Đóng góp vào thành quả của cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn hiện nay đang có nhiều nỗ lực để khẳng định vị thế, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Từ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tới hành trình giải phóng dân tộc
Một trong những học trò, những người sớm tiếp nhận sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Tháng 9.1927, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia lớp huấn luyện chính trị do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức tại Quảng Châu.
Tại khóa học, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hiểu rõ về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, về sự cần thiết phải thiết lập khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nông.
Cũng từ đây, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, nhanh chóng được trang bị những lý luận cơ bản về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của giai cấp công nhân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sau này.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với anh em công nhân cho nên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đồng cảm với nỗi thống khổ của họ, đồng thời cũng sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ CNLĐ trong đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tiến tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng chí đã trực tiếp tham gia, vận động, tổ chức thành phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân ngày một trưởng thành và trở thành nhân tố chính của lực lượng trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Tại Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam diễn ra ngày 28.12.1966, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã chứng minh đường lối của Đảng ta là đúng đắn. Đường lối ấy là đường lối chính trị của giai cấp công nhân, giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà Đảng ta là bộ tham mưu, là trí tuệ, là đội tiên phong. Sở dĩ Đảng ta có đường lối chính trị đúng đắn chủ yếu là vì Đảng ta dựa trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đường lối ấy phản ánh quy luật phát triển khách quan của xã hội Việt Nam. Trong cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, giai cấp công chân chẳng những là giai cấp lãnh đạo mà còn cùng với nông dân lao động, hợp thành đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam”.
Đại hội Tổng LĐLĐVN và những nhiệm vụ mới
Trong bối cảnh hiện nay giai cấp công nhân nước ta ngày càng phát triển vững mạnh và đang phát huy vai trò lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng CSVN.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Công đoàn Việt Nam diễn ra sáng 28.7.2013 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trên tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách cả nước.
Công đoàn đã khắc phục nhiều khó khăn, tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức và người lao động, đặc biệt là làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động”.
Nhiệm kỳ vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra.
Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trao đổi với Báo Lao Động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhận định: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các chủ trương nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhất là về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó có định hướng phát triển kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế, do đó doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Khi đó, người lao động sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhưng cơ cấu đoàn viên, người lao động chuyển biến mạnh theo hướng tăng ở khu vực ngoài nhà nước, bên cạnh đó việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra nhiều yêu cầu với tổ chức CĐ Việt Nam. Điều đó đòi hỏi tổ chức CĐ phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về nội dung và phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.
Do đó, tại Đại hội XII, các đại biểu cần tập trung thảo luận, nhất là các giải pháp sao cho các cấp CĐ tập trung thực hiện tốt nhất chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; chăm lo lợi ích đoàn viên... Đặc biệt, các đại biểu cần có ý kiến, giải pháp để xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, xứng đáng là thủ lĩnh của đoàn viên và NLĐ. Tích cực tham mưu xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch vững mạnh”.
Năm 2019, Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Chặng đường đã qua chính là động lực để người lao động, tổ chức Công đoàn tự tin vào vị thế, tiếp tục có những đóng góp lớn trong quá trình dựng xây đất nước.
Đại hội XII CĐVN dự kiến diễn ra từ ngày 24-26.9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.