Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 22/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 78,13 USD/thùng, tăng 0,22 USD/thùng tương đương tăng 0,28%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 83,03 USD/thùng, tăng 0,69 USD/thùng tương đương tăng 0,84%.
Giá dầu thô tăng do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và các thương nhân đánh giá các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu hoạt động trở lại của các nhà máy lọc dầu của Mỹ sau thời gian bảo trì khiến mức hoạt động giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 12/2022 cũng khiến giá dầu đi lên.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự đoán hoạt động lọc dầu của Mỹ sẽ tăng 0,9 điểm phần trăm trong tuần trước từ 80,6% tổng công suất trong tuần trước. Cuộc thăm dò cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ có thể đã tăng gần 4 triệu thùng trong tuần trước.
Trong khi đó, số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 7,17 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 16/2; tồn kho xăng tăng thêm 415.000 thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 2,908 triệu thùng. Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào hôm nay.
Căng thẳng ở Trung Đông vẫn tiếp tục khi lực lượng Houthi leo thang các hoạt động tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, cản trở sự lưu thông hàng hóa qua tuyến đường biển quan trọng này.
Liên quan đến lãi suất của Mỹ, theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại về việc cắt giảm lãi suất quá sớm. Các nhà giao dịch đã đặt cược vào việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6.
Những lo ngại về việc Fed cắt giảm lãi suất có thể mất nhiều thời gian hơn dự đoán đã đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu. Dữ liệu lạm phát của Mỹ tuần trước đã đẩy lùi kỳ vọng về sự khởi đầu sắp xảy ra đối với chu kỳ nới lỏng của Fed.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu sáng nay: Xăng E5 RON 92 không quá 22.831 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 23.919 đồng/lít; Dầu diesel không quá 21.361 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 21.221 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.906 đồng/kg.
Giá bán các loại xăng dầu nói trên sẽ được áp dụng theo mức giá mới trong phiên điều hành chiều nay 22/2.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore. Trên thị trường thế giới, giá dầu thô mậc dù tăng vào phiên sáng nay nhưng ghi nhận xu hướng giảm trong tuần này. Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này có xu hướng giảm so với kỳ trước. Nhưng mức điều chỉnh không quá lớn.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, trong kỳ điều hành chiều nay, giá xăng dầu trong nước có khả năng giảm theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới. Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm từ 330-520 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng giảm từ 320-420 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn, thậm chí giữ nguyên.
Tương tự, nhận định về tình về giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, tại kỳ điều hành chiều nay, ngoại trừ dầu mazut, giá bán lẻ các loại xăng dầu khác có thể giảm 1,4 - 2,1% và Liên bộ Tài chính - Công Thương có thể sẽ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut. Cụ thể, VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành này có thể giảm 343 - 395 đồng, đưa giá xăng về mức 22.435 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.567 đồng/lít (RON 95).
Giá bán lẻ các loại dầu khác được mô hình của VPI dự báo giảm khoảng 392 - 458 đồng, đưa giá dầu diesel về mức 20.902 đồng/lít; giá dầu hỏa 20.828 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu mazut được dự báo tăng 45 đồng, lên mức 15.945 đồng/lít. Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ Tài chính - Công Thương có thể sẽ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/lít.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã có 7 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 2 phiên giảm và 5 phiên tăng.