Thôn Kueng Đơn trước đây vốn là những hộ dân sống rải rác khu vực lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ. Cách đây gần 20 năm, những hộ dân này được di dời lên sống tại đây. Cả thôn có 170 hộ thì có tới 117 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của những người dân nơi đây quanh quẩn với ruộng vườn, nương rẫy và những cây mì, cây mía.
Mọi thứ đảo lộn khi bỗng dưng hơn ba chục hộ ở đây trở thành con nợ của một ngân hàng. Những người nông dân “chân lấm tay bùn” vốn quen với cuốc xẻng bỗng nhiên một ngày được cán bộ phụ nữ thôn bảo ký vào hợp đồng vay nợ với ngân hàng. Chẳng phải làm gì, chỉ cần vài chữ ký họ được trả công tiền triệu. Thiếu hiểu biết, hơn ba chục hộ dân trở thành nạn nhân của bà Phạm Thị Nga (SN 1963, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn) và bà Đào Thị Thanh (SN 1972, ngụ cùng thôn).
Lợi dụng chính sách cho vay vốn hỗ trợ người nghèo của ngân hàng, bà Nga và bà Thanh bị cho là đã đến những hộ dân thuộc diện hộ nghèo dụ dỗ những người này đứng ra vay ngân hàng giúp. Theo lời của ông Kpă Mua, trưởng thôn Kueng Đơn: Khoảng đầu năm 2016, nhiều người dân dù không có nhu cầu vay vốn nhưng được hai người phụ nữ trên nhờ đứng ra vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Trong đó bà Nga dụ dỗ 24 hộ đứng vay với số tiền 657 triệu đồng, còn bà Thanh nhờ 8 hộ đứng vay với số tiền 220 triệu đồng.
Sự việc chỉ bị phát hiện khi bất ngờ đầu tháng 3/2019, bà Nga bất ngờ đi khỏi địa phương. Lúc này, những hộ dân ký hồ sơ vay trước đây mới bắt đầu lo lắng về khoản tiền trước đó được người phụ nữ này “nhờ” đi vay.
Trao đổi với PV, chị Siu H’Mi, người đứng tên vay cho bà Đào Thị Thanh 30 triệu đồng cho biết: “ Lúc bà Thanh đến nhà bảo ký vào hồ sơ, mình nói mình không muốn vay vì sợ không có tiền trả. Bà Thanh nói ký vào rồi đừng khai với ai thì không sợ gì hết. Lấy tiền về bà Thanh cho mình 2 triệu mua gạo, chứ mình không biết mình đang vay nợ ngân hàng”. Sau khi sự việc vỡ lở, chị Siu H’Mi bị chồng đánh cho tới mức “muốn tự tử” như lời chị nói.
Ngay gần nhà chị H’Mi là hai vợ chồng người hàng xóm tên Đinh Plen cũng cùng cảnh ngộ. Hai vợ chồng bà Đinh Plen cũng đứng vay giúp cho bà Thanh số tiền 30 triệu đồng. Người chồng bị liệt chân phải đi xe lăn. Hàng ngày vợ chồng mưu sinh bằng việc đi nhặt rác tại bãi rác thôn.
Những hộ dân trên sống trong lo lắng về khoản nợ lúc nào cũng lơ lửng trên đầu. Ông Nguyễn Hữu Tỵ, Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết: Sự việc trên đã được công an huyện ghi nhận. Trong quá trình làm việc bà Thanh cam kết trong vòng một tháng sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền 220 triệu đồng cho ngân hàng. Còn bà Nga đã rời khỏi nơi cư trú. Do hồ sơ giao dịch vay vốn đầy đủ thủ tục giấy tờ nên công an cho rằng “đây chỉ là giao dịch dân sự giữa các hộ dân với hai bà Thanh, Nga”.
Đồng thời ông Tỵ cũng cho biết: Các hộ dân ở đây đều tự nguyện ký vào hồ sơ vay vốn ngân hàng nên hiện tại lãnh đạo xã chỉ có thể vận động hai bà Thanh và Nga hoàn trả tiền lại cho ngân hàng. Đồng thời, cán bộ xã cũng theo dõi nếu bà Nga có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì báo cho ngân hàng xử lý.
Liên quan tới sự việc, ông Tỵ cho hay: Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, Nguyễn Hồng Linh đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào vay vốn sử dụng không đúng mục đích, chiếm đoạt tài sản.