Từ năm 2012, nhằm đưa nước sạch về cho bà con đồng bào trên địa bàn huyện Chư Sê, công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc làng Gran với kinh phí đầu tư 506 triệu từ nguồn vốn Chương trình 134 được xây dựng.
Cũng trong năm 2012, làng Plong 2 cũng được UBND huyện Chư Sê đầu tư xây dựng một bể nước và ống dẫn với kinh phí hơn 202 triệu đồng. Tuy nhiên, sau lễ khánh thành hoành tráng, người dân chỉ sử dụng được vài năm cách đoạn rồi bỏ hoang. Chính vì bỏ hoang lâu năm, không có người trông coi, bảo vệ nên công trình càng bị hư hại nghiêm trọng.
Dẫn chúng tôi ra công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran, anh Rơ Mah Híp (Trưởng thôn làng Gran) cho biết: “Thực tế, 97 hộ dân của làng đều có giếng nước, nhưng các giếng này chỉ sâu từ 25 m trở lại nên thường xuyên bị cạn vào mùa khô khiến tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên. Khi công trình nước sinh hoạt tập trung của làng đi vào hoạt động, chính quyền đã lắp ống dẫn nước về tận nhà cho 14/97 hộ trong làng sử dụng.”.
“Tuy nhiên, sau khi sử dụng được 2 tháng, thì một số đường ống bị hỏng và nhiều hộ vì không có tiền đóng tiền điện nên công trình đã ngưng sử dụng. Khi đến đợt hạn kỉ lục năm 2016, người dân mới sử dụng lại nước từ công trình nước sạch này, nhưng cũng chỉ được 2 tháng lại ngưng và bị bỏ hoang. Sau nhiều năm không hoạt động, công trình nước sạch đã bị hư hỏng, nhiều thiết bị kẻ gian phá hoại và máy móc cũng không hoạt động được nữa. Khi công trình ngưng sử dụng, bà con lại tiếp tục lấy nước từ các giọt về uống nên không đảm bảo vệ sinh. Lâu này, dân làng đang kiến nghị chính quyền sửa chữa và hỗ trợ tiền điện để người dân có nước sạch sử dụng”, ông Híp cho biết thêm.
Ông Rơ Lan Chual (58 tuổi, làng Gran, xã Ia Hlốp) cho biết: “Từ xa xưa, gia đình đã sống nhờ nước giọt. Nhưng khi đó, chính quyền địa phương tuyên truyền rằng nước giọt không đảm bảo vệ sinh và đưa hệ thống nước sạch dẫn đến tận nhà cho bà con sử dụng. Cuối năm 2012, khi công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran được đưa vào sử dụng kéo nước về tận nhà, dân làng rất phấn khởi. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau, đường ống dẫn nước từ công trình này đã bị hư hỏng nên gia đình tôi không còn được sử dụng nguồn nước sạch này nữa. Nước sạch không còn nên gia đình tôi phải quay trở lại lấy nước giọt về dùng. Vào mùa mưa thì không sao, nhưng lúc mùa khô thì một số giếng cũng cạn…”.
Tương tự, công trình làng Plong 2 được đầu tư hơn 200 triệu với việc xây dựng hệ thống nước sạch, bể chứa xi măng để cho người dân sử dụng chung. Nhưng trải qua thời gian, công trình nước sạch làng Plong 2 này cũng bị bỏ hoang.
Trao đổi với PV về các công trình nước sạch sử dụng không hiệu quả dẫn đến việc “đắp chiếu”, bỏ hoang, ông Nguyễn Văn Đương (Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp) cho biết: “Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 134 với tổng kinh phí trên 506 triệu đồng. Sau khi khánh thành, chính quyền đã bàn giao lại cho thôn quản lý. Khi nghe người dân phản ánh tình trạng hư hỏng của các công trình này nên đầu năm 2018, xã đã phối hợp với ngành chức năng của huyện xuống kiểm tra và đánh giá công trình trên đều bị hư hỏng nặng… Cũng trong đợt kiểm tra, xã cũng phát hiện công trình nước sinh hoạt tập trung làng Plong 2 cũng bị hư hỏng nhiều năm.”.
“Nhằm tạm thời khắc phục tình trạng thiếu nước sạch phục vụ ăn uống của bà con đồng bào, UBND xã đã làm việc với Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (đứng chân trên địa bàn làng) để xin nước sạch từ công trình của trường bắc qua cho người dân sử dụng tạm thời sử dụng. Đồng thời, xã cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhằm phát huy hiệu quả của công trình cũng như cấp nước sạch cho người dân sử dụng”, ông Đương cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hợp (Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê) cho biết, công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran và làng Plong 2 là 2 trong nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện sử dụng không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này là do người dân không đóng tiền điện, không sử dụng dẫn đến hư hỏng. Hiện tại, Phòng đang tổng hợp các công trình sử dụng không hiệu quả trên toàn huyện và thu thập ý kiến của xã để có hướng xử lý phù hợp”.