở xã hội mà chưa được vay, phải làm thế nào?
Bùi Anh (Phú Thọ) hỏi: Theo hướng dẫn về thủ tục cho vay của NHCSXH, khi ký Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản, người vay vốn phải xuất trình bản gốc: Giấy tờ chứng minh đã đóng tiền cho chủ đầu tư để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Hợp đồng đã ký; Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội/Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội. Nếu tôi ký các giấy tờ trên với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội rồi, làm thủ tục để vay vốn nhưng ngân hàng chưa thể cho vay do nhu cầu lớn mà nguồn vốn còn hạn chế thì tôi phải làm thế nào?
- Ngân hàng Chính sách xã hội trả lời: Trong trường hợp người đề nghị vay vốn đã có đầy đủ các hồ sơ như: Giấy tờ chứng minh đã đóng tiền cho chủ đầu tư để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Hợp đồng đã ký; Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội/Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội nhưng do nguồn vốn hạn chế mà không thể tiếp cận vay vốn ưu đãi tại NHCSXH thì anh/chị có thể liên hệ với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi với lãi suất không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ (năm 2018 là 5%/năm).