Chồng bị ung thư gốc lưỡi, sự sống như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng người vợ chậm chạp vẫn chưa biết xoay sở thế nào để đưa anh đi viện, khiến anh ngày ngày phải chịu những cơn đau thập tử nhất sinh…
Số phận trớ trêu
Có lẽ, tại xóm 13(xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) hoàn cảnh của vợ chồng anh Trần Văn Lộc (SN 1971) và chị Trần Thị Minh (SN 1974) không ai là không biết. Hai vợ chồng nghèo đói đến độ ước mơ về gian nhà nhỏ để chui ra, chui vào cũng không có khả năng thực hiện. Thương cảm, anh em họ hàng, bà con lối xóm đã chung tay xây cho hai vợ chồng gian nhà nhỏ chừng 25m2 trên nền đất cũ của bố mẹ để lại. Nhưng rồi, niềm vui chưa tròn thì bệnh tật ập đến.
Ngồi trong gian nhà nhỏ, anh Lộc tỏ vẻ đau đớn, đến việc thở cũng khó khăn. Anh thều thào trong khó nhọc: “Bác sỹ kết luận tôi bị ung thư gốc lưỡi. Giờ khối u phần cuối lưỡi chèn cổ họng khiến tôi khó thở, nói cũng khó, ăn uống càng khó hơn. Đau lắm, tôi muốn nhập viện sớm để điều trị mà không có đồng bạc nào...”.
Anh Lộc trong căn nhà không có tài sản gì đáng giá. |
Dưới gian nhà bếp cũ kỹ đã gần sập, chị Minh lúi húi thổi lửa nấu bát cháo cho chồng. Chiếc bếp đơn sơ đến cái lò thổi hơi cũng không có nên bã mía dù đã được chị Minh phơi khô nhưng mãi vẫn không cháy. Vừa thổi lửa, chị vừa giải thích, vì không có tiền mua bếp ga và cũng không mua được củi nên tôi chỉ biết lên chợ xin vỏ cây mía mà nguời ta bỏ đi đem về phơi rồi dùng để nấu thức ăn. Cực nhất là vào mùa mưa, thổi mãi mà lửa chẳng bén...
Nhắc đến bệnh tình của chồng, chị buồn rầu: “Anh ấy mới phát hiện bị bệnh hiểm nghèo mấy tháng nay mà sức khỏe xuống nhanh quá. Giờ không ăn được cơm nên tôi phải nấu cháo, bát canh cho chồng hấp tạm. Nhiều hôm anh ấy đau không nằm ngủ được, phải ngồi dậy cho dễ thở. Nhìn chồng tôi xót lắm”.
Hoàn cảnh của vợ chồng anh Lộc rất đặc biệt tại địa phương. Hai anh chị đến với nhau vào năm 2017. Khi đó, anh Lộc đã bước sang tuổi 46 còn chị Minh cũng đã đi qua 43 mùa xuân. Khi còn trẻ, anh Lộc theo đám bạn trong làng vào miền nam làm thuê kiếm sống bằng công việc chân tay nặng nhọc.
Nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ anh chi tiêu và một phần nhỏ gửi về cho bố mẹ nghèo ở quê thuốc thang. Còn chị Minh vì tính tình chậm chạp nên cũng trắc trở đường tình duyên. Hai con người cùng chung hoàn cảnh đã đến với nhau với suy nghĩ nương tựa nhau tuổi già.
Năm 2017, một đám cưới nhỏ được diễn ra. Vì bố mẹ hai bên đã qua đời nên ngày cưới anh chị chỉ làm vài mâm cơm xem như thông báo với gia đình, bạn bè. Từ ngày lập gia đình, vì bệnh tật triền miên nên anh Lộc cũng không làm được gì để kiếm tiền. Do đó, căn nhà cũ kỹ lụp sụp ông bà để lại hai vợ chồng cũng không có khả năng sửa sang lại.
Đến năm 2020, thương hoàn cảnh hai vợ chồng, anh em họ hàng, bà con lối xóm đã góp tiền, góp công xây lại ngôi nhà nhỏ. “Người ta giúp đỡ, xây cho vợ chồng tôi gian nhà nhỏ chúng tôi vui lắm. Căn nhà che mưa, che nắng đã có nhưng chúng tôi cũng không có tiền để sắm sang đồ vật trong nhà. Ngay cả chiếc bàn, chiếc ghế cũ đây chúng tôi cũng phải đi xin về dùng”, chị Minh vừa nói vừa chỉ vào chiếc ghế cũ mới xin của hàng xóm.
