Sáng 25/10, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình” (Luật PCBLGĐ) trên địa bàn TP HCM (2008 - 2018). Đến dự có ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM.
lÔng Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc |
BLGĐ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội
Tại Hội nghị, ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) TP cho biết: “10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Công tác tuyên truyền pháp luật triển khai quyết liệt ngay khi Luật PCBLGĐ được ban hành, nhất là những địa bàn trọng điểm”. TP HCM lồng ghép Luật PCBLGĐ trong tuyên truyền xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở như: gia đình văn hoá của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Theo Ban Chỉ đạo công tác gia đình TP HCM, trong thời gian qua, TP HCM đã phối hợp và nỗ lực triển khai nhiều hoạt động PCBLGĐ. Tất cả 322 phường, xã, thị trấn của TP hiện nay đều có ban chỉ đạo công tác gia đình. Toàn TP có gần 1.630 Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, hơn 230 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, hơn 1.740 nhóm PCBLGĐ tại các phường, xã, thị trấn. Gần 1.060 tổ tư vấn, 5.500 tổ hòa giải cơ sở và hơn 1.140 địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong hỗ trợ người tiếp cận thông tin Luật và các chính sách Luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: phối hợp liên ngành trong tổ chức thực hiện và triển khai hoạt động về PCBLGĐ; đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và PCBLGĐ trong trường; hướng dẫn cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân BLGĐ; chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc khám sàng lọc và chuyển gửi an toàn bệnh nhân là nạn nhân BLGĐ… góp phần hình thành môi trường sống lành mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở VH-TT TP, BLGĐ gây ảnh hưởng tiêu cực, chia rẽ mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh chị em... Việc này khiến mâu thuẫn gia đình tăng lên, các thành viên thiếu quan tâm, chăm sóc, trách nhiệm với nhau. "Hậu quả là vô cùng nặng nề cho gia đình và toàn xã hội. Đây là hành vi vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến đời sống xã hội", ông Nam nói.
Có giảm nhưng hành vi ngày càng nguy hiểm
Theo báo cáo tại Hội nghị, tuy số vụ vi phạm Luật PCBLGĐ trên địa bàn TP giảm nhưng lại xảy ra những vụ có tính chất rất nghiêm trọng, làm nạn nhân bị BLGĐ bị tàn tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Nguyên nhân được chỉ ra rằng do các thành viên thiếu kỹ năng xử lý các tranh chấp mâu thuẫn, do tệ nạn xã hội thâm nhập vào các gia đình. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là do bất bình đẳng giới trong gia đình, xuất phát từ nếp sống gia trưởng cố hữu của người đàn ông, nếp cam chịu hy sinh của người phụ nữ vẫn tồn tại ở một số nơi. Cùng với đó, vấn đề BLGĐ thường được mặc định là chuyện nội bộ, người ngoài ít can thiệp, thậm chí những người có chức năng. Tâm lý nhẫn nhịn cho qua, sợ bị chê cười khiến các vụ bạo hành chỉ được phát hiện khi đã để lại hậu quả khá nghiêm trọng. Do vậy, số liệu thống kê được công bố được cho chỉ là nguồn tham khảo bởi phần lớn các vụ bạo hành đã bị lờ đi.
Ban Chỉ đạo công tác gia đình TP HCM cho biết, các nạn nhân thường không muốn hoặc không thể tham gia khi BLGĐ trở thành vụ án hình sự. Họ thường rút lại lời khai sau khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát. Hệ thống tư pháp, hình sự và hành chính hiện nay chủ yếu tập trung vào hòa giải. Các xử lý phổ biến của lực lượng công an là hòa giải, tránh bắt và tạm giam, chỉ trừ những trường hợp rất nghiêm trọng.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong Luật PCBLGĐ cũng như các văn bản liên quan để tăng cường hiệu quả công tác PCBLGĐ. Sở VH-TT TP HCM đề nghị Bộ VHTT&DL ban hành chính thức Quy trình xử lý BLGĐ, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể và phân công rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong can thiệp và xử lý. Ngoài ra, TP cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ. Cụ thể là thêm các hành vi bạo lực trong quan hệ vợ chồng như: ép buộc mang thai, sinh nhiều con so với quy định, ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi. Thay quy định "phải có đơn của nạn nhân BLGĐ" bằng quy định khác phù hợp, thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra, xử lý... để có cơ sở để xác định hành vi BLGĐ cũng như bảo vệ nạn nhân.
Còn bà Trần Thị Thái - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp TP HCM kiến nghị không nên phân biệt BLGĐ với các bạo lực khác. Bởi nếu chỉ đề cập đến BLGĐ thì các bạo lực khác có khi phải cần các luật khác như Luật Phòng chống bạo lực trong trường học hoặc bạo lực tại các khu vực công cộng... Đồng thời, "Cũng cần thay đổi nhận thức của mọi người về BLGĐ, bởi đây không còn là chuyện riêng tư mà là trách nhiệm của toàn xã hội", đại diện Sở Tư pháp nói.
Tại Hội nghị, UBND TPHCM đã trao tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai, thực hiện Luật PCBLGĐ trên địa bàn TP HCM liên tục trong nhiều năm.
Theo báo cáo tổng kết, từ tháng 6/2009 đến tháng 6/2018, toàn TP xảy ra gần 1.877 vụ BLGĐ. Trong đó, số vụ BLGĐ ở 19 quận nội thành là 1.402 vụ (chiếm 74,7%), tại 5 huyện ngoại thành là 475 vụ (chiếm 25,3%). Trong gần 2.000 vụ được ghi nhận có hơn 61% bạo lực thể chất, gần 31% về tinh thần, gần 7% về kinh tế và hơn 1% về tình dục. Nạn nhân nữ trong các vụ BLGĐ chiếm 86%. Thống kê theo loại hình, loại hình BLGĐ, bạo lực thân thể chiếm đa số với 1.152 vụ, tiếp đó là bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế… Về công tác xử lý vi phạm, theo thống kê của Công an TP HCM, từ năm 2009 đến năm 2016 có 963 vụ liên quan đến BLGĐ với 981 người vi phạm pháp luật và 997 nạn nhân; trong đó có 783 vụ xử phạt hành chính với số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng…