Giá trị của những cái ôm trong gia đình

Cái ôm có thể là chìa khóa mở cánh cửa trái tim, làm cho mọi người gần nhau hơn và cuộc sống trở nên ấm áp hơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).
Cái ôm có thể là chìa khóa mở cánh cửa trái tim, làm cho mọi người gần nhau hơn và cuộc sống trở nên ấm áp hơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong nhịp sống hiện đại đầy hối hả, người ta dần dà quên mất sự cần thiết của việc bày tỏ tình cảm với những người thân yêu, mà không biết rằng, có những hành động nhỏ nhưng kết quả vô cùng diệu kì.

Bạn đã bao giờ ôm người thân?

Đó là một câu hỏi được đặt ra mới đây trên một diễn đàn về gia đình. Người viết bài đặt ra một câu hỏi hướng về chủ đề “lạ mà quen” trong đời sống gia đình nhân ngày Hội Ôm quốc tế: Chúng ta có thể có nhiều cái ôm trong đời sống: Cái ôm dành cho người yêu, cái ôm thân tình với bạn bè, cái ôm xã giao, thân mật... Nhưng có bao giờ ta nghĩ đến việc “ôm” những người thân yêu, những thành viên trong gia đình mình hay chưa?

Không ít người đã bày tỏ sự “giật mình” khi nhận được câu hỏi này, và cũng nhiều người đã thú nhận rằng, quả thật là mình ôm người ngoài nhiều hơn người nhà, thậm chí khá nhiều người cho biết, mình chưa bao giờ có cái ôm nào đối với người thân trong gia đình. Đa số ý kiến cho rằng, họ không nghĩ đến việc phải “ôm” người nhà, hoặc vì không có thói quen ấy bao giờ nên không nghĩ nó cần cho đời sống, hay sự kết nối trong gia đình khá rời rạc để có thể “ôm” nhau. Một số người thú nhận rằng, đôi khi cũng muốn “ôm” người thân một cái, nhưng lại thấy ngượng ngùng, không quen.

Có lẽ, cái ôm thường được dùng nhất trong gia đình là cái ôm của cha mẹ dành cho con cái, và con cái dành cho cha mẹ khi mà con còn là những đứa trẻ. Tuy nhiên, trong hầu hết gia đình Việt Nam, khi trẻ con lớn lên rồi, những cái ôm cũng mất đi. Cùng với đó là sự ngượng ngùng khi phải bày tỏ tình cảm giữa cha mẹ và con cái, con cái và cha mẹ. Con cái càng lớn, những cử chỉ thân mật, những kết nối sâu sắc cũng dần dần lơi lỏng hơn, và đến một lúc nào đó, người ta chợt nhận ra, thậm chí đã nửa đời người rồi, giữa cha mẹ và con cái chưa có một cái ôm chặt nào dành cho nhau.

Với cha mẹ đã thế, dĩ nhiên, cái ôm của các anh chị em trong gia đình càng hiếm hoi khi mà mỗi người lớn dần lên, có những mối quan hệ riêng trong đời sống, dần tách khỏi gia đình, dựng xây tổ ấm mới.

Trong tình cảm vợ chồng, người ta dễ dàng dành cái ôm cho nhau khi còn là người yêu, còn trong mối quan hệ hẹn hò hay thời điểm mật ngọt của tân hôn. Những cái ôm, những cử chỉ thân thiết rời rạc dần đi và dần dà biến mất hẳn trong đời sống hôn nhân. Thay vào đó là mối lo cơm áo, là những va chạm thường nhật. Không chỉ cái ôm, những lời nói dịu dàng, nhẫn nại, những cử chỉ thân thiết dành cho nhau cũng dần dà mất đi.

Trong khi đó, người ta vẫn có thể dành những lời “có cánh”, những cử chỉ thân mật, những dịu dàng, kiên nhẫn, bao dung với người ngoài, từ bạn bè cho đến đồng nghiệp, từ người yêu cho đến các mối quan hệ xã giao. Người ta sẵn sàng trao cho nhau những cái ôm siết, những cái vỗ vai đầy động viên khi mới lần đầu gặp gỡ, khi có những niềm vui nhất định trong đời sống. Nhưng với “người nhà”, cái ôm là một điều gì đó xa xỉ lắm.

