Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Theo khảo sát của phóng viên PLVN, từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam không giảm mà còn tăng mạnh, khiến người nuôi lợn phấn khởi. Tuy nhiên, trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, các chuyên gia thị trường cảnh báo, giá có thể giảm mạnh trong thời gian tới.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng vừa công bố dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, với 3 ổ dịch tại Hưng Yên và Thái Bình. Mặc dù lợn tại các ổ dịch đã được khoanh vùng và tiêu hủy, tuy nhiên giá đã giảm nhẹ khoảng 500 – 1.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Hiện, giá lợn hơi tại Hà Nội dao động từ 46.000 - 47.000 đồng/kg. Trong khi, ở TP Hồ Chí Minh, giá lợn hơi dao động từ 48.000 đến 50.000 đồng/kg.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại dịch bệnh nguy hiểm. Đại diện Cục Thú y cũng khuyến cáo, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn tiêu dùng những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện, nhiều công ty chăn nuôi lớn như C.P, CJ, Japfa, GreenFeed... đưa ra thị trường loại lợn nhỏ, trọng lượng dưới 100kg/con. Điều này báo hiệu nguồn cung lợn hơi sẽ có thể ở mức thấp cho đến hết năm nay. Giải thích về dự báo nguồn cung trên, một số chuyên gia cho rằng, do trong năm 2018, dịch lở mồm long móng tấn công đàn lợn ở nhiều địa phương, gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ chăn nuôi, nhiều hộ buộc phải bán tháo đàn lợn và đến nay chưa dám đầu tư chăn nuôi trở lại.