Đúng 20h ngày 7/7, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu. Với mặt hàng xăng, doanh nghiệp này tăng 410 đồng/lít, đưa xăng A92 từ 25.230 đồng/lít lên 25.640 đồng/lít; dầu hỏa cũng tăng 410 đồng/lít lên 22.950 đồng/lít.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính vừa được phát đi do biến động của thị trường thế giới và hiện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang bị lỗ nặng, trong đó mặt hàng xăng lỗ tới 918 đồng/lít, dầu hỏa và dầu ma zút lỗ 400 đồng/lít, dầu diezen lỗ 300 đồng/lít. Trong khi đó quỹ bình ổn giá không đủ sức bình ổn, liên ngành Bộ Công thương - Bộ Tài chính đã đồng ý cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng quỹ bình ổn giá và tăng giá xăng để bù lỗ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng và dầu ma zút. Cụ thể, đối với xăng, các doanh nghiệp tăng sử dụng quỹ bình ổn giá thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít ở mức hiện hành lên mức 500 đồng/lít);với dầu ma zút, tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng/kg như hiện hành.
Bộ Tài chính cho phép các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng, tuy nhiên giá bán sau khi đã điều chỉnh phải đảm bảo không cao hơn mức giá bán cơ sở theo quy định. Trong đó, giá cơ sở xăng A92 là 26.148 đồng/lít; dầu điêzel 0,05S là 22.824 đồng/lít; dầu hỏa: 22.953 đồng/lít; dầu ma zút 180CST 3,5S: 18.997 đồng/kg).
Tham chiếu theo giá áp dụng từ 23/6 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, mức tăng tối đa đối với xăng RON 92 là 418 đồng một lít; dầu điêzen 0,05S là 294 đồng một lít; dầu hỏa là 413 đồng một lít; dầu madút là 137 đồng một kg.
Các doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá đồng loạt từ 20h hôm nay 7/7.
Sau đợt tăng giá ngày 23/6, giá xăng đã chính thức xác lập kỉ lục mới, khi đó giá xăng đã ở mức gần 26.000 đồng/lít. Như vậy, đây là lần phá kỉ lục giá xăng dầu thứ hai trong năm nay, giá xăng hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay với giá bán 25.648 đồng/lít.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định trong dự thảo kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá dưới 3%, trường hợp tăng 3 đến 7% phải xin phép ý kiến Bộ Tài chính – Bộ Công thương, trường hợp tăng trên 7% phải xin ý kiến của Chính phủ.