Mở rộng ra, không chỉ “cái ôm”, mà giờ đây, xã hội có quá nhiều thú vui, con người được mở rộng mối quan hệ đến vô giới hạn bởi các mối quan hệ bạn bè - đồng nghiệp - đối tác - buôn bán... mà còn cả rất rất nhiều mối quan hệ ảo trên mạng xã hội. Sự quan tâm đã dành cho quá nhiều người, thế nên, nhiều người “quên” mất sự chú tâm xây đắp mối tình thân thông qua những cử chỉ yêu thương dành cho nhau. Người ta có thể dễ dàng tha thứ cho người ngoài vì những cử chỉ, hành xử không vừa ý, có thể dễ dàng nói quý, mến, trao tình thân thiết cho “anh chị em” ngoài xã hội, nhưng lại gắt gỏng, khó chịu, chì chiết khi người thân làm điều phật lòng, lại không để tâm đến việc trao cho người nhà mình một ánh mắt tràn ngập biết ơn, một lời nói thật dịu dàng, tình cảm, hay một vòng tay ôm ấm áp lúc cần...

Có lý do để phong trào “ôm miễn phí” đình đám ở nhiều nước và lan đến Việt Nam, được khá nhiều người hưởng ứng. Ý nghĩa nhân văn của phong trào được thể hiện khá rõ, với những cái ôm có thể xoa dịu nỗi đau, chữa lành những vết thương tâm hồn, giúp gắn kết những người xa lạ với nhau hơn trên tinh thần chia sẻ, động viên nhau nhiều hơn. Nhiều người, ban đầu phản ứng, nhưng sau đã dần dà cảm thấy sự “hay ho” của những cái ôm đồng cảm đến từ người xa lạ, để rồi áp dụng “cái ôm” ấy cho những người thân thiết, cho gia đình mình, để rồi nhận được nhiều niềm vui bất ngờ.

Điều tuyệt vời của cái ôm

Đôi khi, trong cuộc sống bận rộn, người ta mải mê với mối quan hệ bên ngoài mà quên mất những cử chỉ thân thiết, những cảm ôm tình cảm dành cho người thân. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đôi khi, trong cuộc sống bận rộn, người ta mải mê với mối quan hệ bên ngoài mà quên mất những cử chỉ thân thiết, những cảm ôm tình cảm dành cho người thân. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chị Thanh Nguyễn (Bella Thanh) là một người Đức gốc Việt. Chị sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sang Đức định cư từ năm 2009. Hai con của chị được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sang Đức vào thời điểm chưa trưởng thành, được hưởng nền giáo dục phương Tây pha trộn với cội rễ phương Đông. Chị Thanh kể rằng, vợ chồng chị đều lớn lên ở nông thôn ở miền Bắc, nên việc thể hiện tình cảm thông qua cử chỉ là một điều khá hiếm hoi, điều này họ ảnh hưởng từ bố mẹ, ông bà. Thế nên đối với con, cả hai vợ chồng đều có cách giáo dục khá nghiêm khắc, ít trao cho con những cử chỉ thân thiết, gần gũi. Sang Đức được một thời gian, một hôm, con trai lớn, lúc này bắt đầu năm nhất của đại học trở về nhà và bày tỏ, chàng thanh niên cần một cái ôm từ mẹ mình. Sau phút ngạc nhiên, chị Thanh dành cho con trai một cái ôm ngượng ngùng và được con tâm sự, cậu mới chia tay với bạn gái và cần lắm một sự an ủi. Chàng trai trẻ kể, nhiều lần đến nhà các bạn chơi, cậu nhận thấy cha mẹ các bạn thường dành cho con cái những cái ôm thân mật, và bản thân các bậc cha mẹ cũng không ngại ngùng khi ôm, hôn má nhau trước mặt con cái, điều này khiến cậu cảm thấy được sự gắn bó thân thiết của các thành viên trong gia đình họ. Cậu thanh niên bày tỏ mong muốn gia đình mình cũng có thể làm như thế.

