Chiều 10/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng từ 15h.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 19.846 đồng/lít (tăng 996 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.215 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 21.061 đồng/lít (tăng 1.258 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 18.500 đồng/lít (tăng 1.099 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 18.790 đồng/lít (tăng 1.139 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 15.911 đồng/kg (tăng 908 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Lý giải nguyên nhân giá xăng trong nước tăng mạnh, cơ quan điều hành cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 03/10/2024 - 09/10/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông, cơn bão lớn đổ bộ vào Mỹ khiến nhu cầu nhiên liệu tăng đột biến, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp diễn,… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng, nhưng xu hướng tăng là chủ yếu.
Vì vậy, kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định phương án điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Theo Bộ Tài chính, cơ quan quản lý đã sử dụng khoảng 9,7 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu trong quý II năm nay và trích lập vào quỹ này gần 29,3 tỷ. Các doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn dương nhận được 3,2 tỷ đồng tiền lãi trong kỳ. Trong khi, đơn vị bị âm quỹ này phải trả lãi vay 5,9 tỷ.
Như vậy, tính tới hết tháng 9, Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 6.061 tỷ đồng, giảm khoảng 18 tỷ so với quý trước đó. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm hơn một nửa, gần 3.079 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp đầu mối giữ gần 50% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước.
Quỹ bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP).
Việc Bộ Tài chính công khai tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn xăng dầu nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định.