Khi được hỏi “bố mẹ nên để lại gì cho con?”, nhiều người đã nghĩ rằng đó là tiền bạc, vật chất, học vấn, tri thức, nghề nghiệp… Tuy nhiên, có một thứ được gọi là “gia tài” rất khác.
Tập trải nghiệm
Mẹ làm lãnh đạo cấp Bộ, bố chuyên kinh doanh nhập khẩu ô tô, nhưng nhìn Tuấn, không ai biết cậu từng là “công tử”. Trước Tuấn là một chị gái nhưng không may chị bị bệnh và mất từ nhỏ. Đã có thời gian dài Tuấn được mọi người cưng chiều hết mức.
Nhưng đến năm 14 tuổi, khi Tuấn theo đám bạn đua xe, bị Công an bắt thì bố mẹ bắt đầu “tỉnh”. Năm Tuấn 15 tuổi, cậu bị bắt nghỉ học, cấm vận mọi viện trợ và bắt phải tự lao động kiếm sống. Vì thế, các buổi sáng, Tuấn phải dậy sớm, đạp xe hơn 30 phút đến làm thợ phụ cho tiệm bánh ngọt trên đường Tôn Đức Thắng.
Bây giờ, gặp Tuấn, ai cũng ngạc nhiên khi thấy một sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Kinh tế mà đã rất có dáng “ông chủ” với vẻ tự tin, chững chạc và nhiều ước mơ. Tuấn mơ sẽ tự mua của công ty bố một chiếc ôtô; Tuấn mơ sẽ mở rộng tiệm bánh ngọt hiện tại của mình thành một chuỗi các tiệm bánh khác; Tuấn dự định sẽ đấu thầu các căn tin trong các trường Đại học và tạo điều kiện cho các sinh viên nghèo làm việc bán thời gian... Mỗi khi có ai đó hỏi về con trai mình, mẹ Tuấn đều rất tự hào bảo: “Vợ chồng tôi đã đúng khi quyết định để cho con được sống tự lập, tự trải nghiệm”.
Tập “cho đi”
Với chị Mai Thanh - một Nhà nghiên cứu xã hội học - đã xây dựng “chiến lược” cho con gái ngay từ khi cô bé bắt đầu vào lớp 1. Bắt đầu là các buổi sáng, bố mẹ luôn gõ cửa phòng con gái, gọi dậy, đề nghị nhanh chóng “làm giúp” vài việc vặt như “mang quần áo bẩn cho mẹ”, “dọn bàn ăn giúp bố”, “tưới cây cảnh giúp bà”... Khi ra ngoài phố, lần nào gặp các cụ già ăn xin, chị Mai Thanh luôn đưa tiền lẻ cho con gái mình. Chị nói với con rằng cụ ấy rất đáng thương, không còn đủ sức khỏe để lao động kiếm tiền nuôi bản thân nên phải đi ăn xin. Chị bảo bé hãy cầm lấy tiền và biếu vào tận tay cụ ấy để mong giúp cụ có bữa ăn cho ấm bụng...
Vào các dịp lễ, Tết... bé được người lớn cho tiền thì bao giờ bố mẹ cũng gợi ý: “Con có thể bỏ vào heo đất được không? Khi nào cô giáo bảo đập heo để quyên góp giúp các bạn học sinh nghèo thì số tiền của con sẽ rất lớn, con sẽ được cô giáo khen vì con giúp được nhiều bạn nhất”...
Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần, cả hai bố mẹ đều thu xếp thời gian để đưa con đến các Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, các Nhà dưỡng lão... Khi đi thì mang theo quần áo cũ, mì tôm, đường, sữa, bánh kẹo... để tặng. Đến nơi, cô bé ấy luôn được mẹ hướng dẫn cách chia quà cho các bạn nhỏ, giới thiệu cho con nghe về hoàn cảnh kém may mắn của từng bạn, hướng dẫn cho con cách hỏi, cách an ủi, chia sẻ với các cụ già neo đơn... Theo chị Mai Thanh, tất cả các hoạt động mang tính “chiến lược” này đều chỉ nhằm mục đích duy nhất là tạo cho con gái có một thói quen trong cuộc sống: Không chỉ “biết nhận” mà còn biết “cho đi”...
Hiện nay, có không ít ông bố, bà mẹ đã hiểu rằng cần phải dạy dỗ, tạo điều kiện để con cái có cơ hội tự trải nghiệm, tự học cách biết cho đi tình yêu thương. Đấy chính là cách để trẻ lớn lên, trưởng thành và hiểu được những giá trị đích thực của cuộc sống.
Theo PNVN