Dần dà, trong gia đình chị Thanh bắt đầu xuất hiện nhiều cái ôm hơn. Cái ôm giữa cha mẹ và các con khi con có được nhiều niềm vui trong cuộc sống, cái ôm chia sẻ, an ủi khi con gặp chuyện buồn, rồi cái ôm giữa hai vợ chồng với nhau cũng trở nên một thói quen, cái ôm giữa hai cậu con trai với những cái vỗ vai nam tính... “Vợ chồng tôi đã được các con “dạy” cho những bài học sâu sắc về tình yêu thương thông qua những cái ôm, những cử chỉ thân mật và những lời bộc bạch thẳng thắn về cảm xúc và sự bày tỏ thương yêu”. Tôi nghĩ rằng, người Việt chúng ta, như nhiều dân tộc Á Đông khác, có tình cảm sâu sắc nhưng chưa có thói quen bày tỏ ra bằng cử chỉ hành động như người phương Tây. Đó là một điều cần học hỏi, đổi thay. Như gia đình tôi đã nhận ra được thay đổi kì diệu mà những cái ôm, những cử chỉ tình cảm đem đến cho mỗi thành viên trong nhà”, chị Thanh Nguyễn chia sẻ.

Có thể nói, cái ôm là cách thể hiện tình cảm chân thành, nó không chỉ là cử chỉ vật chất, mà nó chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và giá trị tinh thần không thể đo lường. Cái ôm của gia đình không chỉ là sự gắn bó mà còn là nguồn động viên, sức mạnh tinh thần dành cho nhau. Trong những khoảnh khắc khó khăn, một cái ôm của người thân có thể làm dịu đi những nỗi đau và mang lại cảm giác an toàn, chia sẻ khó khăn hay niềm vui. Đó là một cách tốt nhất để chúng ta thể hiện tình yêu và quan tâm mà không cần đến ngôn ngữ. Hay nói đúng hơn, nó là thứ ngôn ngữ tình cảm không lời, khiến cho mọi người cảm thấy được yêu thương và được trân trọng.

Mỗi cái ôm như một chiếc cầu nối vô hình, kết nối tâm hồn mọi thành viên trong gia đình. Ôm trẻ con khi chúng đau khổ hay vui mừng là cách cha mẹ thể hiện sự quan tâm và tạo nên những kí ức đẹp cho tương lai. Ôm anh chị em là bí quyết giúp xóa bỏ những hiểu lầm và tạo nên sự đồng thuận.

Bởi thế, nhiều chuyên gia khuyên rằng, mỗi người nên dành thời gian, dành sự chú ý đến những cái ôm trong gia đình. Bởi đôi khi, một cái ôm có thể là chìa khóa mở cánh cửa trái tim, làm cho mọi người gần nhau hơn và cuộc sống trở nên ấm áp hơn. Trong những cái ôm, chúng ta tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và sức mạnh của tình thân.

Đọc thêm

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Lâm Đồng

Phỏng vấn trực tiếp ngay tại chương trình.
(PLVN) - Chương trình Tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hướng nghiệp diễn ra chiều 11/12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã thu hút hơn 500 học sinh cùng đông đảo phụ huynh, người lao động, cơ sở đào tạo tham gia. Đặc biệt, 7 đơn vị tuyển dụng là các doanh nghiệp đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đem tới chương trình hàng trăm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.

Cần tiến tới việc luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội)
(PLVN) - “Khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp của Tháng hành động Quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024. Đây cũng là thông điệp phù hợp với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” của năm nay.

“Sạch” từ ý thức mỗi người dân

Sông Tô Lịch (Hà Nội) (Ảnh: Dân trí).
(PLVN) -  Với những người yêu Hà Nội, mỗi khi có dịp đến thăm Thủ đô, cùng với sự thán phục, tự hào về sự phát triển của Hà Nội qua từng tháng, từng năm; thì vẫn còn đó một số băn khoăn: Vì sao con sông Tô Lịch chạy giữa lòng thành phố vẫn ô nhiễm, hôi hám, vì sao chất lượng không khí Hà Nội vẫn chưa cải thiện, vì sao tình trạng xả rác bừa bãi vẫn tồn tại ở một số nơi?

Loạt tin vui lớn dành cho người Ninh Bình

Cảnh Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
(PLVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (huyện Yên Mô) và Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, đều thuộc tỉnh Ninh Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Bình công nhận khu vực thị trấn Thịnh Vượng đạt tiêu chí đô thị loại V, đánh dấu bước phát triển mới của huyện Gia Viễn.