Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai, 29/2.
Hiện giá xăng dầu trong nước chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua đã cắt đứt mạch tăng của 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm khoảng 2%, còn giá dầu WTI giảm hơn 3%. Tuy nhiên, sang tuần này, giá dầu thế giới có xu hướng đi lên. Giá dầu đã tăng liên tiếp ở 2 phiên giao dịch đầu tuần.
Trong khi đó, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ trước. Mức tăng được cho là không quá lớn.
Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước được dự báo có thể tăng trở lại trong kỳ điều hành giá chiều mai. Theo đó, giá xăng dự báo tăng 200-400 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu diesel được dự báo giảm nhẹ khoảng 100-200 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ quay đầu tăng sau một phiên giảm. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 8 lần điều chỉnh giá trong đó có 5 lần tăng và 3 lần giảm.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 22/2), giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 360 đồng/lít, giá bán là 22.470 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 320 đồng/lít, giá bán xuống mức 23.590 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 450 đồng/lít, giá bán lẻ là 20.910 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 300 đồng/lít, giá còn 20.920 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập và cũng không chi Quỹ BOG đối với tất cả loại xăng dầu.
Hiện dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây cơ quan điều hành ít sử dụng tới quỹ. Trong đó, tính đến ngày 22/2, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.063 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ hơn 144 tỷ đồng; Saigon Petro dương 327 tỷ đồng; Petimex dương 459 tỷ đồng...