Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cho biết du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực và bày tỏ lo ngại nếu không nhanh chóng cải thiện, nhân sự sẽ trở thành nút thắt lớn của ngành du lịch trong quá trình phát triển sắp tới.
Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, mặc dù là địa phương chiếm tới 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng nhân lực ngành du lịch TP HCM có sự chênh lệch mạnh giữa cung - cầu.
Tại TP HCM có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch (tăng đều qua các năm), trong đó 18 đại học có đào tạo ngành du lịch, 21 cao đẳng/cao đẳng nghề và 24 trung cấp nghề/trung học chuyên nghiệp. Thế nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu. Đó là chưa tính đến nguồn nhân lực ở các vị trí lao động gián tiếp, đặc biệt ở các vị trí quản lý.
Không chỉ thiếu, nhân lực ngành du lịch còn bị đánh giá yếu về chuyên môn. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore.
Theo một chuyên gia, nguyên nhân ngành du lịch thiếu nhân công lành nghề thì có nhiều, tuy nhiên phần lớn là do việc đào tạo trong ngành chưa đủ thực tế, chưa bám theo nhu cầu chính yếu của thị trường. Đào tạo thường tập trung vào lý thuyết mà yếu về thực hành.
Cách đào tạo, giảng dạy này đi ngược với xu thế quốc tế, vì vậy sinh viên của chúng ta ra trường thua kém các nước trong khu vực về nhiều kỹ năng. Lấy ví dụ như khi khảo sát trên các du thuyền quốc tế 5 sao hiện nay, lao động Việt Nam chủ yếu đảm nhận khâu vệ sinh, rửa chén hoặc phục vụ trong bộ phận buồng. Trong khi đó, các bộ phận khác như tiếp tân, phục vụ bàn, các vị trí giám sát… hầu như do lao động các nước như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc đảm nhận.
Sở dĩ có sự phân công lao động như vậy, bởi lao động của ta thua kém nước bạn nhiều kỹ năng: Trình độ ngoại ngữ, tự tin giao tiếp, các kỹ năng nghề nghiệp không đạt chuẩn quốc tế…
Như vậy, từ thực tế cho thấy, tồn tại khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và chất lượng cao, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh trong điều kiện cạnh tranh khu vực và quốc tế ngày càng gia tăng của ngành du lịch. Khoảng cách này không chỉ đơn thuần là số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng và bài toán năng suất lao động.
Để góp phần thu hẹp khoảng cách cung-cầu, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đưa ra một số giải pháp, ví dụ như các địa phương cần dự báo được chính xác nhất có thể mức độ tăng trưởng của ngành, của các loại hình dịch vụ. Dự báo chính xác nguồn nhân lực cần cho ngành trong 5 năm, 10 năm tới.
Dự báo cần mang tính chi tiết, trong đó đặc biệt lưu ý dự báo cơ cấu lao động trực tiếp và gián tiếp, cơ cấu lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Việc dự báo chi tiết, cụ thể sẽ giúp các cơ sở tổ chức hoạt động đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, với chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, của địa phương, tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Một số ý kiến khác cho rằng cần tính toán việc thành lập trường chuyên về du lịch. Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì nên quy hoạch một số trường đại học có các khoa du lịch làm nòng cốt cho vùng để phân bổ và quy hoạch nguồn lực, đầu tư chuẩn cho các khoa du lịch trở thành trường thí điểm.
So với yêu cầu thị trường và thực tế đào tạo hiện nay thì các chương trình đào tạo của Việt Nam cần đi sâu hơn vào đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, cập nhật thêm các kiến thức mới theo sự vận động của ngành du lịch thế giới và Việt Nam.
Bên cạnh đó, rất cần có giải pháp kết nối "ba nhà": Nhà trường, nhà doanh nghiệp và Nhà nước - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Các trường đại học cần nghiên cứu xây dựng giáo trình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch có sự phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường liên kết với doanh nghiệp đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch để tạo ra môi trường cho sinh viên có cơ hội thực hành nhiều nhất có thể.
Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích ưu đãi về cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch tự đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên để đáp ứng nhu cầu của khách, tự xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp tiêu chuẩn nghề chung.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng nên khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tham gia đào tạo nguồn nhân lực để tạo thành chuỗi tuần hoàn, nâng cao tối đa năng lực nhân sự cho ngành du lịch.