Theo ông, các chiến dịch giải cứu nông sản có thể mang lại những hệ lụy gì?
- Giải cứu nông sản là câu chuyện dài kỳ với đầy đủ những ý nghĩa và hệ lụy của nó. Trước tiên những chiến dịch này có thể giúp cho người nông dân không bị thất bát, thiệt hại sâu về thu nhập và như vậy, nó thực hiện được giải pháp về mặt an sinh xã hội.
Nhưng tôi cho rằng tác động lớn nhất của nó chỉ ở tính chất ngắn hạn như vậy thôi. Đây không thể là hình thức thực hiện dài hạn và có thể đưa vào cơ cấu hóa trong thành phần tiêu dùng. Vì nếu như nền nông nghiệp sản xuất của một quốc gia mà chỉ trông vào những giải pháp tình thế thì quanh năm sẽ chỉ là ăn đong. Và chắc chắn giải cứu sẽ là hình thức ru ngủ người nông dân vì họ tin rằng những giải pháp có tính chất thần kỳ như vậy luôn xuất hiện khi họ cần.
Giải cứu có thể giúp ích về cục bộ nhưng hầu như giá trị lớn lại chỉ như một trào lưu có ý nghĩa làm đẹp cho cộng đồng xã hội thôi. Phải nói rõ ràng với nhau rằng, chính những chiến dịch giải cứu thường xuyên đã dung dưỡng cho tính phản kế hoạch, vô tình kích hoạt mạnh mẽ sự vô kế hoạch của người sản xuất. Những phong trào này gián tiếp đe dọa chiến lược, kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn, ở bình diện quốc gia.
Vậy theo ông có nên chấm dứt các chiến dịch giải cứu bằng một mệnh lệnh nào đó?
- Nếu cần tới một mệnh lệnh thì có thể vi phạm đến các vấn đề hết sức nhạy cảm của xã hội. Tất nhiên, với con mắt tỉnh táo và lạnh lùng thì việc đó là cần thiết nhưng thay vì mệnh lệnh được ban ra từ một cơ quan nhà nước thì những việc này nên bắt đầu từ các các tổ chức đoàn thể.
Các tổ chức này phải ý thức được những hệ lụy của giải cứu mà khuyến cáo các thành viên trong tổ chức của mình, phải biết điều tiết, không thể lúc nào cũng sẵn sàng lao vào chiến dịch mang tính chất phong trào, làm đẹp cho xã hội ấy mà không tính đến những hậu quả có thể đến sau đó. Điều quan trọng mà tất cả chúng ta cùng phải hướng đến là tính căn cơ, là kế hoạch sản xuất của một quốc gia, là mối liên kết giữa các nhà, để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng thưa ông, đã có những câu chuyện rất… đắng liên quan đến mỗi liên kết mà ông vừa đề cập, như chuyện người nông dân “xù” hợp đồng khi được giá…
- Đó là câu chuyện muôn đời, người nông dân từ xưa đến nay vẫn chỉ thấy mối lợi trước mắt và chỉ nhìn thấy lợi ích của bản thân mình. Do đó, ở đây cần tới vai trò điều tiết của xã hội nhưng không thể chỉ ngồi và hy vọng người nông dân sẽ tự nhận thức được ra việc họ cứ phá bỏ các mối liên kết, hậu quả sẽ lớn như thế nào.
Phải có những tác động mạnh mẽ bằng hệ thống chính sách, không phải bằng những chủ trương giải cứu mà phải bằng các chính sách cụ thể thông qua các mối liên kết để tác động trực tiếp tới người nông dân. Phải tăng cường ý thức luật pháp và chấp nhận cuộc chơi về phía người nông dân thay vì để họ phát triển một cách hồn nhiên theo kiểu lợi mình (hại người).
Bởi chắc chắn, nếu DN cứ bị “xù” như thế, họ sẽ phá sản và sẽ phá vỡ mối liên kết cần có cho nền sản xuất của một quốc gia, mất đi cơ hội cộng tác lâu dài. Ngoài ra, phải có chiến lược dài hơi, phải thực thi được mối liên kết chặt chẽ với nhà nông, nâng cao được nhận thức của người nông dân về quyền và trách nhiệm của họ trong cuộc chơi thì mới đi xa được.
Nhưng để ràng buộc người nông dân vào cuộc chơi rất khó. Theo ông, phải có những giải pháp gì buộc người nông dân phải tuân thủ luật chơi?
- Rõ ràng phải có điều tiết, từ luật pháp và kinh tế vĩ mô, phải có hệ thống chính sách hợp lý, đôi khi phải lạnh lùng, thậm chí nhiều lúc phải hy sinh cục bộ. Ví dụ như phải đặt thẳng vấn đề có nên giải cứu hay không. Và đôi lúc cần phải để người nông dân trả giá để họ hiểu và chấp nhận những điều khoản mà họ đã ký kết.
Tại sao tôi lại nói phải để người nông dân trả giá? Bởi vì bạn cứ nghĩ xem, họ cứ sản xuất, được giá thì bán ra ngoài, lâu dần DN sẽ chán nản, phá sản, người nông dân đơn độc trong cuộc chơi thì chắc chắn lại cần đến giải cứu. Vẫn cứ giải cứu thì người nông dân vẫn thấy mình còn điểm tựa, sẽ lại tiếp tục vòng luẩn quẩn ấy. Do đó, phải để người nông dân nếm quả đắng thì họ mới hiểu ra và chấp nhận tuân theo những khế ước mà họ đã ký kết.
Ngoài ra còn một lực lượng nữa mà chúng ta vẫn chưa huy động vào cuộc chơi này, đó chính là chính quyền địa phương. Sức mạnh răn đe của “ông chính quyền” này rất lớn như có thể phạt, có thể cấm đoán… Tất nhiên chúng ta không “xúi” chính quyền xác nhận hay không xác nhận vào lý lịch như vài trường hợp đã xảy ra nhưng rõ ràng, sức mạnh từ chính quyền trong việc giám sát nông dân thuân thủ luật chơi là rất lớn.
Xin cảm ơn ông!