Giấc mơ chính trị sớm tàn của Công chúa Thái Lan

Công chúa Ubolratana Rajakanya, chị của Quốc vương Maha Vajiralongkorn.
Công chúa Ubolratana Rajakanya, chị của Quốc vương Maha Vajiralongkorn.
(PLVN) - Công chúa Thái Ubolratana Rajakanya, 67 tuổi, ngày 8/2 gây bất ngờ khi đăng ký làm ứng viên tranh cử vị trí thủ tướng cho đảng Thai Raksa Chart. Đây là động thái chưa có tiền lệ vì hoàng gia Thái có truyền thống đứng ngoài chính trị.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của Công chúa vừa chớm nở đã sớm tàn khi Quốc vương Maha Vajiralongkorn, em của bà, phản đối bà tranh cử, nhấn mạnh rằng "tất cả thành viên hoàng gia phải tuân thủ nguyên tắc thống nhất và không thể nắm giữ bất kỳ vị trí chính trị nào". Đảng Thai Raksa Chart sau đó tuân theo ý nhà vua, rút tư cách ứng viên của bà Ubolratana. Ủy ban Bầu cử Thái Lan ngày 11/2 truất quyền tranh cử của bà.

"Hoàng gia Thái thường chỉ xuất hiện hay ra tuyên bố liên quan đến nghĩa vụ hoặc sự kiện của hoàng gia. Sự phản đối công khai như thế này gần như chưa bao giờ xảy ra", Jay Harriman, giám đốc cấp cao của BowergroupAsia, chuyên gia tư vấn về vấn đề chính phủ, bình luận.

Khi tuyên bố tranh cử, bà Ubolratana lập luận rằng bà đang thực thi quyền công dân và "đã từ bỏ danh hiệu hoàng gia và sống như một thường dân". Năm 1972, Công chúa Ubolratana đã từ bỏ danh hiệu sau khi kết hôn với thường dân Mỹ Peter Ladd Jensen. Họ chung sống ở Mỹ cho đến khi ly hôn năm 1998. Bà Ubolratana năm 2001 trở về Thái Lan và tham gia một số sự kiện của hoàng gia.

Tuy nhiên, Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã bác bỏ cách lập luận này. "Mặc dù bà ấy đã từ bỏ danh hiệu theo luật hoàng gia, bà ấy vẫn giữ địa vị và thân phận là một thành viên của Vương triều Chakri (tên gọi triều đại từ năm 1782)", tuyên bố từ nhà vua có đoạn viết.

Sự phản đối quyết liệt của Quốc vương Ubolratana gây bất ngờ vì hai chị em được cho là thân thiết. Một số nhà phân tích đã tưởng rằng bà được em trai cho phép nên mới quyết định dấn thân vào chính trị. Những gì thực sự xảy ra đằng sau hậu trường khó có thể được công khai vì các vấn đề riêng tư của hoàng gia Thái gần như không bao giờ bị rò rỉ.

Nhà vua không chỉ trích Công chúa trực tiếp mà dường như tập trung đổ lỗi cho các chính trị gia muốn lôi kéo bà. "Việc đưa các thành viên hoàng tộc cấp cao vào hệ thống chính trị là hành động trái với nguyên tắc truyền thống của hoàng gia, phong tục và văn hóa quốc gia, đây là hành vi rất không phù hợp", tuyên bố có đoạn viết.

Quốc vương cũng nhắc đến một điều khoản trong hiến pháp nói rằng hoàng gia "đứng trên chính trị" và duy trì tính trung lập. Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Hoàng gia chỉ đảm nhận nhiệm vụ mang tính nghi lễ nhưng có ảnh hưởng lớn và được người dân kính trọng.

Thái Lan từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chính trị nhưng hoàng gia tránh đứng về một phe cụ thể. Cố vương Bhumibol Adulyadej, trị vì năm 1946 - 2016, từng một số lần can thiệp chính trị nhưng chỉ để ngăn khủng hoảng ảnh hưởng đến dân thường.

Tháng 5/1992 được gọi là "tháng 5 đen tối" vì những cuộc biểu tình trên đường phố và cuộc đàn áp quân sự kéo dài nhiều ngày khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Đất nước lâm vào hỗn loạn do cuộc giằng co giữa tướng Suchinda Kraprayoon, người tiến hành đảo chính và chuẩn bị lên làm thủ tướng. Người còn lại là tướng Chamlong Srimuang, dẫn đầu phong trào ủng hộ dân chủ chống lại sự kiểm soát quân sự của Kraprayoon.

Vua Bhumibol Adulyadej triệu tập hai tướng đến cung điện và nói với họ: "Đất nước thuộc về mọi người, chứ không phải chỉ một hay hai người cụ thể. Những người đối đầu nhau sẽ đều là kẻ thua cuộc, và bên mất mát nhiều nhất sẽ chính là đất nước. Các anh tự nhận mình là người chiến thắng để làm gì khi các anh đứng trên đống đổ nát và những mảnh vụn?".

Sau những lời răn dạy của nhà vua, hai bên đã đàm phán với nhau. Cuối cùng, nền dân chủ dựa trên bầu cử được phục hồi và một hiến pháp mới được ban hành. 

Trong khi đó, bà Ubolratana đã khiến nhiều người bất ngờ khi tranh cử cho đảng Thai Raksa Chart liên quan đến cựu thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và sống lưu vong từ năm 2008 để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng liên quan đến một thương vụ đất đai.

Chính trường Thái Lan chia thành một bên là chính quyền quân sự - hoàng gia và giới thượng lưu ở Bangkok với một bên là phe áo đỏ theo chủ nghĩa dân túy -những người trung thành với Thaksin, chủ yếu là người nghèo sống ở nông thôn.

Bản thân đảng Thai Raksa Chart có rất nhiều lãnh đạo phe áo đỏ và nhiều người trong số họ không có thiện cảm với hoàng gia. Vì vậy, việc công chúa liên minh với Thaksin khiến giới phân tích bất ngờ và còn làm dấy lên sự phản đối từ chính những người ủng hộ đảng. Một nhà hoạt động lấy tên là Champ 1984 nói rằng ông thất vọng về ý tưởng một đảng dân chủ cần sự hỗ trợ của một thành viên hoàng tộc và ông quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng khác.

Các chuyên gia cho rằng những diễn biến này có lợi cho Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha, người tranh cử cho đảng thân quân đội Phalang Pracharat. Thái Lan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau khi quân đội lật đổ Yingluck, em gái của Thaksin, trong cuộc đảo chính năm 2014.

Quân đội đã "chiếm được thế thượng phong", giáo sư Anusorn Unno từ Đại học Thammasat nhận xét và nói thêm rằng họ có thể nhận được nhiều phiếu trong cuộc bầu cử ngày 24/3.

Trong khi đó, nước cờ táo bạo là liên minh với Công chúa đã phản tác dụng đối với Thaksin. "Sự can thiệp của nhà vua có thể khiến Thaksin mất uy tín", Anusorn nói.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.