Cái giá của du lịch giá rẻ
So với nhiều nước trong khu vực, du lịch tại Việt Nam “nức tiếng” là du lịch giá rẻ. Song, kèm theo du lịch phát triển chính là những hệ luỵ tiêu cực; có thể thấy ngay trước mắt là ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, huyện đảo Lý Sơn đang bị ô nhiễm trầm trọng, rác thải ngập ứ ven biển, khiến cho nguồn san hô, tảo biển và nguồn thủy hải sản ven đảo gần như cạn kiệt. Những bãi rác khổng lồ càng nặng mùi hơn vào những ngày nắng nóng, gây khó chịu cho vô số du khách. Nhưng người dân nơi đây phải chịu đựng hàng ngày.
Tour du lịch dọn rác như ở Hội An đang trở thành một xu hướng chung |
Theo thống kê, mỗi ngày lượng rác sinh hoạt trên đảo thải ra là khoảng 20 – 30 tấn, chưa kể số lượng rác thải theo sóng đánh dạt vào bờ từ đại dương. Trên đảo được đầu tư một nhà máy xử lý rác thải từ khoảng năm 2015, nhưng công suất chỉ đạt 12 tấn/ngày, nên không thể xử lý được hết được phân nửa lượng rác thải hàng ngày. Vì thế, rác thường được xử lý bằng cách gom, đốt hoặc vứt ra biển.
Mặc dù đã tuyên truyền vận động người dân và du khách hạn chế xả rác; chính quyền địa phương tại các huyện đảo này cũng cho biết đã phải chi trả tới hàng chục tỷ đồng xử lý rác, đưa rác về đất liền xử lý, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, các đảo này đều là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia. Vì vậy, việc giữ gìn an ninh, đảm bảo an toàn cho du khách, kiểm soát du khách cũng cần có kinh phí lớn để thực hiện.
Nhiều nơi trên đảo Lý Sơn vẫn ngập trong rác thải |
Khoảng đầu tháng 7/2019, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra quy định chính thức về việc thu phí đối với du khách tham quan Lý Sơn với mức 70.000 đồng/người/lượt với đảo Lớn và 30.000 đồng/người/lượt với đảo Bé. Việc thu phí của du khách nhằm cung cấp kinh phí xử lý rác, bảo vệ môi trường, tôn tạo di tích lịch sử, vừa để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách.
Du khách tham gia dọn rác trên đảo Lý Sơn |
Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng thu phí là hợp lý bởi khi miễn phí tất cả các địa điểm tham quan, phần lớn du khách đều không có ý thức gìn giữ cảnh quan môi trường, mà người dân cũng không có kinh phí để phục hồi, bảo tồn, nâng cấp cảnh quan nơi đây. Quả thực, cái giá của du lịch giá rẻ, du lịch miễn phí sẽ có lợi cho du khách nhưng về những hậu quả lâu dài, người dân bản địa đều phải hứng chịu. Đó cũng là nguyên do nhiều đất nước trên thế giới như Ý, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc … áp dụng việc thu phí ra vào đối với nhiều địa điểm du lịch hút khách; chấp nhận lượng du khách đến sẽ giảm đi đáng kể.
Việc thu phí phải được thực hiện chặt chẽ, khoa học!
Tuy nhiên, có thể nói, cứ mỗi lần nhắc đến hai chữ “thu phí”, phản ứng của phần đông dư luận tại Việt Nam là “phản đối”, thậm chí sinh ra tâm lý “ác cảm”. Sau khi có quyết định chính thức cách đây chưa được một tháng, đến nay, nhiều công ty lữ hành, du khách tỏ ra ái ngại, thậm chí đã huỷ bỏ kế hoạch du lịch tới đảo Lý Sơn. Nguyên nhân mà phần lớn du khách đưa ra là bởi cảm thấy cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại đảo vẫn chưa xứng đáng để họ trả phí. Cụ thể, các công trình hạ tầng như nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi, đường xá… còn thiếu; tàu thuyền chưa đảm bảo an toàn khách lên xuống; chưa kể tại các bãi tắm tại đảo Bé chưa có cứu hộ; các điểm tham quan cũng hầu như chưa có hướng dẫn viên… Mà khó chịu nhất với du khách vẫn là tình trạng rác thải chất ứ, nhếch nhác vẫn chưa được xử lý triệt để.
Khu du lịch Sa Pa |
Nhiều ý kiến thẳng thắn: “Nên đầu tư bài bản rồi tính đến việc thu phí, chứ không nên chỉ nghĩ thuần túy là thu thì mới để đầu tư”. Bên cạnh đó, một số người dân đảo Lý Sơn cũng lo ngại cuộc sống của họ sẽ “điêu đứng” khi bị khách du lịch “quay lưng” mà khoản thu cho đảo cũng chưa chắc có thể cải thiện được cuộc sống của họ.
Bên cạnh đó, việc thu phí cũng cần được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học. Cần có biện pháp giúp phân biệt rõ ràng giữa những người cư trú ở đảo, người đến thăm thân nhân, làm việc, công tác... với khách du lịch để thu phí đúng đối tượng. Được biết, một số phương thức thu có thể là thu qua vé máy bay, vé tàu thủy hoặc thu trực tiếp khi du khách đặt chân đến đảo, hoặc có thể thu phí riêng tại từng điểm tham quan. Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ là đưa ra phương thức tối ưu, hợp lý, địa phương còn cần quản lý nghiêm ngặt tránh việc các đơn vị ngoài nhà nước đứng ra thu riêng, làm thất thu ngân sách, còn gây khó chịu cho du khách.
Thiết nghĩ, việc thu phí dù gây nhiều tranh cãi nhưng hiệu quả ngay trước mắt là có thể huy động một nguồn kinh phí không nhỏ cho địa phương để cải thiện, bảo tồn, nâng tầm của điểm đến. Song, chỉ khi thấy được số tiền mình đóng góp được chính quyền địa phương sử dụng một cách đúng đắn và hợp lý, du khách mới dần dần bớt “ác cảm” với chuyện trả phí, tình nguyện chi trả, thậm chí muốn đóng góp thêm để cùng chia sẻ trách nhiệm gìn giữ môi trường với người dân địa phương.