Sau 4 năm lấy nhau, niềm mong ước lớn nhất của vợ chồng anh chị là có mụn con để vui nhà, vui cửa. Thế nhưng, vì khó khăn nên họ cũng chưa một lần đi thăm khám sức khỏe cho đến khi anh Lộc phát hiện bị bệnh hiểm nghèo.
Vét 2 bao lúa lấy tiền chữa bệnh cho chồng
Nhắc lại ngày phát hiện ra bệnh tình, người đàn ông 50 tuổi cho hay: “Khoảng đầu tháng 10 năm 2021, tôi chợt thấy đau ở phần cổ và khó nuốt. Lúc đầu tôi đi khám thì họ nói chỉ mắc bệnh bình thường. Uống thuốc nhiều nhưng không thấy thuyên giảm, tôi mới đến bệnh viện thì các bác sỹ khẳng định bị ung thư gốc lưỡi”.
Căn bệnh ung thư gốc lưỡi khiến anh Trần Văn Lộc bị sưng lệch mặt. |
Thời điểm phát hiện ra bệnh tình anh Lộc không có bảo hiểm y tế khiến gánh nặng chi phí chữa trị càng lớn. Nhìn quanh nhà không có tài sản nào đáng giá để bán nên chị Minh chỉ biết chở 2 bao lúa đi bán. Với vợ chồng chị, đó là tài sản lớn nhất của gia đình. Chị Minh kể: “Bán lúa được 500 nghìn đồng, tôi đi mua thuốc cho chồng về uống nhưng vẫn không giảm đau. Nhìn chồng đau không ăn uống được gì, tôi xót quá, vội vay mượn tiền để mua thẻ bảo hiểm để chồng nhập viện”.
Trong thời gian chờ đợi thẻ bảo hiểm y tế có hiệu lực, bệnh tình của anh Lộc chuyển biến xấu rất nhanh. Thương chồng, chị Minh đành nhờ cậy người thân đứng ra vay mượn tiền để nhập viện. Lúc này, bà con lối xóm biết chuyện đã đến động viên, thăm hỏi gia đình.
Ngồi trong gian nhà nhỏ, nhìn chồng sức khỏe ngày càng yếu, chị Minh trải lòng: Không biết đến khi nào tôi mới góp được tiền mà đưa chồng đi chữa bệnh. Người ta chỉ cho cách mua sữa về tẩm bổ cho chồng có sức khỏe mà tôi cũng có tiền đâu. Bố mẹ đều đã mất, anh em họ hàng đều khó khăn cả nên vợ chồng tôi chẳng biết bấu bíu vào ai..
Rồi chị Minh tâm sự tiếp, khi xác định đến với nhau lúc đã có tuổi, chúng tôi biết sẽ khó khăn. Nhưng tôi nghĩ mình cứ làm lụng, trồng luống rau, ra đồng bắt thêm con cua, con tép để đắp đổi qua ngày thì chắc cũng ổn. Nào ngờ số phận trớ trêu, bệnh tật ập đến như vậy. Tôi như bất lực vì trong nhà không có tài sản gì để bán cả.
Vợ chồng tôi nghèo đói, chậm chạp nên việc vay mượn tiền của người khác cũng khó khăn đành phải nhờ người đứng ra vay mượn. Nói đoạn, chị đưa đôi tay đen nhẻm lên gạt nước mắt: “Biết là khó khăn nhưng sắp tới, tôi phải nhờ người thân vay mượn để đưa anh ấy vào viện thôi. Chứ cứ ở nhà chịu đau như vậy tôi không đành”.
Hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Trần Văn Lộc được chính quyền địa phương xác nhận. Ông Hồ Xuân Xuyên, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết, hoàn cảnh của gia đình anh Lộc, chị Minh rất khó khăn. Người vợ thì chậm chạp, chồng thì đau ốm nên không làm được gì. Nay anh Lộc lại bị bệnh hiểm nghèo khiến kinh tế gia đình càng khó khăn.Rất mongsự giúp đỡ của mọi người để anh Lộc có cơ hội được chữa trị bệnh kịp thời...
Mọi sự giúp đỡ hoàn cảnh anh Trần Văn Lộc, trú xóm 13, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xin liên hệ đếnchị Minh qua số điện thoại: 037.993.3859